Bà Phạm Thị Hòa - Ảnh DIỆU NHI
Nếu hiến được bộ phận nào của cơ thể để cứu sống nhiều người thì đó là việc nên làm".
Bà PHẠM THỊ HÒA
Mới đây, niềm vui này lại được nhân lên khi vợ chồng người con trai út đã thuận lòng đăng ký hiến tạng.
"Tôi và các con đăng ký hiến tạng cùng một ngày mà không phải suy nghĩ đắn đo cân nhắc gì cả" - bà Hòa vui vẻ nói.
Hiểu lòng mẹ, các con cùng đồng hành
Bà Hòa kể suốt mấy chục năm đi khắp các vùng miền làm thiện nguyện, điều bà đau đáu nhất là làm sao có thể đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Như thấu hiểu nỗi lòng của mẹ, các con bà đều đồng cảm.
Cầm bốn tấm thẻ hiến tạng trên tay, anh Giang Thanh Hải, con trai đầu của bà Hòa, xúc động: "Tất cả đều xuất phát từ nguyện vọng của mẹ, người từng trải qua nhiều đợt tai biến nguy hiểm. Mẹ hiểu giá trị của sự sống và mong muốn làm một việc gì đó sau khi qua đời".
Năm 2015, sau một thời gian tìm hiểu thủ tục hiến tạng, anh Hải biết đến đơn vị điều phối ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy. Thế rồi anh liên hệ xin hồ sơ để đăng ký qua bưu điện và rất nhanh gọn, chỉ ít lâu sau cả bốn người trong gia đình có được tấm thẻ hiến tạng.
Anh Giang Thanh Hải cầm trên tay bốn tấm thẻ hiến tạng tại Trung tâm điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - Ảnh: HOÀNG LỘC
"Tôi thấy việc làm này rất nhân văn, nếu hiến được bộ phận nào của cơ thể để cứu sống nhiều người thì đó là việc nên làm" - bà Hòa chia sẻ.
Không chỉ hiến tạng, bà Hòa kể các thành viên trong gia đình còn đăng ký hiến xác cho bệnh viện với mong muốn giúp ích cho việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy học tập.
Ngoài hiến tạng, anh Hải còn là người có "truyền thống" hiến máu với trên 20 lần hiến máu tình nguyện. Khi biết bệnh viện cần nguồn máu sống, anh lại tìm hiểu đăng ký. Vậy là mỗi khi bệnh viện cần máu sống sẽ gọi điện, anh Hải lại tất tả chạy xe máy hàng chục kilômet để cho đi nguồn máu cứu giúp người bệnh.
Gần ba năm sau ngày đăng ký hiến tạng cứu người, niềm vui của bà Hòa lại được nhân lên khi vợ chồng người con trai út đã thuận lòng đăng ký hiến tạng.
Có những gia đình với nhiều thế hệ cùng đăng ký hiến tạng cứu người. Trong hơn 10.000 người đăng ký hiến tạng tại đơn vị điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM có đến 351 gia đình như thế.
Trong số các gia đình trên, câu chuyện của ba chị em gái Hồ Thị Kiều Thu, Hồ Thị Kiều Nga và Hồ Minh Hồng (quê Tiền Giang) mang đến nhiều xúc động.
Bà Nga năm nay bước sang tuổi lục tuần nhưng vẫn sống cuộc đời cô độc. Không chồng con, cuộc đời bà Nga như rặng lục bình trôi dạt từ miền Tây sông nước lên Sài Gòn và giờ đây là ở Đà Nẵng - nơi gần 10 năm qua bà mưu sinh bằng nghề giúp công việc nhà.
Bà Nga cho biết gia đình bà có sáu anh chị em, nhưng hai người em vắn số qua đời khi tuổi còn rất trẻ. Trong đó có người em kế, ông Hồ Tuấn Hải (là giáo viên) bị tai nạn chấn thương rất nặng qua đời sau 46 ngày nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Dù được tiếp cận nhiều thông tin hiến tạng trên báo chí, nhưng bà Nga nói chỉ đến khi người em qua đời bà mới thực sự suy nghĩ việc phải đăng ký hiến tạng cứu người.
Khi bác sĩ nói em bà không còn cơ hội để sống, chính bà Nga là người yêu cầu em gái gặp trực tiếp bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu - trưởng đơn vị điều phối hiến tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy - xin được hiến tạng.
"Hoàn cảnh chị em tôi nghèo lắm, cha mất sớm nên chuyện học hành, gia đình dở dang. Khi đăng ký hiến tạng của em mình, tôi nói chị Thu phải tìm đúng những hoàn cảnh cần để cứu giúp họ" - bà Nga nói.
Thế nhưng mong ước hiến tạng người em không thành bởi các bộ phận cơ thể bị nhiễm trùng nặng. Tại sao không hiến tạng khi còn có thể? Chính suy nghĩ ấy khiến cả ba chị em bà Nga cùng đăng ký hiến tạng sau khi người em ra đi được vài tháng.
Sự sống tái sinh
Vốn là giáo viên dạy văn cấp III rời quê Quảng Ngãi vào TP.HCM năm 1992, bà Trần Thị Mai Tuyết (61 tuổi) cùng con gái Trần Thuận Ban Mai (26 tuổi) quyết định đăng ký hiến tạng được hơn sáu năm nay.
"Việc tôi và con gái làm không có gì ghê gớm cả, đó là việc mỗi người nên làm" - bà Tuyết nói về việc đăng ký hiến tạng. Trong tờ đơn đăng ký hiến có ghi 12 bộ phận của cơ thể, bà Tuyết bảo cả hai mẹ con không một chút đắn đo mà đánh dấu hết tất cả các ô gợi ý ấy.
Khi biết được thông tin hiện nay có rất nhiều người đang nằm chờ nguồn tạng hiến để duy trì sự sống, bà Tuyết khựng lại bởi nhu cầu quá lớn.
"Và rồi khi xem báo đài, tôi thực sự khâm phục bé Hải An dù mới 7 tuổi bị u cầu não xâm lấn nhưng đã quyết định hiến giác mạc sau khi qua đời. Tôi nghĩ với một người mất đi nếu có thể hiến bộ phận nào đó của cơ thể để cứu sống một người khác, đó là điều thật tuyệt vời và mẹ con tôi quyết định làm điều đó" - bà Tuyết chia sẻ.
Đến bây giờ, điều khiến bà Tuyết cảm thấy hơi buồn là còn có nhiều người tỏ thái độ khá dửng dưng, thờ ơ khi nói về hiến tạng. "Tôi nói chuyện này có người im lặng, có người ồ lên bảo già cả rồi hiến cái gì".
Thế nhưng đó chưa phải là điều tệ hại nhất, điều khiến bà Tuyết cảm thấy "buồn vô cùng" là khi một đồng nghiệp có chồng là dược sĩ, con đang theo học y khoa phản bác việc hiến tạng: "Hiến làm gì. Những người tiếp nhận tạng họ phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời tốn kém lắm". Câu nói ấy như giội một gáo nước lạnh vào những người đang làm một việc rất nhân văn.
Dù người chồng qua đời, nhưng bà Nguyễn Minh Phụng (68 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) luôn có một niềm tin sự sống của chồng được tái sinh khi kịp hiến giác mạc.
Năm 2015, ông Nguyễn Hùng Phúc (chồng bà Phụng) đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Và chỉ vài tháng sau khi đăng ký hiến tạng, ông qua đời sau 16 năm chống chọi với căn bệnh đau tim hành hạ.
"Ông ấy mất ở nhà, khi bác sĩ tới đã qua thời gian "vàng" nên không hiến được hết các tạng như mong muốn. May mắn là vẫn còn có thể lấy được hai giác mạc" - bà Phụng kể.
Hoàn cảnh gia đình bà Phụng khá neo đơn. Sống với nhau gần 30 năm nhưng vợ chồng bà không có con cái. Bà bảo nghèo khó bám riết nên từ nhỏ đến lớn chưa làm được việc gì giúp ích cho ai.
Trong những năm nhìn chồng chống chọi với bệnh đau tim, bà Phụng chỉ ước có được một quả tim ai đó hiến tặng, nhưng điều đó không xảy ra. Không nhận được, nhưng bà sẵn sàng cho đi khi quyết định hiến tạng chỉ ít lâu sau lúc chồng qua đời.
Điều phối ghép tạng cho nhiều người
Đơn vị điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM thành lập từ năm 2014. Thông qua các hình thức đăng ký như trực tiếp, qua email hoặc qua đường bưu điện, đến nay có trên 10.000 người đăng ký hiến tạng với đủ mọi thành phần xã hội và ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, trong số này có nhiều gia đình gồm cha con, vợ chồng, mẹ con, anh chị em cùng đăng ký hiến tạng.
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu - trưởng đơn vị điều phối hiến tạng Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết đến nay có 31 trường hợp hiến tạng khi qua đời, giúp đơn vị nhận được 49 quả thận, 7 lá gan, 4 quả tim, 1 khối tim - phổi và 29 giác mạc.
Từ nguồn tạng này, đơn vị đã điều phối 1 khối tim - phổi đến Bệnh viện Trung ương Huế, 2 quả tim và 2 lá gan đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và 14 giác mạc đến ngân hàng mắt của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận