Cả một khu trọ công nhân ở phường Hiệp Thành (quận 12, TP.HCM) hiện đang cách ly bệnh nhân COVID-19 tại phòng trọ - Ảnh: NHẬT THỊNH
Trong hoàn cảnh biến đổi môi trường hiện nay, cứ trung bình từ 5 - 10 năm sẽ xuất hiện một đại dịch do một chủng virus nào đó. Do đó ngay từ bây giờ, TP.HCM đang củng cố y tế cơ sở để đủ sức ứng phó với dịch bệnh trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu
Kích hoạt các trạm y tế lưu động và các đội phản ứng nhanh, chuẩn bị lực lượng dự bị chống dịch, thí điểm đưa bác sĩ mới ra trường xuống cơ sở... là những bước đi chủ động đang được ngành y tế TP.HCM triển khai nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh tăng trở lại.
Chuẩn bị cho "trận đánh mới"
Trước bối cảnh số lượng F0 có xu hướng tăng trở lại, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - vừa có công văn khẩn chỉ đạo bổ sung thêm 33 trạm y tế lưu động bên cạnh 222 trạm hiện có.
Đây là giải pháp "đánh chặn từ xa" nhằm kiểm soát diễn biến sức khỏe của các F0 ngay từ đầu, tránh chuyển nặng dồn lên tuyến trên gây "vỡ trận" như lúc trước.
Số liệu cập nhật trên cổng thông tin COVID-19 cho thấy, sau một thời gian số ca mắc duy trì dưới 3 con số, ba ngày gần đây nhất số ca mắc vượt 1.000 ca.
Huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ và quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, TP Thủ Đức... là các địa phương ghi nhận có số ca mắc cao theo ngày.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho rằng ngoài nhóm nguy cơ (chưa tiêm vắc xin) trở lại thành phố từ các tỉnh gần đây, một phần đến từ nhóm người đã tiêm vắc xin đủ hai mũi.
Với nhóm này, mặc dù nhiễm nhưng ghi nhận đa số không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Do đó trước mắt ngành y tế chỉ cần theo dõi sát để nắm bắt, nếu chuyển nặng sẽ cung cấp oxy và chuyển vào bệnh viện điều trị kịp thời.
Việc kích hoạt trạm y tế lưu động cũng là một trong các kế hoạch giải quyết vấn đề nêu trên. Trong số 33 trạm y tế lưu động được bố trí bổ sung, riêng quận 12 thêm 20 trạm, huyện Bình Chánh thêm 8 trạm, huyện Hóc Môn thêm 4 trạm và quận Bình Tân 1 trạm.
Ngay trong ngày 9-11, các quận huyện đã khẩn trương bố trí địa điểm cho các trạm y tế lưu động đi vào hoạt động.
Ở các địa phương có số ca mắc tăng cao, ngoài việc phải kích hoạt trạm y tế lưu động, đã dần hình thành trở lại đội phản ứng nhanh chủ động hỗ trợ người dân trong tình huống phát sinh dịch.
Theo ông Châu, nếu lúc trước một trạm y tế chăm sóc cho khoảng 100 người F0 thì hiện nay khả năng chăm sóc đến 200 người F0, thậm chí nhiều hơn nữa. Trong số 100 người F0 chỉ có 2-3 trường hợp chuyển nặng cần hỗ trợ oxy.
"Khi các lực lượng chi viện rút, nhìn chung đến lúc này lực lượng y tế của thành phố vẫn đảm đương được nhiệm vụ. Ngoài lực lượng y tế cơ sở, các bác sĩ ở bệnh viện cũng được điều động xuống tận địa bàn dân cư thiết lập các trạm y tế lưu động đánh chặn từ xa.
Với việc phát hiện sớm và điều trị sớm cho người F0 ngay tại địa bàn, hy vọng tỉ lệ chuyển nặng sẽ giảm và chỉ có những người suy hô hấp mới chuyển về các bệnh viện tầng trên" - ông Châu nói.
Điều ông Châu khá lo ngại là liệu có xuất hiện thêm biến chủng virus nào mới hay không. Bởi gặp biến chủng mới, nếu vắc xin không mang lại hiệu quả thì có nghĩa số ca mắc, chuyển nặng và tử vong sẽ tiếp tục tăng cao.
Do đó ngoài giải pháp tạm thời là kích hoạt các trạm y tế lưu động, đội phản ứng nhanh và huy động lực lượng dự bị chống dịch, ngành y tế xác định giải pháp căn cơ lâu dài là tổ chức luân chuyển các bác sĩ mới ra trường về làm việc tại các trạm y tế.
Điều này, theo ông, sẽ góp phần đảm bảo luôn có bác sĩ tại các trạm y tế để ứng phó với các chủng biến thể của virus trong tương lai.
Giảm ca tử vong
Vậy làm gì để ứng phó với tình hình dịch sắp tới? Ông Châu cho biết ngành y tế đã chủ động chuẩn bị tất cả các kịch bản ứng phó sát với số ca mắc tăng trở lại.
Dù số ca mắc tăng, nhưng theo ông, số ca chuyển nặng và tử vong không tăng; đây là "tín hiệu đáng mừng" trong bối cảnh thích ứng an toàn linh hoạt và bỏ qua quan điểm "không COVID-19".
"TP.HCM hiện nay bao phủ vắc xin khá cao, đa số F0 phát hiện đều được tiêm vắc xin đầy đủ và có hệ thống chăm sóc y tế tại nhà, nếu tiếp tục theo dõi sát các trường hợp F0 này dù số ca có tăng vẫn có thể sống chung với COVID-19" - ông Châu nói.
Theo ông Châu, hiện mỗi ngày Sở Y tế TP.HCM phối hợp chặt với Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) theo dõi biến động số F0 mới tại từng địa phương, điều trị các F0 tại nhà, các trường hợp nhập viện.
Qua giám sát cũng ghi nhận tỉ lệ ca mắc COVID-19 chuyển nặng tử vong không nhiều như trước đây. Một số ít trường hợp chuyển nặng rơi vào nhóm đối tượng chưa tiêm ngừa, cao tuổi, có bệnh nền và điều trị hồi sức dài ngày trong bệnh viện.
Về số ca tử vong chưa giảm sâu, ông Châu cho biết hiện toàn thành phố chỉ còn trên 200 ca thở máy xâm lấn. Các trường hợp tử vong đa số là bệnh nhân cũ, điều trị hồi sức dài ngày, dù lực lượng y tế nỗ lực cứu chữa nhưng nhiều người trong số đó khó qua khỏi.
"Vấn đề quan trọng hiện nay chúng tôi đang giám sát là có trường hợp nào tử vong mới hay không để có chính sách xử lý phù hợp. Nói chung còn quá sớm để lạc quan, nhưng không quá bi quan bởi TP.HCM đang có các kịch bản ứng phó với các tình huống dịch phát sinh sắp tới".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho rằng từ việc đúc kết lại kinh nghiệm từ các đợt dịch trước đó, TP.HCM phải chuẩn bị kế hoạch cho một đợt dịch mới với biến chủng mới kháng vắc xin.
"Đợt dịch vừa qua là bài học rất đắt giá, thành phố đã trải nghiệm hiểu rất rõ bài học này. Với tình hình hiện tại và sắp tới, bài học này sẽ là kinh nghiệm xương máu để thành phố có các chiến lược chống dịch hiệu quả, không lặp lại các thất bại xuất phát từ nguyên nhân chủ quan vừa qua" - ông Thức nói.
Và việc ngành y tế triển khai hàng loạt biện pháp như kích hoạt các trạm y tế lưu động và các đội phản ứng nhanh, theo ông, là việc làm cần thiết lúc này để "đánh chặn từ xa".
Ngoài ra, ông đánh giá số ca mắc tăng trở lại là điều rất bình thường, bởi khi mở cửa thì chắc chắn số ca F0 sẽ tăng và đều đã nằm trong dự liệu của ngành y tế và lãnh đạo TP.HCM.
Tuy nhiên, số ca chuyển nặng và tử vong không nhiều, đa số tồn dư từ các bệnh nhân cũ, hồi sức dài ngày hoặc tập trung vào các bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, cao tuổi và chưa tiêm vắc xin.
"Do đó, theo tôi, không nên quá lo lắng mà hãy tuân thủ áp dụng nghị quyết 128 của Chính phủ trong việc vừa chống dịch vừa mở cửa phát triển kinh tế, xã hội" - ông Thức nói.
Nhân rộng khu cách ly tại Khu công nghệ cao
Chiều 10-11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đến khu cách ly tập trung tại Khu công nghệ cao TP.HCM thăm 60 người lao động đang điều trị COVID-19 tại đây.
Sau khi thăm khu này, ông đã đến làm việc với đại diện 2 doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao TP là Công ty FPT và Nhà máy Samsung Electronics Ho Chi Minh Complex (SEHC).
Ông Nên cho rằng việc phòng chống dịch ở Khu công nghệ cao TP.HCM có 4 "điểm sáng". Trong đó, Khu công nghệ cao TP.HCM đã quan tâm đến các nhà đầu tư chăm lo sức khỏe người lao động, đặt mục tiêu ưu tiên về sức khỏe công nhân.
Ngoài ra, ban quản lý và các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu trong phòng chống dịch…
Đặc biệt, ông Nên đánh giá cao mô hình thành lập khu cách ly, điều trị những người lao động nhiễm COVID-19 nhẹ ngay tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ông nhấn mạnh khu cách ly này là "điểm sáng" cần nhân rộng.
Về những vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới, ông Nên cho rằng quy trình xử lý F0 phải hạn chế tối đa tránh ảnh hưởng đến sản xuất, đặc biệt trong giai đoạn bình thường mới.
Bên cạnh đó, ông lưu ý phải tiêm ngay cho những lao động chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và cần tính toán các chiến lược về an sinh và xã hội, nhà lưu trú cho công nhân…
NGỌC HIỂN
Người dân không nên "tung tăng quá mức"
Khẳng định với tình hình hiện nay "lực lượng tuyến đầu còn mệt", ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu khuyến cáo người dân không nên "tung tăng quá", ỷ lại đã tiêm vắc xin rồi thì không đeo khẩu trang, điều này rất đáng sợ bởi dịch có thể lại bùng phát.
"Trong nhiều cuộc họp báo, tôi đã cảnh báo chuyện này. Thực sự dịch bệnh có giảm nhưng nguy cơ vẫn còn đó, do đó mọi người dân cần tuyệt đối tuân thủ phòng dịch" - ôngChâu nói.
Đà Nẵng: chú ý chống dịch khu công nghiệp
Lấy mẫu xét nghiệm đại diện hộ gia đình ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Đà Nẵng yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp.
Ông Lê Trung Chinh, chủ tịch uBND TP Đà Nẵng, nhìn nhận các khu công nghiệp, cảng cá, chợ là những khu vực nhiều nguy cơ.
Ông Chinh yêu cầu Ban quản lý Khu công nghiệp và công nghệ cao TP cần tăng cường công tác phòng chống dịch tại các doanh nghiệp.
“Tôi đã yêu cầu tránh tuyệt đối tâm lý chủ quan, coi thường các khuyến cáo chống dịch. Không được có tư tưởng tiêm đủ 2 mũi vắc xin, ổn ổn rồi mà coi thường công tác phòng dịch. Những lúc này trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải thường xuyên chấn chỉnh, nhắc nhở để nhiệm vụ chống dịch không chùng xuống” - ông Chinh nói.
TRƯỜNG TRUNG
Cần Thơ: thay đổi chiến lược xét nghiệm, điều trị
Cần Thơ đang có những thay đổi trong chiến lược xét nghiệm, tập trung đẩy nhanh xét nghiệm trọng điểm tại các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao nhằm nhanh chóng tìm đưa F0 đi điều trị, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Tại các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất..., Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hướng dẫn nhân viên đơn vị tự lấy mẫu xét nghiệm; theo hướng dẫn, việc lấy mẫu cũng tập trung vào nhóm tiếp xúc nhiều, nguy cơ cao của đơn vị theo định kỳ.
Theo ông Phạm Phú Trường giang - phó giám đốc phụ trách Sở y tế Cần Thơ, giải pháp quan trọng lúc này là nâng cấp, củng cố hệ thống điều trị hiệu quả, đặc biệt đẩy mạnh hoạt động của các trạm y tế lưu động.
Hiện UBND TP Cần Thơ đã giao Sở y tế phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng quy trình về phát hiện và xử lý khi có F0 tại cộng đồng, doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, cơ sở dịch vụ, chợ, bệnh viện, trường học, cơ quan, đơn vị... với các quy trình cụ thể, dễ thực hiện.
Quy trình này sẽ thống nhất để áp dụng trên địa bàn thành phố, hướng đến việc xử lý nhanh gọn để hạn chế lây lan.
Bên cạnh đó, Sở y tế đang phối hợp với UBND quận, huyện rà soát thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.
Theo quyết định thành lập, Cần Thơ có 83 trạm y tế lưu động; tại các địa bàn dịch bùng phát diễn biến phức tạp, địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng để kích hoạt ngay trạm y tế lưu động.
THÁI LŨY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận