Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL ngày 22-8 - Ảnh: Chí Quốc |
Ngày 22-8, tại TP Cần Thơ, Bộ Giao thông vận tải và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức hội nghị chuyên đề về huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ưu tiên 1 cho cao tốc TP.HCM - Cần Thơ
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Chí - thứ trưởng Bộ Tài chính đã nêu một thực tế: cả nước có 740km đường cao tốc, trong khi toàn vùng ĐBSCL chỉ bằng “số lẻ” (khoảng 60km đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương).
Ông Chí minh họa việc chậm trễ trong đầu tư tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ: đã được nói tới 7-8 năm nay, khởi công hai ba lần nhưng hiện tại mới… đổ cát đá.
Ông đề nghị: “Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch đầu tư rà từng chương trình, dự án một để ưu tiên bật ra một cái đi chứ nói hoài không ra. Bây giờ làm sao chuyển động tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, được cái đó thì ĐBSCL chuyển động một phần rồi. Nó tiết kiệm được chi phí xã hội biết bao nhiêu, nếu chùng chân kiểu này chưa chắc tới năm 2020 xong”.
Ông Nguyễn Văn Thể - bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng (trước khi đảm nhiệm chức vụ bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, ông Thể là thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải) - cũng nêu thực trạng khi xe cộ thoát khỏi cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ra đến quốc lộ 1 thì phải “bò” vì quá tải.
Theo ông Thể: “tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ là cực kỳ cần thiết”. Với 14.000 tỉ đồng, mới đầu tư tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với mỗi bên hai làn xe, nếu đảm bảo xe lưu thông tốt thì cần 14.000 tỉ đồng nữa (dự kiến năm 2018 xong), trong khi tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tới thời điểm này chưa khởi công.
“Vì vậy giải quyết tâm tư của ĐBSCL thì phải đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ. Đây là ưu tiên số một trong tất cả các nguồn vốn cần ưu tiên đầu tư”, ông Thể đề xuất.
Cũng theo ông Thể, ngoài tuyến đường cao tốc và quốc lộ 1 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, trong giai đoạn tới cũng cần đầu tư nhanh cầu Đại Ngãi làm thông tuyến quốc lộ 60, nối các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang với các tỉnh liên quan và với TP.HCM.
Việc này cũng nhằm giảm áp lực cho quốc lộ 1 hiện hữu cũng như làm tăng giá trị các cầu khác như cầu Cần Thơ, Vàm Cống, Cao Lãnh…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho rằng đầu tư đường cao tốc ở ĐBSCL là rất thấp so với cả nước - Ảnh: CHÍ QUỐC |
Cẩn trọng với đầu tư BOT
Báo cáo tại hội nghị, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải), cho biết toàn vùng ĐBSCL hiện có 10 dự án thu phí đầu tư đường bộ theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), trong đó có năm trạm đang thu phí.
Năm dự án đang xây dựng chưa thu phí gồm quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang), quốc lộ 1 tuyến tránh Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), quốc lộ 1 mở rộng cửa ngõ Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si (Vĩnh Long).
Theo đánh giá của Viện, việc thu hút vốn đầu tư theo hình thức BOT đã góp phần đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Vùng Tây Nam bộ, góp phần thúc đẩy quá trình luân chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên, việc hình thành các trạm thu phí của các dự án BOT đối với các tỉnh nghèo, kinh tế xã hội chưa phát triển cần được tính toán tổng thể các tác động đối với phát triển kinh tế xã hội.
Vì vậy khi thực hiện các dự án BOT trong vùng cần được nghiên cứu xem xét trên các khía cạnh: khoảng cách giữa các trạm thu phí không quá dày; cần tham vấn, lấy ý kiến; giám sát chặt chẽ mức thu phí và lộ trình tăng phí...
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng các trạm thu phí BOT đặt quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân ĐBSCL.
Điều đáng nói nữa là các vùng nghèo (vùng duyên hải các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre) lại đặt nhiều trạm thu phí BOT mà theo phó thủ tướng: "sắp tới cầu Đại Ngãi làm theo hình thức BOT nữa thì người dân và doanh nghiệp chịu không nổi. Cần nghiên cứu chuyển sang đầu tư vốn ODA".
91.000 tỉ đồng đầu tư hạ tầng ĐBSCL Theo kế hoạch đầu tư trung hạn kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL được Bộ CTGT trình tại hội nghị, giai đoạn 2016-2020 sẽ đầu tư hơn 91.000 tỉ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước hơn 28.000 tỉ, còn lại là vốn ODA và xã hội hóa) cho các dự án hạ tầng giao thông. Cụ thể, lĩnh vực đường bộ sẽ có 39 dự án với tổng vốn 73.000 tỉ đồng (ngân sách Nhà nước 24.900 tỉ, vốn xã hội hóa hơn 12.800 tỉ, vốn ODA 23.600 tỉ); đường biển 22 dự án khoảng 18.000 tỉ đồng; đường thủy nội địa 14 dự án, tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ và đường hàng không hơn 1.700 tỉ đồng. Đặc biệt Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra khỏi danh sách dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020 đối với dự án sân bay An Giang (tổng vốn đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng) mà tại hội nghị lấy ý kiến các tỉnh ĐBSCL trước đó, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự không đồng tình. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết trong số hơn 28.000 tỉ đồng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho các dự án giao thông, hiện mới cân đối được khoảng 3.700 tỉ đồng. Ông cũng cảnh báo “cái gì cũng đưa vào vốn ODA là không được đâu” mà phải tính đến việc đầu tư có hiệu quả, có sự chỉ đạo của Chính phủ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận