Ngày 10-1, Tuổi Trẻ Online đăng lịch nghỉ Tết của học sinh các tỉnh thành, trong đó có nơi đến 29 Tết mới cho nghỉ, thu hút nhiều lượt quan tâm và bình luận của độc giả.
Bạn đọc @dangle cho rằng một số tỉnh thành cho nghỉ Tết quá ít, như có tỉnh chỉ cho nghỉ 7 ngày là "quá khắt khe". Còn bạn đọc @Người Hà Nội than: "Học sinh Hà Nội nghỉ Tết ít quá".
"Học sinh nên được cho nghỉ trước Tết khoảng 7 ngày để còn trải nghiệm không khí vui nhộn trước Tết như nấu bánh chưng bánh tét, làm mứt, nấu ăn chuẩn bị ngày Tết, đi chợ Tết, hội hoa xuân. Nghỉ 29 Tết thì qua ngày mai đón giao thừa và Tết luôn rồi thì còn gì là tuổi thơ đón Tết", một bạn đọc ý kiến.
Cùng góc nhìn, bạn đọc @Thanh Hiếu viết: "Học thêm vài ngày không làm các con giỏi hơn. Nhưng nghỉ thêm vài ngày sẽ cho các con một cái Tết trọn vẹn, ý nghĩa... Chúng ta cứ hay hô hào quyền trẻ em này nọ, vậy mà đến một cái Tết mỗi năm một lần mà mỗi địa phương lại làm mỗi khác".
Dẫu vậy, theo một số bạn đọc, nghỉ ít giúp học sinh không quên bài vở. Như bạn đọc @Thế chia sẻ: "Nghỉ Tết xong học sinh quên bài hết, hầu hết học sinh phải 5 - 7 ngày sau đi học mới hồi phục bình thường".
Nhưng bạn đọc @Nguyễn Văn Phúc phân tích: "Không khí giáp Tết học sinh khó học, phụ huynh, thầy cô bị cuốn vào Tết nữa nên việc dạy và học không hiệu quả mấy… Hằng năm mỗi sở giáo dục và đào tạo đều có khung thời gian cho năm học, nên chăng các sở giáo dục và đào tạo nên tham mưu khung thời gian nghỉ hài hòa với nhau". Ngoài ra, nơi nghỉ nhiều, nơi nghỉ ít sẽ tạo tâm lý so sánh nơi học sinh.
Cũng có bạn đọc cho rằng nên nghỉ trước Tết (trước mùng 1) nhiều hơn và nghỉ sau Tết ít hơn. Như ý kiến của bạn đọc @Nhàn: "Thà cho mấy đứa nhỏ nghỉ sớm để trải nghiệm hoạt động chuẩn bị đón Tết, rồi đi học sớm cũng được. Chứ qua mùng 3 rồi thì không khí Tết giảm rất nhiều, tụi nhỏ cũng chỉ ở nhà chơi game và ngủ".
Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ Online, thầy Đoàn Công Thuận - giáo viên Trường THPT Gò Công Đông (Tiền Giang) - nói khoảng thời gian nghỉ Tết kéo dài 2 tuần có vẻ sẽ hợp lý nhất. Vì 2 tuần không quá ngắn cũng không quá dài, tương đối vừa phải để học sinh cảm nhận được cái Tết nhưng cũng tránh bỏ quên bài vở. Trong 2 tuần này thì 1 tuần trước Tết và 1 tuần sau là cân bằng hơn cả.
Trong khi đó thầy Nguyễn Văn Rum - giáo viên Trường THPT Đức Hòa (Long An) - băn khoăn vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định thống nhất thời gian nghỉ Tết cho học sinh mầm non đến THPT ở các tỉnh thành trên cả nước.
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất được số ngày nghỉ Tết ngay từ đầu năm, các địa phương sẽ cứ căn cứ vào đó để bố trí lịch dạy và học của mình. Số ngày nghỉ Tết bằng nhau giữa các địa phương cũng tạo được sự thống nhất và tránh được tình trạng so sánh lẫn nhau.
"Cho học sinh nghỉ sớm có thể gây xáo trộn"
Thống kê những tỉnh thành đã công bố lịch nghỉ Tết cho học sinh đến thời điểm hiện tại, thời gian nghỉ Tết phổ biến nhất được các tỉnh thành quyết định là 14 ngày, chính thức từ 5-2 (26 tháng chạp) đến 18-2 (9 tháng giêng). Ngày đi học đầu tiên sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn là 19-2 (10 tháng giêng).
Những tỉnh thành cho học sinh nghỉ dưới 10 ngày được ghi nhận đến thời điểm hiện tại bao gồm Nam Định (9 ngày), Hà Nội (8 ngày), Bắc Giang (7 ngày).
Trước băn khoăn của phụ huynh học sinh về việc nghỉ Tết từ 29 tháng chạp là muộn, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang lý giải học sinh nghỉ quá sớm trong khi công chức, viên chức chưa được nghỉ có thể gây xáo trộn cuộc sống gia đình.
Học sinh được nghỉ học sớm trong khi bố mẹ vẫn đi làm, không có ai trông nom các con dễ dẫn tới các tai nạn không mong muốn, đặc biệt Tết đang tới gần.
Thăm dò ý kiến
Một số tỉnh thành cho học sinh nghỉ Tết chỉ 7-8 ngày, có nơi tới 29 Tết mới nghỉ. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận