Các cô gái thanh niên xung phong trên đường - Ảnh tư liệu
Sở dĩ ca khúc viết về đề tài Trường Sơn có sức sống trường tồn bởi nói lên được tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình của người Việt. Tuy nhiên điểm nổi bật là tính nhân văn được thể hiện trong những ca khúc viết trong lòng cuộc chiến
TS Đỗ Quốc Hưng (trưởng khoa thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam)
Tinh thần yêu nước, lý tưởng trái tim trên thực tế hiện hữu trong mỗi ca khúc viết về Trường Sơn một cách gần gũi. "Trường Sơn ơi! Trên đường ta qua không một dấu chân người, có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác. Dừng ở chân đèo mà nghe suối hát…".
Nghe những lời ca trong ca khúc Bài ca Trường Sơn của nhạc sĩ Trần Chung, mấy ai nghĩ nó được chiến sĩ - nhà thơ Gia Dũng sáng tác năm 1968 ngay trong những ngày hành quân trên đường Trường Sơn.
Bài ca Trường Sơn - Đăng Dương
Và chính những hình ảnh đẹp ấy đã tiếp thêm tinh thần cho người chiến sĩ để rồi: "Đi ta đi những trai làng Phù Đổng, còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân".
Một trong những hình ảnh đẹp của Trường Sơn là những nữ thanh niên xung phong. Năm 1966, nhạc sĩ Xuân Giao đi công tác tại Thanh Hóa ở vùng tiếp giáp với Nghệ An bắt gặp hình ảnh tiểu đoàn nữ thanh niên xung phong với những cô gái tuổi đời còn rất trẻ quê Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Cảm nhận sự trẻ trung, yêu đời, ngay buổi tối cùng ngày khi trở về căn hầm trú ẩn, ông đã sáng tác ca khúc Cô gái mở đường.
Hình ảnh cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm âm nhạc, một trong những ca khúc nổi bật khác nữa là Đường Trường Sơn xe anh qua được nhạc sĩ Văn Dung sáng tác ngay khi hành quân trên đường Trường Sơn.
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN XE ANH QUA
Nhắc tới ca khúc viết về Trường Sơn không thể không kể tới Đường tôi đi dài theo đất nước và Bước chân trên dải Trường Sơn của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối.
Năm 1966, hình ảnh những cô gái giao liên trẻ trung, yêu đời và những đoàn quân nối tiếp những đoàn quân hừng hực khí thế đã tạo nguồn cảm hứng để Vũ Trọng Hối sáng tác nên hai ca khúc này.
Hình ảnh Trường Sơn đẹp, đậm chất thơ còn hiện hữu trong Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Phạm Tiến Duật), Bài ca bên cánh võng (Nguyên Nhung).
Hình ảnh lãnh tụ cũng hiện hữu trong nhiều ca khúc nâng bước người chiến sĩ Trường Sơn như Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục), Đêm Trường Sơn nhớ Bác (Trần Chung)…
Bước Chân Trên Dãy Trường Sơn - Tốp Ca Nam
Trong khi nhiều ca khúc được viết ngay trên đường hành quân thì cũng có những ca khúc viết ở hậu phương được phổ biến rộng rãi. Đó là trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên với ca khúc Chiếc gậy Trường Sơn, ông viết nhân chuyến đi công tác về Ứng Hòa (Hà Tây cũ) tháng 7-1967 và được biết đến phong trào đặc biệt cùng tên ca khúc…
Chia sẻ trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Vũ Trọng Hối nói về Bước chân trên dải Trường Sơn: "Về tính tư tưởng mà nói, nó đạt được mặt thiết tha, tươi sáng. Bản thân mình cũng không muốn nó ồn ào làm chi. Cái vĩ đại không phải ở đâu ra mà ở chỗ giản dị, chịu đựng, lạc quan".
Vâng, sự giản dị, chịu đựng, lạc quan nhen nhóm từ "ánh lửa" nồng cháy với quê hương, đất nước, với thời đại chính là yếu tố để những ca khúc về Trường Sơn ra đời, sớm lan tỏa và sẽ còn tiếp tục "cháy" trong trái tim mọi người.
Lạc quan, sức trẻ, niềm tin và tiếng hát
Tinh thần lạc quan, sức trẻ, niềm tin và tiếng hát là hành trang không thể thiếu với người chiến sĩ Trường Sơn. Huy Du - vị nhạc sĩ, chiến sĩ có mặt trên mặt trận Đường 9 - viết: "Này Trường Sơn ơi! Ta đi trong gió, ta đi trong mưa, từng ngày từng tháng là từng bài ca. Tiếng hát cùng ta vượt qua gian khổ...". (Trên đỉnh Trường Sơn ta hát).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận