Cá muối ủ chua: Món đặc sản
Ông Hồ Văn Điền - chủ tịch UBND xã Phước Đức (nơi xảy ra vụ ngộ độc do ăn cá chép muối ủ chua đầu tiên vào ngày 7-3) - cho biết cá muối ủ chua người dân tự làm, là món đặc sản của người dân ở đây từ xưa đến giờ.
Cách thức làm món này là cá được làm sạch, chặt khúc, ướp muối, trộn với cơm nguội rồi bỏ vào hũ để ủ chua.
"Hơn mười ngày sau thì cá chín, có thể ăn được. Tùy theo cách ăn, có người để nguyên vậy ăn hoặc sẽ hâm nóng, nấu chín. Bất cứ loại cá nào cũng có thể làm ủ chua được, đặc biệt là cá rô phi, niên, trắm... Không riêng gì cá, người dân còn dùng thịt heo, da trâu, bò để ủ chua" - ông Điền nói.
Theo một số người dân ở huyện Phước Sơn, cá muối ủ chua là món ăn truyền thống của đồng bào, rất hay có trong mâm thức ăn tại các lễ hội ở vùng cao.
Anh Hồ Văn Cớt, người dân xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, nói rằng nhà mình cũng đã từng làm cá muối ủ chua, đây là món đặc sản người dân ở đây.
"Cá có vị chua, bỏ thêm một chút bột ngọt thì ăn được, không cần phải nấu chín. Thường chúng tôi làm cá đét, cá niên, món cá muối ủ chua rất ngon" - anh Cớt nói.
Theo ông Đỗ Hoài Xoan - phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, sau các vụ ngộ độc, huyện có công điện khẩn. Chỉ đạo các xã tuyên truyền, khuyến cáo người dân dừng ăn các thức ăn tươi sống, chưa qua nấu chín (trong đó có cá muối ủ chua).
Theo ông, đối với món cá muối ủ chua, trên địa bàn huyện lâu nay hay sử dụng món truyền thống là cá niên ủ chua, không biết sao người dân lại sử dụng cá chép để làm món đó.
Vi khuẩn Clostridium Botulinum sản sinh khi muối cá ủ chua
Sau khi được điều trị bằng thuốc hiếm Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT), ba bệnh nhân ngộ độc nặng trong vụ ăn cá chép muối ủ chua trước đó hiện vẫn thở máy. Sở Y tế Quảng Nam cho hay độc tố Clostridium Botulinum mà các bệnh nhân mắc phải là hết sức nguy hiểm.
Theo bác sĩ Lê Minh Dũng - trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, cả ba chùm ca bệnh ở huyện Phước Sơn cùng ăn một loại thức ăn là cá chép muối ủ chua.
Trong quá trình chế biến loại thức ăn này, cá được bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín sau 2 - 3 tuần mới lấy ra ăn, đây là yếu tố tạo điều kiện cho vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển. Người bệnh khi ăn phải loại vi khuẩn này sẽ gây ra tình trạng ngộ độc rất nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (nơi điều trị các bệnh nhân bị ngộ độc) cho biết vừa qua bệnh viện tiếp nhận ba chùm ca bệnh (với 10 người bị ngộ độc Botulinum do ăn cá chép muối ủ chua) ở huyện Phước Sơn, trong đó có một người đã tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận