16/12/2020 08:13 GMT+7

Cả miền Bắc chống rét

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, ngày 15-12, tại các tỉnh phía Bắc đã có rét đậm, rét hại ở nhiều nơi làm đảo lộn cuộc sống, thêm vất vả bảo vệ người, vật nuôi, cây trồng.

Cả miền Bắc chống rét - Ảnh 1.

Nhiều quán cóc vỉa hè ở Hà Nội nhóm bếp lửa, kéo khách vào ngồi sưởi ấm để bán hàng tối 15-12 - Ảnh: M.THƯƠNG

Để ứng phó với rét đậm, rét hại, ngày 15-12, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã thành lập khẩn 2 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. 

Ông Tạ Công Huy, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai, cho biết trên toàn tỉnh có khoảng 45.000 hộ chăn nuôi đàn gia súc với gần 148.000 con nên việc chống rét cho đàn gia súc trong mùa đông là một việc làm quan trọng hàng đầu. 

"Tỉnh đã chủ động cập nhật các bản tin dự báo thời tiết hằng ngày, tăng cường tuyên truyền đến người dân để sớm có phương án phòng chống rét cho người, cây trồng và đàn gia súc" - ông Huy nói.

Tại vùng núi cao Sa Pa (Lào Cai) có khoảng 13.000 con gia súc (chủ yếu là trâu), nhưng chỉ 7% số hộ chăn nuôi có chuồng trại kiên cố nên người dân xã Trung Chải, Sa Pả, Tả Phìn đưa trâu đi di tản xuống vùng thấp xã Toòng Sành, Cốc San (huyện Bát Xát) tìm kiếm thức ăn và nơi trú ẩn. 

"Trên kia lạnh lắm, trâu nghé không chịu được, đưa xuống đây ấm hơn tránh được chết rét. Hết rét thì chúng tôi lại đưa về" - anh Giàng A Páo, một người dân, chia sẻ. 

Bà Trần Thị Lan Hương, phó trưởng Phòng kinh tế thị xã Sa Pa, cho biết thị xã vận động các hộ dân luân đàn, bán những con gia súc già yếu để giết thịt, sau đó mua lại những con khỏe mạnh để phục vụ sản xuất cũng như tăng khả năng chống chịu thời tiết. 

"Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con chủ động dự trữ thức ăn từ các phụ phẩm của nông nghiệp như rơm, cây cỏ, thực hiện các biện pháp giữ ấm. Đến nay, gần 70% hộ nông dân ở Sa Pa đã dự trữ cơ bản thức ăn cho gia súc phòng những đợt rét kéo dài" - bà Hương nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết đã yêu cầu lãnh đạo, cán bộ chuyên môn phụ trách địa bàn trực tiếp xuống cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống đói rét, dịch bệnh cho người, cây trồng và vật nuôi, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn người dân không gieo trồng trong những ngày giá rét, nhiệt độ thấp dưới 15ºC kéo dài.

Ông Sơn còn cho biết tỉnh cũng khuyến cáo người dân sử dụng nilông, rơm rạ phủ luống, làm vòm che, nhà lưới, nhà màng trong sản xuất rau vụ đông; tăng cường bón phân, tưới nước đầy đủ, cân đối để cây phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu. 

Đặc biệt, những ngày có sương muối, giá buốt, người dân cần tưới nước trên mặt lá để làm tan sương, tránh hiện tượng cháy táp lá, sương mai. Sớm thu hoạch các diện tích cây trồng (diện tích rau màu) đã đến kỳ thu hoạch để đảm bảo tránh thiệt hại.

Rét đậm, rét hại kéo dài đến đầu tuần sau

Trong hôm qua, nhiệt độ tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) ở mức thấp nhất miền Bắc với 3,2ºC; Trùng Khánh (Cao Bằng) 7,5ºC, Đồng Văn (Hà Giang) 9ºC, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 10,6ºC, Sa Pa (Lào Cai) 11,4ºC.

Ông Nguyễn Đức Hòa - phó trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết dự kiến đợt rét đậm, rét hại này có khả năng kéo dài tới ngày 22-12. Tại Hà Nội, nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét này phổ biến ở mức 11-13ºC và cảm giác rét nhất sẽ kéo dài đến ngày 18-12.

Người Hà Nội co ro trong rét 12 độ C Người Hà Nội co ro trong rét 12 độ C

TTO - Hôm nay 15-12, nhiệt độ Hà Nội xuống 12 độ C kèm theo mưa nhỏ vào sáng sớm. Nhiều người dân ra đường co ro trong gió lạnh, dù đã trang bị đầy đủ áo ấm, khăn len, găng tay cho đợt rét đầu tiên của mùa đông.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên