Lâu nay, cách câu cá ngừ đại dương truyền thống của ngư dân bằng vàng câu, thẻo câu và thậm chí câu bằng đèn cao áp, do đó cá ngừ sau khi đưa lên tàu đã không còn giữ được sắc đỏ của thịt nên thường chỉ làm được đông lạnh hoặc đóng hộp.
Đây là lý do giải thích vì sao Việt Nam hiện chỉ xuất khẩu cá ngừ ở dạng đông lạnh hay đóng hộp.
Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ chỉ ở mức trên dưới 500 triệu USD. Ngoài việc sản lượng không cải thiện nhiều thì nguyên nhân chính là do Việt Nam không có những thay đổi đáng kể nào trong việc nâng cao giá trị cá ngừ.
Ngư dân không được đào tạo bài bản kỹ thuật câu và bảo quản cá ngừ, nay muốn nâng cao giá trị gia tăng cho cá ngừ, cách tốt nhất hiện nay là dạy cho ngư dân kỹ thuật câu và bảo quản cá ngừ theo cách tiên tiến ở Nhật Bản.
Bình Định, tỉnh có sản lượng đánh bắt cá ngừ đại dương lớn nhất cả nước, vừa qua đã mua 5 bộ dây thu cá ngừ tự động của Nhật Bản và đang thử nghiệm cách câu này.
Ưu điểm của cách câu này là khi cá cắn câu, máy thu dây tự động sẽ căn cứ trên độ căng của dây câu mà tự động thả thêm dây khi cá ngừ giật mạnh và tự động thu dây vào khi cá ngừ bơi về phía thuyền câu.
Cách này giúp cho con cá ngừ không vùng vẫy trong quá trình câu, do đó thịt cá đạt tiêu chuẩn làm sushi.
Sau khi được các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn, ngư dân Bình Định đang thử nghiệm cách câu này.
Tuy nhiên, hai chuyến đi biển đầu tiên, hiệu quả không cao, song đến chuyến thứ 3 thì tỷ lệ cá ngừ thu hoạch có chất lượng cao đã tăng lên. Đây là tín hiệu rất vui cho ngành đánh bắt cá ngừ.
Hiệp hội cá ngừ Việt Nam hy vọng, các ngư dân sẽ sớm làm chủ công nghệ câu cá ngừ của Nhật Bản, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các cơ quan quản lý, sản lượng đánh bắt và đặc biệt là giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận