Ánh Tuyết, Đan Trường, Lệ Quyên, Vi Thảo là những ca sĩ từng gặp rắc rối khi “đụng” đến các ca khúc Tình bơ vơ, Hoa trinh nữ, Tàu đêm năm cũ trong các album CD của mình (từ trái qua, từ trên xuống) - Ảnh: Gia Tiến, K-Media |
Trong đó có ca khúc Hoa trinh nữ (Trần Thiện Thanh) mà ca sĩ Lệ Quyên đã xin đưa vào album gần đây nhất của cô - Khúc tình xưa 3 nhưng Sở VHTT TP.HCM không đồng ý, đề nghị thay thế bằng ca khúc khác.
Đến sáng 15-4, trong danh mục các bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến trên trang điện tử của Cục NTBD, bài Hoa trinh nữ vẫn được phép phổ biến.
Vậy lý do gì Lệ Quyên và nhiều ca sĩ khác không xin được phép đưa ca khúc này vô album của mình?
Hoa trinh nữ là một trong số 10 ca khúc bị Sở VHTT TP.HCM đưa vào “Danh sách các ca khúc đề nghị xem xét lại” gửi Cục NTBD nhưng “may mắn” thoát lệnh cấm.
Những “án treo” từ Sở VHTT TP.HCM
Trong “Danh sách các ca khúc đề nghị xem xét lại” gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) do ông Võ Trọng Nam - phó giám đốc Sở VHTT TP.HCM - ký ngày 8-12-2016, sở đề nghị “xem xét” đến 10 ca khúc.
Ngoài năm ca khúc đã nhận được sự đồng thuận “tạm thời dừng lưu hành” của cục thì còn năm ca khúc khác đang chịu “án treo” đợt này là: Cánh buồm chuyển bến (Lê Dinh - Hoài Linh), Câu chuyện đầu năm (Hoài An), Hạnh phúc đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Gạo trắng trăng thanh (Hoàng Thi Thơ), Hoa trinh nữ (Trần Thiện Thanh).
Gọi là “án treo” vì theo MC Minh Đức - cũng là một biên tập viên âm nhạc cho rất nhiều chương trình băng đĩa và truyền hình: “Những bài này dù đã được cục cấp phép, vẫn cho lưu hành nhưng khi sở có kiến nghị thu hồi thì sẽ bị... treo lơ lửng ở đó.
Các ca sĩ hay biên tập âm nhạc dù thấy hay, rất thích cũng không dám xin phép đưa vào chương trình. Như vậy dù không chính thức cấm nhưng cũng coi như đã bị ngầm cấm”.
Trong năm ca khúc đang chịu “án treo” này, bài Cánh buồm chuyển bến tuy cục chưa công bố dừng lưu hành nhưng đã được “bí mật” xóa khỏi danh mục các bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến.
Một biên tập viên âm nhạc kỳ cựu cho hay trước đó, Cánh buồm chuyển bến vẫn có trong danh sách được phổ biến nhưng được lưu ý là có kiến nghị thu hồi nên dù rất muốn đưa vào một vài chương trình nhưng hầu hết các biên tập đều ngại và “né”.
Các ca khúc còn lại hiện vẫn còn trong danh sách được cấp phép. Trong đó, ca khúc Câu chuyện đầu năm đã được Sở VHTT TP.HCM cấp phép cho phát hành băng đĩa ít nhất 10 lần trong chương trình của các hãng Vafaco, Phương Nam, Rạng Đông, Bến Thành, Lạc Hồng, Trùng Dương, Tuấn Trinh, Sài Gòn Nights... (theo nguồn của Hiệp hội Ghi âm Việt Nam).
Hạnh phúc đầu xuân cũng được cấp phép cho phát hành trong chương trình của Vafaco và Bến Thành. Hoa trinh nữ từng được Rạng Đông phát hành qua tiếng hát của Minh Vương - Lệ Thủy.
“Phần lớn các ca khúc này đều từng được Sở VHTT TP.HCM cấp phép, phát hành album vài lần từ những năm trước. Chúng tôi không hiểu vì lý do gì nay sở lại yêu cầu xem xét” - bà Trương Thị Thu Dung, giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông, cám cảnh.
Rốt ráo cho ca khúc xưa “danh phận”
Chuyện đã cấp phép rồi rút phép với những lý do không rõ ràng, thuyết phục khiến nghệ sĩ và các nhà sản xuất “chới với”, chịu không ít thiệt hại đã vài lần xảy ra.
Tháng 6-2012, ca sĩ Vi Thảo vừa phát hành album Tàu đêm năm cũ sau 10 ngày thì toàn bộ album bị thu hồi bởi ca khúc Tàu đêm năm cũ (Trúc Phương) cục đã cấp phép nhưng rồi rút phép mà không có một nhà chức trách nào cho biết lý do.
Ca khúc Tình bơ vơ (Lam Phương) được cấp phép vào tháng 4-2008 nhưng chỉ sau một tháng, tháng 5-2008, sau khi đĩa phát hành thì bị thu hồi.
Không chỉ Bến Thành Audio - Video bị thiệt hại về lệnh thu hồi này mà cả ca sĩ Ánh Tuyết, khi đó đã xin phép sử dụng ca khúc Tình bơ vơ vào album Duyên kiếp cũng phải gỡ bài, in lại toàn bộ bìa đĩa đã có tên ca khúc “bị thu hồi” trong danh mục CD.
Ông Huỳnh Tiết - nguyên giám đốc Bến Thành Audio - Video, đơn vị được nhạc sĩ Lam Phương ủy quyền khai thác toàn bộ tác phẩm của ông tại Việt Nam - cho hay ca khúc này bị rút phép vì cụm từ “trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi”...
Cũng theo ông Huỳnh Tiết, trong số 109 bài có phép của Lam Phương thì có đến 100 bài do chính ông làm hồ sơ, thủ tục, đứng tên xin phép được phổ biến (trong đó có bài Rừng xưa và Chuyện buồn ngày xuân là hai trong số năm bài “tạm dừng lưu hành” đợt vừa qua).
“Tất cả những bản nhạc đều có xác nhận của nhạc sĩ Lam Phương là văn bản gốc và cũng được cục đóng dấu là nguyên văn bản gốc nên không có chuyện các ca khúc này khi được phổ biến qua những hình thức chính thống mà bị thay lời, đổi lời, phải xem xét lại.
Tôi rất cảm kích khi hay tin đã thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành năm ca khúc, trong đó có hai ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương. Tôi vẫn hi vọng Tình bơ vơ, một ca khúc rất hay của Lam Phương, được phổ biến trở lại bởi chẳng lẽ ở Việt Nam, mùa thu thì không được buồn?
Và tôi cũng mong lãnh đạo các cơ quan chức năng hãy cởi mở hơn, giải quyết vấn đề rốt ráo hơn để hàng chục ngàn ca khúc nhạc xưa có giá trị khác được có “danh phận”” - ông Huỳnh Tiết nói thêm.
Nhanh chóng cập nhật ca khúc được cấp phép từ các sở VHTT Cơ sở dữ liệu của Sở VHTT TP.HCM về ca khúc được cấp phép đã hơn 20.000 ca khúc, chưa kể danh sách ca khúc được cấp phép từ các sở VHTT ở các địa phương khác. Sau khi nghị định 79 có hiệu lực, Cục NTBD cũng từng có văn bản (số 94/NTBD-PQL) gửi các sở địa phương về việc sưu tầm, lên danh sách các bài hát của tác giả là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các bài hát sáng tác trước năm 1975 để cục cập nhật. Nhưng đến nay không hiểu lý do gì trong danh mục các bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến trên trang điện tử của Cục NTBD cũng chỉ có 2.586 ca khúc. Sau những sự việc không hay vừa rồi, nếu chưa thể đưa ngay ra danh sách những ca khúc cấm, trước mắt cục nên cập nhật danh sách các ca khúc đã được cấp phép từ các sở văn hóa địa phương vào danh mục các bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến trên trang điện tử của mình để những ai có nhu cầu hát, sử dụng không còn lấn cấn nữa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận