Lực lượng chức năng tiến hành gia cố đê biển Tây do sạt lở - Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Theo đó, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cà Mau tiến hành khoanh vùng đê biển đang bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn.
Các đơn vị đang tháo dỡ công trình, di dời nhà cửa, hạ tải trọng trong phạm vi thiết lập; lắp đặt biển báo cho khu vực sạt lở; xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm, vị trí đê xung yếu để trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở tổ chức bảo vệ đê.
UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu UBND hai huyện Trần Văn Thời và U Minh vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở.
Cắm biển cảnh báo, rào chắn ngăn không cho người, phương tiện có tải trọng lớn vào khu vực sạt lở, bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự.
Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đến thăm, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai - Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Trước tình hình thiệt hại nằng nề do thiên tai gây ra trên địa bàn, ông Hải chỉ đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các trường hợp bị thiệt hại về người, nhà ở do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, đảm bảo công khai, minh bạch và đúng quy định.
Thống kê mới nhất từ UBND tỉnh Cà Mau, do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan và triều cường bất thường làm 1 người chết, 1 người bị thương; sập hoàn toàn 133 căn nhà, tốc mái 632 căn nhà khác; ngập 1.743 căn nhà, một trường học và 2.540 mét đường giao thông. Thiệt hại ước tính ban đầu hơn 28 tỉ đồng.
Ngoài ra, đoạn đê Đá Bạc - Kinh Mới (thuộc huyện Trần Văn Thời) bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 356 mét, nguy cơ phá vỡ đê, buộc tỉnh phải thực hiện các giải pháp hộ đê khẩn cấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận