Học viên cai nghiện được chỉ dẫn làm công việc nhà tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng (Đà Nẵng) - Ảnh: TẤN LỰC |
Thông tin này được đưa ra tại hội nghị sơ kết công tác cai nghiện ma túy và phòng chống tệ nạn xã hội do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Đà Nẵng ngày 31-7 với sự tham gia của đại diện nhiều tỉnh thành.
Bất an với ma túy tổng hợp
Theo báo cáo, trong số người nghiện có hồ sơ quản lý thì hơn 67% đang sinh sống ngoài xã hội. Số còn lại được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dưỡng hoặc phạm tội đang bị tạm giam.
Nhiều con nghiện đang có xu hướng chuyển sang sử dụng các loại ma túy tổng hợp thay cho heroin. Người sử dụng loại ma túy này dễ rối loạn tâm thần và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự.
Về công tác cai nghiện, hiện có khoảng 31 ngàn người nghiện được điều trị tại 105 cơ sở cai nghiện, hơn 3.500 người điều trị cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, khoảng 24 ngàn người đang được quản lý sau cai nghiện tại cơ sở quản lý sau cai và tại nơi cư trú.
Điều đáng quan tâm được hội nghị nêu ra là việc cai nghiện tại các địa phương chưa thống nhất được quan điểm. Nhiều nơi có quan điểm cần đưa hết người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong khi đề án đổi mới công tác cai nghiện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hướng tới cai nghiện chủ yếu tại cộng đồng.
Do vậy, có tình trạng một số địa phương đã đưa quá nhiều người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dẫn đến các sự cố học viên cai nghiện tập hợp đập phá, tổ chức trốn thoát khỏi trại cai nghiện gây cảnh hỗn loạn và nguy hiểm đến xã hội như vừa qua.
Hiện liệu pháp cai nghiện áp dụng rộng rãi nhất là Methadone. Tuy nhiên, điều trị bằng Methadone gắn với trạm y tế cấp xã như là điểm cấp phát thuốc chưa thực hiện rộng rãi nên việc điều trị Methadone theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ khó đạt mục tiêu đề ra.
Việc kiểm tra, đánh giá chương trình điều trị bằng Methadone chưa được chú trọng nên các tiêu chí về tuân thủ điều trị, sử dụng kép với ma túy khác, tình trạng bỏ liều, công tác hỗ trợ xã hội chưa được như mong muốn.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết hiện đang cộng tác cùng các nhà khoa học sản xuất, thử nghiệm thuốc cai nghiện mới Cedemex có hiệu quả cao. Theo đó, tỉ lệ bỏ ma túy sau 6 tháng dùng Cedemex đạt 38%, sau 1 năm là 27%.
Tuy nhiên việc nhân rộng sản xuất loại thuốc mới này còn khó khăn do chi phí sản xuất cao trong khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ.
3% số người mua dâm là công nhân viên chức
Theo kết quả thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội 6 tháng đầu năm 2017, số người bán dâm được thống kê qua xử lý hành chính là hơn 5.000 người. Thống kê từ các địa phương trên toàn quốc ước tính có khoảng hơn 15.000 người bán dâm.
Trong khi đó, số liệu mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) - một cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc, thì Việt Nam hiện có khoảng 100.000 người bán dâm.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, bên cạnh các hình thức mại dâm chủ yếu là gái gọi, du lịch tình dục thì bắt đầu gia tăng số người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính. Các trường hợp môi giới mại dâm thực hiện tinh vi qua mạng xã hội Facebook, Zalo khó phát hiện, kiểm soát.
Có hơn 75% đối tượng mua dâm không có nghề nghiệp ổn định, 20% là doanh nghiệp và 3% người mua dâm là công nhân viên chức.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, đội kiểm tra liên ngành phòng chống mại dâm các địa phương kiểm tra hơn 4.000 lượt, phát hiện 692 cơ sở vi phạm, phạt tiền hơn 7 tỉ đồng và áp dụng các hình thức phạt bổ sung khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận