Các ca sĩ đồng ca bài Nối vòng tay lớn trong đêm nhạc Nối vòng tay lớn tưởng niệm 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại công viên Hồ Bán Nguyệt, Q.7, TP.HCM tối 22-4-2016 - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Theo Nghị định 79/2012 và Nghị định 15/2016, khi phổ biến bài hát sáng tác trước năm 1975, các đơn vị tổ chức, cá nhân nào muốn biểu diễn các tác phẩm này thì phải làm hồ sơ.
Tuy nhiên, ông Vương Duy Biên - thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cho rằng những bài hát nào không cấm thì nhân dân được quyền hát và cơ quan quản lý phải tạo điều kiện.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) lại khẳng định muốn phổ biến bài hát nào thì phải có người đứng ra đề nghị cấp phép, không ai đề nghị thì Cục không có cơ sở cấp phép được.
Mới đây, trong cuộc họp báo chiều 12-4, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền khẳng định theo Luật sở hữu trí tuệ, trường hợp các ca khúc có vi phạm bản quyền thì cơ quan có trách nhiệm giải quyết vụ việc sẽ bao gồm: thanh tra, các cơ quan như công an hoặc tòa án chứ việc này không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Trường hợp ĐH Y Dược Huế phải vất vả để xin phép được hát “Nối vòng tay lớn” trong một đêm nhạc làm nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Sẽ còn bao nhiêu người, bao nhiêu đơn vị nữa phải vất vả như ĐH Y Dược Huế khi muốn thể hiện một bài hát không có trong danh mục các bài hát trước 1975 được phép phổ biến?
Đi ngược lại nguyện vọng của công chúng
Trao đổi với TTO, nhạc sĩ Thế Hiển (Hội Âm nhạc TP.HCM, Hội Nhạc sĩ VN) cho rằng việc “xin-cho” phổ biến các bài hát sáng tác trước năm 1975 là bất cập, cứng nhắc và đi ngược lại nguyện vọng của công chúng yêu nhạc.
Ông Hiển giải thích, với những trường hợp bài hát đã tồn tại trong nhân dân nhưng chưa được cấp phép phổ biến như “Nối vòng tay lớn” thì việc làm thủ tục “xin-cho” sẽ khiến ban tổ chức các chương trình nghệ thuật mất thời gian, công sức, tiền bạc để làm hồ sơ gửi Cục Nghệ thuật Biểu diễn xem xét. Đồng thời, khán giả cũng mất thời gian chờ đợi thậm chí là mất cơ hội được thưởng thức tác phẩm âm nhạc mà mình yêu mến.
Theo nhạc sĩ Thế Hiển, với những bài hát ca ngợi vẻ đẹp, tình yêu quê hương đất nước, ca từ mang thông điệp tốt đẹp đã đi vào lòng người thì công chúng sẽ không quan tâm chuyện bài hát đó được cấp phép phổ biến hay chưa ví dụ như “Nối vòng tay lớn” bấy lâu nay vẫn tồn tại và được sử dụng phổ biến từ các buổi sinh hoạt tập thể đến những chương trình quy mô.
Do đó, thay vì mỗi bài hát phải được làm hồ sơ cấp phép thì Cục chỉ cần công bố rõ ràng danh sách những bài hát bị cấm vì đi ngược lại với tinh thần dân tộc là được.
Nhiều người bất ngờ khi bài hát nổi tiếng Nối vòng tay lớn chưa được đưa vào danh mục các bài hát được phép phổ biến - Ảnh: Tư liệu |
Nhạc sĩ Thế Hiển cho rằng để tháo gỡ những bất cập trong việc phổ biến các bài hát thì nên có một hội đồng xét duyệt nhằm công bố danh sách những ca khúc bị cấm. Còn những bài hát khác ca ngợi quê hương đất nước con người thì được phổ biến tới công chúng.
“Hội đồng này phải quy tụ được nhiều thế hệ nhạc sĩ trong Nam, ngoài Bắc. Vì chỉ Cục Nghệ thuật biểu diễn thì không thể hiểu hết được hoàn cảnh, mục đích sáng tác của các ca khúc và do đó có thể sẽ dè dặt khi đưa ra quyết định. Về lâu dài, khi mỗi bài hát đăng ký bản quyền cũng đồng thời sẽ được thẩm định”, nhạc sĩ Thế Hiển chia sẻ.
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> Nhạc sĩ Thế Hiển
>> Nối vòng tay lớn do các ca sĩ Mỹ Tâm, Văn Mai Hương, Sơn Tùng M-TP... trình bày:
>> Và Nối vòng tay lớn được Tốp ca múa Đoàn văn công Quân khu 7 trình bày
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận