06/08/2019 13:31 GMT+7

Cả nước mới có 50 đơn vị sự nghiệp công lập cổ phần hóa

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Bộ Tài chính cho biết đầu quý 4 sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định mới nhằm thúc tiến độ cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện tiến độ cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập rất nhỏ giọt, chưa đầy 0,09%.


Cả nước mới có 50 đơn vị sự nghiệp công lập cổ phần hóa - Ảnh 1.

Viện Dệt may thuộc Tập đoàn Dệt may VN được cổ phần hóa sau khi bán toàn bộ cho một đơn vị tư nhân - Ảnh: NAM TRẦN

Giải thích nguyên nhân có quá ít đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) được cổ phần hóa, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho rằng không phải đơn vị nào cũng chuyển đổi được mà phải đảm bảo điều kiện là tự chủ chi thường xuyên, hoặc cả chi thường xuyên và đầu tư.

Chưa đạt... 0,1%

Ngày 6-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Quyết Tiến - cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) - cho biết, cả nước hiện có khoảng 58.000 ĐVSNCL. 

Sau vài năm thực hiện cơ chế chuyển đổi ĐVSNCL sang công ty cổ phần, tính đến cuối năm 2018, số lượng ĐVSNCL được cổ phần hóa chỉ đạt trên 50 đơn vị, chưa đạt 0,09%.

Thực tế, đặc thù của ĐVSNCL là rất nhiều đơn vị phục vụ an sinh xã hội nên lợi nhuận rất thấp và đa phần vẫn dựa vào ngân sách. Do đó, các bộ ngành, địa phương rà soát thấy đơn vị nào đáp ứng điều kiện này thì mới đưa vào danh sách tiến hành cổ phần hóa chứ không thể làm ồ ạt.

Chúng ta không thể cổ phần hóa đơn vị mà nguồn thu không đủ khi vẫn đang được hưởng bầu sữa ngân sách nhà nước. Vì sau khi chuyển đổi thì ĐVSNCL sẽ là doanh nghiệp.

Ông Đặng Quyết Tiến, cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Ngoài ra, tiến độ chuyển đổi ĐVSNCL sang công ty cổ phần rất chậm là do cơ chế. Bởi ĐVSNCL muốn chuyển sang công ty cổ phần phải nằm trong danh mục và phương án chuyển đổi được Thủ tướng phê duyệt.

Chính vì thế, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa ĐVSNCL, đầu quý 4, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định. 

Theo đó, Thủ tướng chỉ phê duyệt danh mục cổ phần hóa ĐVSNCL cho một giai đoạn còn UBND tỉnh, thành phố, các bộ chủ quản sẽ quyết định phương án chuyển đổi theo danh mục đó.

Vấn đề lớn nhất là xử lý nhà, đất

Ông Tiến cho rằng vấn đề lớn nhất khi cổ phần hóa ĐLSNCL là sắp xếp, xử lý nhà, đất. Thực tế, quy định hiện hành chưa hướng dẫn vấn đề này. 

Do đó, trong dự thảo Nghị định mới, vấn đề đất đai sẽ phải tính toán lại, theo hướng khi chuyển sang công ty cổ phần thì sẽ thuê đất để đảm bảo hoạt động.

Ông Tiến đơn cử trường hợp trường nghề sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần nếu vẫn dạy nghề thì diện tích đất sử dụng phải phục vụ chính cho dạy nghề. Trường hợp diện tích đất, tòa nhà phục vụ cho đào tạo nghề dư thừa công năng thì có thể cho thuê, nhưng không thể diện tích cho đào tạo nghề chỉ 10% còn lại 90% là cho thuê để sử dụng mục đích khác. 

Còn trường hợp ĐVSNCL sau khi cổ phần hóa không cung cấp dịch vụ công như trước đây thì đất đai phải được thu lại để giao cho địa phương quản lý và đấu giá.

Theo ông Tiến, khi chuyển đổi sang doanh nghiệp phải đảm bảo hiệu quả hoạt động của đơn vị và quyền lợi của người lao động. Do đó, trong dự thảo nghị định mới, Bộ Tài chính đề xuất người lao động được mua cổ phần với giá ưu đãi. Đặc biệt người lao động là chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn cao thì được mua thêm cổ phần... 

Hiện cả nước có 2,5 triệu người lao động đang làm việc trong 58 nghìn ĐVSNCL.

Bước ra thị trường, hết dựa vào bầu sữa ngân sách

Về kết quả sau khi ĐVSNCL chuyển thành công ty cổ phần, trao đổi kỹ hơn với Tuổi trẻ Online, Bộ Tài chính cho biết đã làm việc với Bộ GTVT, Bộ Công thương và khảo sát tại hai tỉnh là Hà Nam và Hải Dương. 

Theo báo cáo của địa phương, ĐVSNCL đã thành công về mặt tài chính sau khi cổ phần hóa.

Đơn cử như công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp Đồng Văn 3, tỉnh Hà Nam. Lúc cổ phần hóa năm 2016, lợi nhuận doanh nghiệp đạt 669 triệu. Nhưng đến năm 2018, lợi nhuận đạt 60,8 tỉ đồng, tăng 87 lần. Thu nhập của người lao động năm 2018 tăng lên mức 9,3 triệu đồng/người/tháng, trong khi thời điểm 2016 chỉ 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Công ty Quản lý các bến xe khách Hải Dương (tỉnh Hải Dương) sau 2 năm chuyển đổi doanh thu năm 2018 tăng thêm 2 tỉ đồng lên 7,6 tỉ đồng và lợi nhuận đạt 579 triệu đồng (thời điểm chuyển đổi năm 2016 lợi nhuận chỉ 121 triệu đồng). Bình quân thu nhập của người lao động cũng tăng lên từ 5 triệu đồng lên 7 triệu đồng/người/tháng.

Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết ngoài việc tăng doanh thu, tăng thu nhập cho người lao động, nhiều doanh nghiệp đã đa dạng hóa được dịch vụ. Cụ thể, trước đây khi là ĐVSNCL chỉ cung cấp dịch vụ cho phạm vi trong tỉnh, nhưng khi chuyển sang công ty cổ phần thì đã trúng thầu những gói thầu ở địa phương khác. 

Điều đó cho thấy doanh nghiệp có thể cạnh tranh được, bước được ra thị trường, không phải dựa vào bầu sữa nhà nước nữa.

Y tế, giáo dục: tạm thời chưa chuyển đổi

Về lĩnh vực chuyển đổi, ông Tiến nói thêm, theo nghị quyết của Trung ương, ĐVSNCL y tế và giáo dục tạm thời chưa tiến hành chuyển đổi.

Vì bệnh viện và trường học cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nên thận trọng khi làm.

Nhưng đơn vị nào đủ điều kiện chuyển đổi và người ta "xung phong" thì cũng rất hoan nghênh tiến hành cổ phần hóa.

Kiến nghị thu hồi đất doanh nghiệp cổ phần hóa sử dụng sai

TTO - Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiến nghị thu hồi đất doanh nghiệp cổ phần hóa sử dụng không đúng mục đích - chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 31-5.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên