02/05/2008 02:10 GMT+7

Cà phê... khuyến nông

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Tờ mờ sáng, con đường quê ở xã An Bình (Thoại Sơn, An Giang) đã thấp thoáng bóng nông dân từ các nơi đổ về, người đi bộ, người đạp xe cười nói ồn ào.

cswCjnOW.jpgPhóng to

Bà con nông dân vừa đọc báo vừa chuyện trò tại quán "cà phê khuyến nông"

TT - Tờ mờ sáng, con đường quê ở xã An Bình (Thoại Sơn, An Giang) đã thấp thoáng bóng nông dân từ các nơi đổ về, người đi bộ, người đạp xe cười nói ồn ào.

Họ cùng đi về một quán cà phê nhỏ...

Quán vắng vẻ phút chốc náo nhiệt hẳn, rôm rả đủ chuyện thời sự nhà nông từ giá lúa, phân bón đến rầy nâu phá hoại...

"Hai lúa" Nguyễn Văn Giàu hắng giọng phát pháo đầu tiên về vụ hè thu này nên sử dụng giống nào thích hợp: "Theo tôi, bà con mình không nên dùng giống lúa 504, bản thân nó sạ mềm lại hay đổ ngã, nhiễm bệnh tùm lum. Nên dùng OMCS2517hay OMCS2000 hay 1490, mấy giống này chịu đất phèn lắm à nghen...".

Quán hội tụ nhiều nông dân với đủ cả trình độ. Nhà nông nên ai cũng thật lòng, có bao nhiêu kinh nghiệm cứ nói hết ruột gan. Cũng có vài người không biết chữ, tình thiệt hỏi về kỹ thuật ghi trong các tờ bướm. Thế là nhà nông xúm xít trả lời, ai biết thêm mớ nào chỉ thêm mớ đó. Thành ra kẻ hỏi có lợi mà người trả lời cũng có lời vì thu thập được các thông tin cần thiết khác. Lão nông Trương Hiếu, nhà cách 7km ngày nào cũng tới đây trao đổi kinh nghiệm, vói tay lấy tờ bướm có tiêu đề "Một số sâu, bệnh trên lúa" lật tới lật lui, nói: "Xem cái này biết nhiều lắm à nghe!". Quán có đủ loại sách báo về nông nghiệp với hơn hàng ngàn tờ bướm nói về kỹ thuật trồng trọt.

Ông Trần Văn Thắng nói ở nông thôn sáng sớm muốn đọc báo cũng khó. Từ khi có quán "cà phê khuyến nông", ông tranh thủ trước lúc ra đồng tới đây đọc sách báo, đàm luận cùng anh em chuyện đồng áng... Ông bảo cán bộ khuyến nông xã, huyện cũng thường có mặt để giải đáp cùng bà con những vấn đề khó. Nhờ đó mà nhà nông biết thêm nhiều thứ như phương pháp sạ hàng mới, giống nào nặng phân, giống mới nào kháng rầy, cách phòng trừ sâu bệnh, diệt cỏ von, vàng lá chín sớm cho lúa đến trao đổi giống, mùa nào nuôi con gì ít tốn kém, hiệu quả cao... "Tụi tui biết cái lợi của việc xuống giống đồng loạt né được rầy, hạn chế sâu bệnh, lúa bán ra lại ổn định. Nếu trước đây mạnh ai nấy xuống giống lẻ mẻ tạo cho rầy nâu cơ hội phá hoại ruộng này, ruộng khác. Còn đồng loạt xuống giống thì rầy nâu chia ra, mỗi ruộng ăn một ít, nhà nông bớt thiệt hơn...".

Quán "cà phê khuyến nông" đầu tiên của cả nước được Trung tâm Giống quốc gia, báo Nông Nghiệp Việt Nam chọn đặt ở An Giang làm thí điểm...

Hỏi một biết mười...

Anh Phan Văn Dũng, chủ quán, cho biết mỗi sáng quán đón 50 lượt khách là nông dân. "Thời điểm đông nhất, lượng khách gấp 2-3 ngày thường là lúc sạ hàng, thu hoạch lúa. Thường ngày, bà con ghé quán trước khi bắt đầu và sau khi công việc đồng áng kết thúc. Đó là khoảng 4-6g, 13g, 18g".

Ông Phan Thanh Tùng, phó Phòng nông nghiệp huyện Thoại Sơn, cho biết bà con thấy gì hay thường đem ra quán mổ xẻ, mỗi người mỗi ít kinh nghiệm, nhờ đó tầm hiểu biết cũng nâng lên rất nhiều. Như có anh biết diệt rầy bằng cách sạ trộn cát, trộn tro hoặc mùn cưa trộn tro, hiệu quả hơn nhiều so với sử dụng dầu nhớt lại không thiệt hại gì đến lúa. Có anh chỉ đông xuân tỉa hàng, khui nước, xới đất ra sao; hè thu tỉa hàng, giữ nước, sạ phân lót thế nào để bộ rễ cây phát triển sớm, cày khỏe... tiết kiệm chi phí sản xuất. Hay bơm nước chẳng hạn, trước đây một vụ bơm bảy cữ, thấy nước khô còn 1 tấc là bơm, giờ thì đặt ống nước còn 5 phân mới bơm. Thành thử một vụ chỉ bơm năm cữ, tiết kiệm hai cữ, giảm được 4 lít xăng, tính ra 1ha tiết kiệm khoảng 100.000 đồng.

PGS.TS Mai Thành Phụng - Trung tâm Khuyến nông quốc gia - cho biết mục đích thành lập quán cà phê này nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung cấp thông tin về sản xuất nông nghiệp, giá cả thị trường nông sản, chủ trương chính sách, pháp luật đến nông dân. Sở dĩ chọn An Giang là tỉnh đầu tiên cả nước lập quán "cà phê khuyến nông" vì An Giang là một trong những tỉnh sản xuất lúa gạo đứng đầu khu vực ĐBSCL với diện tích trên 530.000ha, sản lượng 3.200.000 tấn/năm.

Ông Phụng còn cho biết dự định sẽ mở thêm quán ở Tân Hiệp, Giồng Riềng, Kiên Giang. Còn ở An Giang sẽ mở tiếp tại Tri Tôn. "Và để đẩy mạnh hiệu quả thiết thực của quán lên nữa, sẽ có nhiều kế hoạch được đề ra như trang bị thêm điện thoại, máy vi tính, tổ chức buổi tọa đàm định kỳ tại quán theo từng chuyên đề cụ thể. Bà con có khúc mắc gì cứ đến quán gọi điện, tìm hiểu thông tin gì về nông nghiệp cứ đến quán truy cập Internet. Tất cả đều phục vụ miễn phí. Chúng tôi sẽ trực tiếp trả lời câu hỏi của bà con theo lịch kỳ định sẵn..." - ông Phụng nói.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên