Người lao động nhập cư xếp hàng chờ nhận cơm từ một nhóm tình nguyện ở Singapore ngày 14-4 - Ảnh: REUTERS
Trong khi đợt bùng phát đầu tiên chủ yếu gồm người từ nước ngoài vào Singapore đã được kiểm soát tốt, đợt bùng phát thứ hai phá vỡ các quy tắc giãn cách xã hội, phòng thủ y tế của đảo quốc này.
Trả giá đắt
Tính đến sáng 16-4, đảo quốc sư tử đã có 3.699 ca nhiễm virus corona chủng mới, trong đó hơn 2.200 ca được ghi nhận trong hai tuần qua, tương đương với mức tăng hơn 325%.
Trong số 334 ca bệnh mới trong ngày 14-4, phần lớn liên quan đến ổ dịch tại các khu nhà dành cho người lao động nhập cư, nơi hàng chục ngàn người thường sống chen chúc đến 20 người/phòng trong điều kiện vệ sinh kém. Ngoài ra, đảo quốc này ghi nhận 10 ca tử vong do COVID-19.
Nhiều người lo ngại sự bùng phát thứ hai tại Singapore sẽ còn nghiêm trọng hơn, nhất là việc cách ly tập thể các khu nhà cho người nhập cư có thể lại thành thảm họa lây nhiễm như con tàu Diamond Princess tại Nhật.
Ít nhất 15 khu nhà trên đã xuất hiện các ổ dịch, trong đó 8 khu đã bị cách ly. Số người nhiễm tại các ổ dịch này dự kiến sẽ tăng cao khi chính phủ tăng cường xét nghiệm đối với người lao động nước ngoài từ tuần này.
Theo các nhóm hoạt động, các biện pháp chống dịch trước đó của Singapore dường như bỏ sót nhóm người dễ bị tổn thương này, đơn cử như việc phát khẩu trang cho người dân cũng không dành cho những người lao động nhập cư.
Jeremy Lim, một lãnh đạo của tổ chức từ thiện HealthServe, gọi đây là "điểm mù" trong chính sách mà Singapore đang phải trả giá. Tổ chức này cho biết phải đóng cửa các cơ sở khám chữa bệnh giá rẻ cho lao động nhập cư khi Chính phủ Singapore hồi đầu tháng 2-2020 quy định các nhân viên y tế phải làm việc tại một bệnh viện cố định để hạn chế lây nhiễm.
Chấn chỉnh sai lầm
Những người bị cách ly bên trong một khu nhà dành cho lao động nhập cư ở Singapore - Ảnh: REUTERS
Singapore đang đẩy mạnh việc kiểm soát dịch tại hàng chục khu nhà ở dành cho lao động nước ngoài, một mặt trận mới trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Nước này đã triển khai các nhóm hỗ trợ tại ít nhất 43 khu nhà dành cho lao động nhập cư từ tuần trước và dự kiến đưa các nhân viên y tế đến tất cả các khu nhà trên vào giữa tuần này.
Bộ trưởng Nhân lực Singapore Aubeck Kam đã nhấn mạnh việc đảm bảo các lao động nhập cư được chăm sóc y tế tốt là "vô cùng quan trọng" trong giai đoạn chống dịch tiếp theo. Nước này sẽ đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm phát hiện virus cho lao động nước ngoài với khoảng 5.000 người sẽ được xét nghiệm, bao gồm cả những người không có triệu chứng rõ ràng.
Ngoài ra, Singapore đang bố trí chỗ ở cho hàng trăm lao động nước ngoài trên các 'nhà thuyền’ là nơi ở ngoài khơi của các nhân viên ngành hàng hải.
Singapore cũng thay đổi thái độ về việc đeo khẩu trang khi mới đây buộc tất cả người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà với một số ít trường hợp ngoại lệ. Những người không tuân thủ có thể bị phạt 300 đôla Singapore cho lần đầu và đến 1.000 đôla cho lần vi phạm thứ hai.
Không chỉ Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội để chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát.
Trong khi đó, giới chuyên gia y tế cho rằng các nước sẽ cần nới lỏng các biện pháp chống dịch một vài lần trước khi có được vắcxin để chặn đứng hoàn toàn dịch COVID-19. "Nó cũng giống như đạp thắng một lần mỗi ba hoặc bốn tháng để có khoảng nghỉ cho phép hệ thống y tế hồi phục trở lại" - chuyên gia y tế cộng đồng Teo Yik Ying của Đại học Quốc gia Singapore nhận định.
Lào giãn cách xã hội đến 3-5
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith ngày 15-4 thông báo chính phủ nước này đã quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm 14 ngày cho đến 3-5.
Trong khi đó, Thái Lan đã quyết định kéo dài lệnh cấm các chuyến bay chở khách nhập cảnh nước này đến 30-4, sau khi ghi nhận thêm 30 ca bệnh COVID-19 mới ngày 15-4.
Trong khối ASEAN, Philippines vẫn là nước có nhiều ca mắc COVID-19 nhất với 5.453, tăng thêm 230 ca trong ngày 15-4. Trong khi đó, Malaysia có thêm 85 ca bệnh mới, mức tăng trong ngày thấp nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca toàn quốc lên 5.072, theo Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận