Phóng to |
Gốc huỳnh đàn đỏ trên 20cm của một người dân được hỏi mua với giá hơn 10 triệu đồng - Ảnh: Phúc Long |
Bà Hồ Thị Huyền (thôn 6, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng) cho hay gia đình bà vừa nhận 100 cây giống huỳnh đàn đỏ về trồng ở vườn. Theo bà Huyền, ở xã Trà Thủy hiện phần lớn đồng bào Kor đều trồng cây huỳnh đàn đỏ. Hộ trồng ít thì trên dưới 500m², còn nhiều thì 3.000-4.000m². Dẫn chúng tôi ra rẫy trồng huỳnh đàn đỏ, ông Hồ Văn Trường (thôn 6) chỉ hàng loạt cây huỳnh đàn trồng đã 3-4 tháng, cao khoảng 30cm hồ hởi nói: “Cây huỳnh đàn đỏ vốn có giá cao, hơn nữa huỳnh đàn đỏ lớn lên cho gỗ rất chắc và phủ xanh rừng, giữ nước rất tốt. Bà con đề nghị huyện cấp giống cây này trồng đại trà bắt đầu từ mùa mưa năm nay”.
Ông Võ Sỹ Phi, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng, cho hay đồng bào Kor ở 6/10 xã, thị trấn của huyện được huyện cấp giống cây huỳnh đàn đỏ về trồng. Bà con trồng huỳnh đàn ở mọi nơi: từ ngõ, xung quanh vườn, rẫy và trên các đồi núi. “Số huỳnh đàn đỏ được trồng ở thôn 6, xã Trà Thủy khoảng trên dưới hai tháng, có cây đã ba năm tuổi. Cứ ra ngõ là gặp huỳnh đàn” - ông Phi nói.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng Phùng Tấn Nhỏ cho biết đến nay huyện có 1.350 hộ dân được cấp gần 119.000 cây giống huỳnh đàn đỏ. “Do thời gian dài 15-20 năm mới thu lợi nên huyện chỉ cấp từ vài chục đến 150 cây/hộ. Song theo nhu cầu, sắp tới đồng bào Kor toàn huyện sẽ được cấp cây giống” - ông Nhỏ cho biết. Theo ông Nhỏ, huỳnh đàn đỏ từ 5-7 năm có đường kính 15cm, hiện có thể bán được 4-5 triệu đồng/cây. Còn nếu 15-20 năm, huỳnh đàn đỏ giá sẽ rất cao để làm gỗ dân dụng, vì gỗ cây này rất tốt và đẹp.
Ông Nguyễn Văn Hân, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, cho biết trước huyện Trà Bồng, người dân các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà đã ươm và ồ ạt trồng cây huỳnh đàn đỏ. Như ở các xã Ba Vì, Ba Ngạc của Ba Tơ, người H’Rê đã trồng cây này 10 năm nay, hiện có đường kính trên 20cm. Ông Hân nói với huỳnh đàn đỏ, nếu trồng trên vùng đất cằn cỗi bao nhiêu thì cây có vân đẹp và gỗ tốt bấy nhiêu, vừa có giá cao, rất hợp dùng làm đồ mỹ nghệ. “Nên khuyến khích người dân ươm giống, trồng cây huỳnh đàn đỏ. Bởi đây là cây bản địa giữ rừng rất tốt, có giá trị kinh tế, cải thiện đời sống cho đồng bào” - ông Hân nói.
Cần đăng ký cây trồng Huỳnh đàn đỏ nhóm IA, được xếp vào loại cực kỳ quý hiếm, cấm khai thác và sử dụng với mục đích thương mại. Do đó, người dân miền núi Quảng Ngãi trồng nhiều nhưng nếu không làm bài bản sẽ gặp khó khăn khi vận chuyển, mua bán cây sau này. Ông Nguyễn Văn Hân cho rằng để thuận lợi, bà con khi trồng huỳnh đàn đỏ phải đăng ký với xã về diện tích, số lượng, vị trí. Sau đó kiểm lâm địa bàn sẽ được thông báo và xác nhận, ghi vào sổ theo dõi. Khi bán, người trồng báo cho chính quyền xã để xác định sản lượng, vị trí, kiểm lâm kiểm tra lại và cho bán, vận chuyển, thủ tục mua bán huỳnh đàn không phải lo gì cả. Về thị trường tiêu thụ, ông Đỗ Tấn Sĩ - trưởng trạm khuyến nông Trà Bồng - cho biết hiện nay tư thương ở các vùng Nghệ An, Hà Nội đã tìm đến huyện Trà Bồng để mua cây huỳnh đàn. “Sau này, nếu thị trường không còn chuộng cây huỳnh đàn đỏ nữa thì người dân có thể bán nó như giống gỗ nhóm I khác. Bởi gỗ cây này rất cứng và đẹp, không thua bất kỳ gỗ rừng nào” - ông Sĩ nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận