07/10/2013 16:13 GMT+7

Ca ngợi mẹo xấu là cách che giấu cảm giác có lỗi

Chuyên viên tâm lý BIỆN CHƯƠNG DƯƠNG
Chuyên viên tâm lý BIỆN CHƯƠNG DƯƠNG

TTO - Ăn vụng luôn ngon hơn ăn đàng hoàng! Con người vốn kỳ lạ như thế, xây dựng luật lệ để rồi chính mình lại tìm cách lách luật. Tạo nên những quy định để rồi tìm ra những khe hở để vượt qua một cách “bất hợp pháp”.

DzwNmEuG.jpgPhóng to
Những mẹo xấu vẫn đang được chia sẻ trong cộng đồng mạng và nhận được những lượt like (yêu thích). Song, ca ngợi các mẹo xấu không chỉ thỏa mãn cái tôi của mình mà còn là cách che giấu cảm giác có lỗi ẩn chứa trong tiềm thức - Ảnh minh họa: từ Flickr

Cũng vì thế không quá lạ khi sau vài cơn “áp thấp nhiệt đới” về những câu chuyện phượt với những mẹo vi phạm pháp luật, vi phạm những quy định trong thời gian qua, dư luận bất chợt giật mình phát hiện không chỉ phượt mà còn rất nhiều lĩnh vực khác đang rầm rộ, công khai những mẹo, bí quyết, độc chiêu… để có thể đạt được lợi ích lớn nhất trong học đường, tình yêu, công việc…

Điều đáng lo chính là những “bí quyết” ấy đôi khi sẵn sàng bỏ qua những giá trị về mặt pháp luật, đạo đức. Ghê gớm hơn chính là những lượt like (thích), lượt cảm ơn, những câu hồi âm từ các độc giả mà phần đông là các bạn trẻ bày tỏ sự ủng hộ với những mẹo được đánh giá là “độc” đó.

Một mẹo vượt quy định khi bị lật tẩy thì bạn sẽ bị mất đi lòng tự trọng, lợi ích không có, chỉ còn lại sự xấu hổ. Càng tệ hơn nếu điều đó xảy ra ở nước ngoài và người ta coi rằng bạn đang là đại diện của giới trẻ Việt Nam.

Việc chia sẻ những mẹo để có điểm cao, tránh bị phạt, kỷ luật, hay tránh các hệ quả tiêu cực hình như là chuyện quá bình thường ở lứa tuổi học trò. Một gương mặt “có vẻ thuộc bài” sẽ có thể làm bạn tránh chuyện gọi lên bảng. Chơi khuya, buồn ngủ, muốn trốn học thì phòng y tế là nơi có thế “khò khò” một cách công khai… Những mẹo kiểu học sinh như thế cứ loan truyền và thuở học trò nghịch ngợm hầu như ai cũng từng sở hữu vài bí quyết nhỏ để có thể vượt qua những quy định của nhà trường, của cô, của gia đình.

Thế rồi thói quen ấy bắt đầu nở rộ khi mạng Internet nơi được tạo ra với mục đích kết nối và chia sẻ. Giữa thế giới ảo rộng mênh mông ấy, những thành viên (member) hầu như giấu mặt tìm cách khẳng định vị trí của mình. Một trong những phương thức đó chính là chia sẻ những bí quyết có giá trị với mọi người. Mà có vẻ những bí quyết chính quy thường không tạo được gợn song trong cộng đồng như những bí quyết độc, lạ, những chiêu vượt luật, lách quy định, mà các nhà giáo dục đánh giá là những “mẹo xấu”.

Hầu hết các thành viên tham gia trên mạng khi chia sẻ thông tin mình có luôn mong đợi một là sự đồng cảm, hai là sự ủng hộ hoặc ba là đủ tạo nên một scandal, một cuộc tranh luận, tranh cãi hay ném đá cũng được, miễn là thông tin của mình không bị chìm mất tiêu. Với những mẹo xấu thì người chia sẻ đã đạt được một phần trong những điều đó. Người đọc “like” vì thực tế những mẹo đó có thể mang lại nhiều lợi ích về giá trị vật chất, tinh thần.

Một mẹo vượt quy định hoặc pháp luật làm con người có cảm giác “thành tựu” khi đã thắng một hệ thống của một nhóm người, thậm chí là một quốc gia. Mẹo trốn vé có thể giúp bạn tiết kiệm cả chục USD cho một chuyến tàu ở nước ngoài, cho vé vào tham quan một khu di tích,… Các mẹo khác có thể giúp bạn tránh bị kỷ luật, tạo được sự tin tưởng tạm thời…

Những giá trị tức thời đó khiến cho người đọc “like” và cảm ơn khi ứng dụng thành công cùng thu được lợi ích. Người chia sẻ thỏa mãn cái hư vinh, người nhận thỏa mãn về mặt lợi ích. Chỉ có điều xét về mặt tâm lý thì người viết tìm kiếm sự đồng cảm, ca ngợi các mẹo xấu không chỉ thỏa mãn cái tôi của mình mà còn là cách che giấu cảm giác tội lỗi ẩn chứa trong tiềm thức. Bởi vì chính người viết ngày xưa đã không phải dùng chính thực lực của mình để đạt được điều đó một cách chính quy và đáng tôn trọng. Cố gắng tự hào về mẹo xấu của mình, xoáy sâu vào lợi ích để né tránh bản chất là bạn đã không thể dùng phương thức chính quy để vượt qua điều đó.

Người viết ẩn giấu sau Internet với sự an toàn ẩn danh của mình, sự vô trách nhiệm khi những người làm theo lãnh hậu quả của những mẹo xấu đó. Sử dụng một mẹo lách luật đồng nghĩa với việc bạn đang vi phạm pháp luật, bạn có thể bị bắt, bị tạm giam và bị trục xuất.

Xin kết đôi dòng chia sẻ về chủ đề này bằng câu chuyện hai cậu học sinh lớp 11 ở một trường cấp ba ở TP.HCM khi biết được mẹo đi qua casino ở Campuchia ở biên giới Tây Ninh không cần qua cửa khẩu rắc rối: chỉ cần 50 ngàn đồng là được xe ôm chở qua những đường mòn, ruộng đồng sát biên giới!

Câu chuyện kết không có hậu khi hai bạn trẻ vị thành niên bị cảnh sát nước bạn bắt và chuyển cho phụ trách an ninh, biên phòng Việt Nam với tội danh "VƯỢT BIÊN TRÁI PHÉP". Tôi mạn phép viết hoa cụm từ này để bạn đọc hiểu tội danh đó đáng sợ như thế nào với hai bạn trẻ 17 tuổi. Hãy cẩn thận với mẹo xấu vì cái giá của bạn phải trả cho điều đó có thể là rất lớn!

Chuyên viên tâm lý BIỆN CHƯƠNG DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên