Do kênh mương trong vùng ngọt hóa khô cạn nên nông dân phải thuê xe ôm chở lúa nên chi phí tăng cao -Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Ngày 20-2, ông Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn biến ngày càng phức tạp và gây nhiều thiệt hại, UBND tỉnh chủ động mời các bộ, ngành trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học đến tỉnh khảo sát, đánh giá nguyên nhân.
Trên cơ sở đó, cùng với tỉnh bàn các giải pháp xử lý căn cơ trước mắt cũng như lâu dài.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện tại mực nước trên hệ thống kênh mương trên địa bàn khô cạn rất nhanh. Kênh trục chính và kênh cấp I chỉ còn khoảng 0,5m - 1m; kênh cấp II, III đã khô cạn.
Một vài tuyến đường giao thông ở tỉnh Cà Mau bị sụp, lún nghiêm trọng gây ảnh hưởng giao thông đi lại của người dân - Ảnh: N.HÙNG.
Hiện đã có hơn 18.000ha lúa bị thiệt hại, diện tích có nguy cơ thiệt hại tiếp tục tăng trong thời gian tới; gần 43.000ha rừng (bao gồm Vườn quốc gia U Minh Hạ) bị khô hạn, trong đó dự báo cháy cấp V (cực kỳ nguy hiểm) hơn 12.000ha; một số cống ngăn mặn đã bị soi mọt, rò rỉ đáy.
Ngoài ra, có hơn 900 vị trí ven kênh, rạch và đường giao thông ven kênh rạch bị sụp lún, sạt lở, với chiều dài gần 22km.
Trong đó có cả các công trình qui mô lớn như tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (tuyến đường đầu tư theo hình thức BT) và tuyến đê biển Tây cũng bị sụp lún...
UBND tỉnh Cà Mau cho biết theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, hạn hán năm nay có thể kéo dài đến tháng 5, thậm chí đến tháng 6. Như vậy, thiệt hại sẽ tiếp tục xảy ra nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận