Tôi đã phải đưa ra những quyết định nhanh chóng trong một buổi chiều khi em gái bị mèo cào - Ảnh minh họa: VERYWELL HEALTH
Tôi phát hoảng khi nhận được hình mèo cào nhỏ em gửi qua Zalo. Những vết cào trầy trụa ngắn dài không theo một quy tắc nào khắp một bên cánh tay.
"Chắc không sao đâu con. Mẹ đã nhốt con mèo, con mèo không phát dại đâu. Mẹ cũng đã hỏi cô hộ lý hàng xóm sát bên nhà, cổ cũng nói không sao", mẹ tôi nói với tôi qua điện thoại, vẫn bằng cái nhìn giản đơn như thường khi.
Mẹ chưa có ý định đưa em đi tiêm dại.
Tôi biết ngoài ỷ y, mẹ còn đang sợ một chuyện lớn hơn: Ngày hôm kia, nhỏ em tôi sẽ đến lịch tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 tại trường phổ thông. Nghĩa là nếu tiêm mũi dại này, nhỏ em tôi sẽ phải đưa vào cơ thể 2 mũi tiêm trong 2 ngày liên tiếp.
Mẹ tôi rất lo lắng sẽ có rủi ro, liệu rằng có bị phản ứng sau khi em tôi nhận 2 liều tiêm mạnh thuộc 2 loại vắc xin khác nhau.
Vậy là tôi phải đứng trước 2 nhiệm vụ: Một là thuyết phục mẹ tiêm dại là rất cần thiết với vết thương của em. Hai là tìm được bằng chứng cho mẹ 2 mũi tiêm dại và COVID-19 vào 2 ngày liên tiếp sẽ không "chỏi" nhau.
Nhiệm vụ thứ nhất tôi hoàn thành dễ dàng, chỉ cần tìm kiếm trên Google những vết mèo cào giống như của em gái tôi là xong.
Nhiệm vụ thứ hai khó khăn hơn nhiều. Trước hết, tôi gọi cho VNVC để hỏi về trường hợp của em tôi và mong được tư vấn về chuyện tiêm dại và COVID-19 trong 2 ngày liên tiếp.
Tôi ghi âm lại phần tư vấn gửi cho mẹ, trong đó tư vấn viên khẳng định sẽ không sao vì 2 loại vắc xin này không tương tác với nhau. Ngược lại, vắc xin dại cần được tiêm sớm bởi vi rút dại rất nguy hiểm.
Thấy mẹ vẫn còn đắn đo, tôi tìm kiếm trên Google xem có bài báo nào tư vấn về trường hợp này chưa. Tôi gửi mẹ bài viết có giải thích tương tự.
"Chiêu" cuối cùng của tôi là nhờ một chuyên gia uy tín tư vấn trực tiếp. Tôi đã kết nối mẹ nói chuyện trực tiếp với bác sĩ Trương Hữu Khanh qua điện thoại, khẳng định lại về sự an toàn và cần thiết phải tiêm dại trong trường hợp này.
Mẹ tôi đã "bị" thuyết phục.
Sáng hôm sau, mẹ chở em từ thị xã Gò Công (Tiền Giang) lên TP.HCM, để tôi đưa em đi tiêm dại ở VNVC huyện Bình Chánh. Chiều đó, mẹ tôi lại chở em tôi về Gò Công để sáng tiếp theo em tôi được tiêm phòng COVID-19 ở trường.
Cả nhà hồi hộp chờ đợi. Chúng tôi cũng dự bị một số tình huống tiến triển xấu. Mẹ tôi lên thắp nhang, khấn vái Trời Phật và ông bà.
Kết quả, nhỏ em tôi ổn định. Số lượng mũi còn lại trong số các mũi dại, chúng tôi vẫn thực hiện đầy đủ, khi thì ở Bình Chánh, khi thì ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Và em tôi không có thêm một triệu chứng xấu nào.
Sau cùng, con mèo không phát dại, nhưng tôi vẫn tin những nỗ lực thuyết phục gia đình đưa em đi tiêm chỉ trong một buổi chiều là quyết định hợp lý trong thời điểm đó.
Cho dù tỉ lệ phát dại của con mèo chỉ là 1% đi chăng nữa, nhưng phòng bệnh vẫn hơn. Và nếu chẳng may trường hợp em tôi rơi vào 1% kia, thì hậu quả mà em tôi phải chịu là cả một đời…
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 6 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Đơn vị đồng hành nhận thấy có nhiều bạn đọc quan tâm đến cuộc thi, đặc biệt là cán bộ nhân viên của VNVC và báo Tuổi Trẻ đã hưởng ứng tham gia tích cực.
Đơn vị đồng hành quyết định trao tặng 2 phần quà nhằm khích lệ tinh thần tham dự của các cán bộ nhân viên tham gia tích cực hưởng ứng cuộc thi viết, trong đó có 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của VNVC và 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của báo Tuổi Trẻ.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ [email protected]. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email, số tài khoản và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận