18/08/2019 09:22 GMT+7

Cả ngàn tài xế dừng xe ngủ trên... đường cao tốc

THANH TÚ - MẬU TRƯỜNG
THANH TÚ - MẬU TRƯỜNG

TTO - Không chỉ biến thành "đường làng" vô cùng lộn xộn, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương còn trở thành nơi tài xế dừng đỗ xe để... ngủ.

Cả ngàn tài xế dừng xe ngủ trên... đường cao tốc - Ảnh 1.

Một dãy xe đậu ngay biển cấm dừng, đỗ trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đoạn qua tỉnh Long An - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Từ đầu năm đến nay, hầu như lần nào đi qua đây cũng có tình trạng nhiều xe đậu trên làn dừng khẩn cấp và làn tăng tốc.

Tài xế NGUYỄN VĂN TÙNG (Tiền Giang)

Tình trạng này rộ lên từ đầu năm 2019, sau một thời gian nhắc nhở, cơ quan chức năng đã phạt khoảng 1.000 trường hợp tài xế dừng đỗ ngay trên đường cao tốc này để ngủ!

Cao tốc thành bãi đậu xe

Khoảng 3h ngày 16-8, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương hướng từ TP.HCM về miền Tây khá vắng xe nên anh Nguyễn Văn Tùng (52 tuổi, ngụ Tiền Giang) chạy xe với tốc độ 100 km/h. Vừa đến trạm dừng chân cao tốc TP.HCM - Trung Lương (thuộc địa phận tỉnh Long An), anh Tùng đột ngột giảm tốc độ, chuyển làn để né một dãy xe đang đậu bên đường, ngay trên làn dừng khẩn cấp.

Anh Tùng là lái xe dịch vụ nên thường xuyên chạy xe trên tuyến đường này vào lúc rạng sáng. "Từ đầu năm đến nay, hầu như lần nào đi qua đây cũng có tình trạng xe đậu trên làn dừng khẩn cấp và làn tăng tốc. Thậm chí, nhiều xe bất chấp nguy hiểm đã đậu lấn hẳn ra làn đường lưu thông trên cao tốc", anh Tùng bức xúc.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đoạn đường hai bên trạm dừng chân cao tốc TP.HCM - Trung Lương có đến hàng chục xe đậu ven đường, kéo dài cả vài trăm mét. Riêng trên làn tăng tốc có đến hai dãy xe đậu. Hầu hết các xe đều tắt máy, cũng có một số xe bật đèn khẩn cấp báo hiệu.

Bên kia đường (hướng ngược lại) cũng trong tình trạng tương tự. Hàng trăm xe tải, ôtô con đậu kín trong trạm dừng chân rồi tràn ra cả làn tăng tốc và làn dừng khẩn cấp. Một số tài xế cho biết phải đậu xe trên đường cao tốc ngủ qua đêm để sáng sớm kịp giao hàng.

Vừa tấp xe vào chỗ trống duy nhất trên làn tăng tốc gần trạm dừng chân cao tốc TP.HCM - Trung Lương, một tài xế quê Cà Mau (đề nghị không nêu tên) với vẻ mặt mệt mỏi nói rằng: "Bất đắc dĩ mới đậu xe trên đường cao tốc để ngủ chứ không sung sướng gì. Nhiều khi đang ngủ bị gõ cửa đuổi đi, thậm chí bị cảnh sát giao thông phạt nhưng không còn lựa chọn nào khác".

Cũng theo tài xế này, do thời gian giao hàng tại TP.HCM vào giữa đêm nên khi quay về miền Tây rất đuối. Nếu ráng chạy về đến Cà Mau không còn đủ tỉnh táo để lái xe, dễ gây tai nạn. Dọc đường cũng không có chỗ nào an toàn để đậu xe chợp mắt, trừ... đường cao tốc. "Đậu xe trên này có hàng rào dọc cao tốc bảo vệ nên hạn chế được tình trạng cạy cửa xe trộm cắp, hút dầu...", tài xế này lý giải.

Cả ngàn tài xế dừng xe ngủ trên... đường cao tốc - Ảnh 3.

Rạng sáng 16-8, vẫn còn nhiều tài xế dừng, đỗ xe ngay trên làn tăng tốc, làn dừng khẩn cấp của đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương để ngủ - Ảnh: M.TR.

4 tháng, gần 1.000 xe vi phạm

Ngoài khu vực gần trạm dừng chân cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tình trạng tài xế dừng đậu xe không đúng nơi quy định còn xảy ra tại nút giao thông Bến Lức, nút giao thông Tân An trên tuyến cao tốc này. Các tài xế đều cho biết dừng xe trên đường cao tốc để ngủ là nguy hiểm nhưng không có nhiều sự lựa chọn bởi thiếu điểm dừng chân, trong khi nếu dừng xe trên các tuyến đường khác để ngủ rất dễ bị trộm "viếng".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Vĩnh Phúc - chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ IV.7 (Bộ GTVT) - cho biết tình trạng dừng đỗ xe trên đường cao tốc diễn biến phức tạp đến nỗi đơn vị này phải cắm bổ sung rất nhiều loại biển báo để ngăn chặn tình trạng tài xế dừng đỗ xe bát nháo, dù trên đường cao tốc đương nhiên không cần phải cắm biển báo cấm dừng, cấm đỗ.

Cũng theo ông Phúc, nạn dừng xe trên đường cao tốc để ngủ trước đây rất ít nhưng kể từ đầu năm 2019 đến nay diễn ra phổ biến. Những tài xế này coi thường sự an toàn tính mạng của mình và người khác nên mới đậu xe bất chấp như vậy. 

Trong những tháng đầu năm 2019, khi phát hiện tình trạng trên diễn ra phức tạp, cơ quan chức năng chủ yếu nhắc nhở, yêu cầu tài xế không đậu trên cao tốc. Tuy nhiên, từ tháng 4-2019, các lực lượng chức năng đã mạnh tay hơn khi thực hiện xử phạt hành chính đối với những tài xế vi phạm. 

"Riêng chúng tôi không có chức năng xử phạt mà chỉ tuần tra phát hiện và báo cho lực lượng cảnh sát giao thông. Trong tháng 4 đến tháng 7-2019, chúng tôi đã chụp hình gần 1.000 xe vi phạm lỗi dừng đỗ sai quy định và gửi cho cảnh sát giao thông xử lý theo quy định", ông Phúc nói.

Vì sao không có bãi đậu xe cho tài xế trên đường cao tốc? Bà Phạm Cẩm Thúy, đại diện chủ đầu tư trạm dừng chân cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cho biết đơn vị của bà mới tiếp nhận trạm dừng chân nên chưa kịp đầu tư. 

Theo bà Thúy, khoảng hai tháng nữa tại trạm dừng chân trên tuyến cao tốc này sẽ có chỗ đậu xe đủ rộng cho tài xế dừng xe. "Khi đó sẽ hạn chế được tình trạng xe đậu tràn lan trên làn dừng khẩn cấp và làn tăng tốc trên đường cao tốc", bà Thúy nói.

"Đường làng" cắm biển tốc độ 120 km/h

hinhanhngu 1 7(read-only)

Xe chạy vào làn dừng khẩn cấp trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: M.TR.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trên tuyến cao tốc này có rất nhiều xe chạy vào làn dừng khẩn cấp. Tình trạng xe chạy với tốc độ rùa bò, không giữ khoảng cách an toàn diễn ra thường xuyên. Ngoài ra, do không được duy tu bảo dưỡng, một số đoạn đường đã xuống cấp, xuất hiện các vết nứt, trạm thu phí cũng hoang tàn.

Ông Nguyễn Văn Thành - cục trưởng Cục Đường bộ 4 (Bộ GTVT) - cho biết lưu lượng xe trên tuyến đường này đã lên khoảng 51.000 lượt xe/ngày đêm, tăng 31% so với trước.

Kể từ khi đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương tạm ngưng thu phí, giao thông trên tuyến đường này trở nên lộn xộn hơn, số vụ tai nạn giao thông cũng tăng 1,5 lần so với trước đây với hơn 10 vụ kể từ đầu năm 2019 đến nay. "Chúng tôi đã kiến nghị Tổng cục Đường bộ VN sớm triển khai thu phí trở lại trên tuyến cao tốc này", ông Thành cho biết.

Được biết, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tuyến cao tốc duy nhất nối từ TP.HCM về miền Tây đi qua TP.HCM, Long An và Tiền Giang với chiều dài 62km (gồm cả đường dẫn). Từ năm 2014 đường cao tốc này bắt đầu thu phí, đến cuối năm 2018 tạm ngừng do hết hợp đồng bán quyền thu phí. Dù đường cao tốc này được thiết kế tốc độ tối đa 120 km/h nhưng tốc độ tối đa thực tế chỉ còn 100 km/h, do lưu lượng xe tăng mạnh.

Cả ngàn tài xế dừng xe ngủ trên... đường cao tốc - Ảnh 6.

Xe dừng, đỗ ngay trên làn tăng tốc, làn dừng khẩn cấp của đường cao tốc, đoạn qua tỉnh Long An - Ảnh: M.TR.

* Ông NGUYỄN VĂN THÀNH - Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4, thuộc Tổng cục Đường bộ VN:

Quá thiếu trạm dừng nghỉ

Việc đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc cũng không đáp ứng nhu cầu bởi đa phần các trạm này đều có quy mô nhỏ, không đủ sức chứa xe đến dừng nghỉ. Chẳng hạn, trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương có 2 trạm dừng nghỉ được Bộ GTVT cấp phép hoạt động tạm thời.

Tuy nhiên, do mặt bằng bãi đỗ xe tạm quá nhỏ và không đủ sức chứa nên tình trạng xe đậu đỗ dọc hai bên đường vào trạm dừng nghỉ vào ban đêm khá phổ biến. Lực lượng tuần tra đơn vị bảo trì đường bộ đã buộc tài xế chấp hành đúng quy định và báo cho lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt, nhưng tình trạng đậu đỗ xe để dừng nghỉ không đúng quy định vẫn tồn tại.

Tương tự, trên các tuyến quốc lộ cũng đang quá thiếu các trạm dừng nghỉ cho lái xe và hành khách dừng chân tạm nghỉ. Nhiều lái xe đã phải tạm dừng nghỉ trên quốc lộ khiến mặt đường bị thu hẹp. Do đó, việc đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ trên quốc lộ rất cần thiết và cần sớm triển khai từ nguồn vốn đầu tư nhà nước và tư nhân.

NGỌC ẨN ghi

* Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Chưa có trạm dừng nghỉ do chờ thủ tục?

duong cao toc 1a 4(read-only)

Đã khai thác hơn 2 năm nhưng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn chưa có trạm dừng nghỉ - Ảnh: LÊ TRUNG

Được đưa vào sử dụng từ năm 2017 đến nay nhưng toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn chưa có trạm dừng nghỉ để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống của tài xế, dù trong quy hoạch có 4 trạm dừng nghỉ. Theo ông Hoàng Việt Hưng - giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cơ sở hạ tầng các trạm này trong gói thầu xây lắp đã hoàn tất nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư xây dựng.

Ông Lê Quang Hào - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - cho biết chủ đầu tư đang làm thủ tục đầu tư các trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa, đấu thầu tìm ra nhà đầu tư nhưng lại chưa có quy định về đấu thầu về việc này. "Chúng tôi muốn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng thủ tục đấu thầu như thế nào lại chưa có hướng dẫn, phải xin ý kiến của các cơ quan cấp trên" - ông Hào nói. LÊ TRUNG

* Cao tốc Long Thành - Dầu Giây: Vô tư chạy vào làn dừng khẩn cấp

caotoc 2f 4(read-only)

Hàng chục xe đi vào làn dừng khẩn cấp của đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn gần trạm thu phí QL51 (huyện Long Thành, Đồng Nai) vào sáng 17-8 - Ảnh: A LỘC

Tại cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD), tình trạng xe đi vào làn đường khẩn cấp diễn ra thường xuyên, đặc biệt là khu vực gần các nút giao, các trạm thu phí hoặc khi ùn ứ kéo dài.

Khoảng 10h ngày 17-8, tại phía trước trạm thu phí QL51 khoảng 300m, chiều từ TP.HCM đi Đồng Nai (đoạn đi qua thị trấn Long Thành, huyện Long Thành), hàng chục xe khách, xe tải, xe container chạy vào làn dừng khẩn cấp, biến cao tốc 2 làn xe mỗi chiều thành 3 làn xe khiến giao thông qua khu vực trở nên lộn xộn.

Nhân viên Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc HLD) phải xuống đường phân luồng thì tình trạng giao thông mới vãn hồi. Tuy nhiên, nhiều xe vẫn vô tư chạy vào làn dừng khẩn cấp để vượt lên trên.

Tài xế Nguyễn Văn Xuân (ngụ huyện Long Thành) thường đi trên cao tốc HLD cho biết rất nhiều lần gặp cảnh xe chạy vào làn dừng khẩn cấp để vượt lên. Thậm chí, khi gặp tình trạng kẹt xe, một số tài xế cho xe "bon bon" trên làn dừng khẩn cấp, kéo dài cả cây số.

"Làn dừng khẩn cấp hẹp mà tốc độ xe lại cao, rất dễ gây tai nạn. Ngoài ra, xe đi vào làn dừng khẩn cấp trong khi đoạn lên cầu Long Thành chỉ có 2 làn xe, dẫn đến tình trạng thắt cổ chai, càng khiến ùn ứ thêm nghiêm trọng, nhất là vào ngày cuối tuần khi lưu lượng xe từ các nơi đổ về TP.HCM tăng vọt", anh Xuân cho biết.

A LỘC

Nỗi khổ của chủ xe, tài xế

* Anh LÊ KHẢ HÙNG - Hội trưởng Hội container Cát Lái, TP.HCM:

Trên quốc lộ đâu có chỗ đậu xe tải

Hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa đang phát triển nhanh nhưng các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi dành cho những tài xế chạy xe đường dài lại quá ít ỏi. Dọc theo các tuyến quốc lộ lớn, trạm dừng chân thiếu trầm trọng, những nơi có điểm dừng thì bán hàng giá cao, chất lượng bữa ăn không cao.

Việc thiếu trạm dừng chân là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông do xe tải, xe container, xe khách gây ra. Tài xế chạy đường dài thường phải cố gắng chạy liên tục 4 - 5 tiếng dù rất buồn ngủ. Trong trạng thái đó, tài xế ngủ gục hoặc không tỉnh táo để kịp xử lý các tình huống giao thông, dễ gây ra tai nạn giao thông.

Bản thân tôi chở hàng từ TP.HCM đi Kiên Giang phải lái xe hơn 4 tiếng. Suốt lộ trình có chỉ duy nhất trạm dừng chân gần đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Còn các quán ăn, điểm bán nước giải khát nhỏ ven đường, tài xế muốn vào nghỉ ngơi cũng không có chỗ đậu xe tải. Vì vậy cần phải quy hoạch bố trí thêm trạm dừng chân dọc các tuyến đường lớn, quốc lộ.

Đặc biệt, khu vực từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây phải xây dựng nhiều trạm dừng chân, bãi đậu xe tải. Ngoài ra, dịch vụ tại các trạm dừng chân cũng phải được quản lý chặt chẽ, giá cả phải chăng.

* Anh TRẦN PHÚC LỘC - Một chủ doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM:

Bất đắc dĩ phải đậu trên đường cấm

Hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa từ Đông Nam Bộ về miền Tây đều "đau đầu" do thiếu các trạm dừng chân trên đường. Vì vậy, hầu hết tài xế phải đậu tạm vào các đường cấm hoặc đậu sát lề quốc lộ để nghỉ ngơi. Xe tải đậu hàng dài trên quốc lộ 1, dọc các đường lớn gây cản trở giao thông, dẫn đến tai nạn giao thông là vì thế.

Trong thực tế, nhiều vụ tai nạn do người đi đường đâm thẳng vào xe tải dừng, đậu trên đường. Tôi có người bạn tên T. chạy xe chở hàng từ khu vực Q.2 (TP.HCM) đi Cà Mau, do quá mệt nên tấp xe vào sát lề quốc lộ 1A hút thuốc cho tỉnh táo.

Chỉ vài phút sau, một ông say rượu chạy xe máy tông vào xe anh T. và tử vong. Anh T. đã phải vay mượn đền bù cho gia đình nạn nhân và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu gần đó có một trạm dừng chân, sự việc đáng tiếc đã không xảy ra.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần có kế hoạch xây thêm trạm dừng chân dọc quốc lộ, bố trí trạm ở hai đầu các đường cao tốc để tài xế nghỉ ngơi. Có trạm dừng chân cũng là giúp giảm bớt tai nạn giao thông.

THU DUNG ghi

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương lộn xộn như

TTO - Kể từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình cao tốc TP.HCM - Trung Lương trở nên lộn xộn hơn bao giờ hết: xe chạy lấn làn, tai nạn, hạ tầng giao thông nhanh chóng bị xuống cấp.

THANH TÚ - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên