Toàn bộ 14 người gặp nạn đã được cứu lên tàu đưa trở lại đảo An Sơn an toàn - Ảnh do Đồn Biên phòng Nam Du cung cấp. |
Kết quả xác minh bước đầu cho thấy, phương tiện chở khách vượt biển trong đêm chưa được đăng ký nên có thể gọi đây là con tàu “không số”.
Chưa đăng ký vẫn chở khách du lịch
Theo cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang, chiếc ca nô chở 12 du khách cùng 1 chủ tàu, 1 lái tàu hoàn toàn chưa được đăng ký để chạy trên biển, đó là chưa nói tới việc đăng ký vận tải hành khách.
Dù vậy, nhưng khi được khách đặt vấn đề thuê ca nô từ đảo Hòn Ngang (xã Nam Du, huyện đảo Kiên Hải) về TP Rạch Giá vào buổi tối, chủ ca nô là ông Lê Hoàng Điệp (ngụ phường An Hoà, TP Rạch Giá) vẫn nhận lời với mức giá 8 triệu đồng.
Tại cơ quan chức năng, lái tàu tên Cao Văn Bảo (ngụ xã Mong Thọ, huyện Châu Thành) thừa nhận mình cho tàu rời bến mà không thông báo cho Đồn Biên phòng hay. Lý do là cuối buổi chiều, chủ tàu cho ca nô đậu nghỉ, nhưng vì có khách thuê đi gấp nói là đưa người bị thương về đất liền nên mới nhận lời… đi.
Theo Đồn Biên phòng Nam Du, thì chiếc ca nô của ông Điệp mới đưa ra đảo chưa được bao lâu, cho nên nhiều khả năng cả chủ tàu và lái tàu đều chưa có kinh nghiệm đi biển. Bởi lẽ, vùng biển Nam Du (gồm các xã: An Sơn, Lại Sơn, Nam Du thuộc huyện đảo Kiên Hải) có đặc điểm khó đoán. Khu vực gần bờ thì phẳng lặng như mặt hồ, nhưng ra xa vài hải lý là đã có sóng khá lớn.
Chưa kể trước đó, đã có thông tin dự báo thời tiết là sẽ có sóng gió giật trên cấp 5.
Chuyến du lịch nhớ đời
Anh Nguyễn Long Tuyền (29 tuổi), ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) - một trong số 12 du khách gặp nạn - kể lại, do trước đây từng đi du lịch ra Nam Du 1 lần, nên lần này mới tiếp tục mua tour cho một nhóm bà con, họ hàng cùng đi thông qua một người đàn ông tên Lý.
Qua điện thoại, ông Lý cho biết mình là “hướng dẫn viên” thuộc công ty du lịch Thảo Thường, địa chỉ tại đường Phùng Khắc Khoan, khu lấn biển, TP Rạch Giá. Tuy nhiên tìm theo địa chỉ mà ông Lý cung cấp, thì cả con đường Phùng Khắc Khoan không hề có bất kỳ biển hiệu của công ty du lịch nào cả.
Theo lời anh Tuyền, khoảng 18h20, nhóm 12 du khách đi cùng với anh, trong đó có bà Tô Thuý Hoa (du khách lớn tuổi nhất) bị gãy ngón tay áp út bắt đầu xuống ca nô. Lúc này thời tiết khá tốt, biển không gợn sóng. Nhưng do cả đoàn chỉ có 4 người biết bơi, nên chủ động mặc áo phao.
Hành trình diễn ra bình thường, khi cách đảo Lại Sơn khoảng 10 hải lý thì biển bắt đầu có sóng, mọi người trên ca nô hoảng hốt khiến ca nô bị nghiêng và lật úp.
Trong số 14 người đi trên ca nô, chỉ có 2 người có điện thoại còn hoạt động, nhưng không thể gọi điện vì màn hình bị ướt. Cho nên, mọi người chỉ còn biết cách nắm chặt tay nhau, huơ 2 chiếc điện thoại trên biển hi vọng ánh sáng từ màn hình sẽ được người khác nhìn thấy và đến cứu.
Rất may, từ 2 tín hiệu yếu ớt giữa màn đêm này, sau khoảng 40 phút, chiếc tàu đánh lưới ghẹ trên đường về bờ đã quay đầu lại vớt được tất cả 14 người an toàn.
“Lúc thuê ca nô về Rạch Giá chỉ vì sốt ruột lo cho ngón tay bị thương của cô Hoa, sợ lỡ bị hoại tử hay nhiễm trùng thì khổ. Lẽ ra lúc đó tụi mình nên nhờ Biên phòng, công an giúp đỡ thì đã không đến nổi".
"Khi gặp nạn cũng không biết kêu ai, gọi ai để cứu. Đây là kinh nghiệm để đời không chỉ cho riêng mình, mà cho cả những ai muốn đi du lịch trên biển” - anh Tuyền chia sẻ.
Sẽ thưởng thuyền trưởng tàu cá cứu người trong đêm Đại tá Đặng Văn Thống - Chính uỷ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang - cho biết, hành động quay mũi tàu cứu người gặp nạn giữa biển của thuyền trưởng tàu đánh lưới ghẹ là rất đáng biểu dương. BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo Đồn Biên phòng Nam Du đề xuất để kịp thời khen thưởng cho thuyền trưởng tàu cá. Sáng cùng ngày, Sở Giao thông-vận tải, Phòng Cảnh sát đường thuỷ Công an tỉnh Kiên Giang cùng các cơ quan chức năng có liên quan đã xuống tàu ra xã đảo An Sơn để điều tra, làm rõ vụ việc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận