Nhà tổ chức phải dời khán phòng hiện tại vốn chỉ dành cho 30 người sang hội trường. Con số 90 nghe quả ít ỏi khi so sánh với những chương trình giải trí khác, nhưng lại là một thành quả đáng ghi nhận với một điểm diễn chỉ mới tồn tại hơn ba tháng, mức độ quảng bá chỉ là “truyền miệng” và qua Facebook.
Ra đời ngày 20-8, diễn ra các tối thứ ba, thứ sáu hằng tuần (từ 19g30-20g45), câu lạc bộ non trẻ về tuổi đời này kỳ thực lại là một điểm hội tụ của nhiều nghệ sĩ giàu tuổi nghề và tâm huyết với ca Huế như các nghệ sĩ: Thái Hùng, Thu Hằng, Khánh Vân, Quỳnh Hoa, Lệ Hoa, Kim Vàng... Thỉnh thoảng còn có sự góp mặt của những nghệ nhân như Minh Mẫn, Thanh Hương, Thanh Tâm. Và đáng mừng hơn cả là sự tham gia đều đặn của các gương mặt trẻ tài năng như Mai Sao, Ý Nhi, Ý Linh, Thiên Phúc...
Một khán giả là thầy giáo đang dạy tại Huế chia sẻ sau đêm diễn 29-11: “Tối nay nghe ca Huế thính phòng mà xúc động. Lần đầu được nghe những làn điệu như Quả Phụ, Nam Ai, Nam Xuân..., được chứng kiến hình ảnh ba thế hệ trình diễn trên cùng sân khấu”.
Điều đáng nói là đến đây không chỉ nghe ca Huế, khán giả còn được xem những hình ảnh, tư liệu quý về bộ môn nghệ thuật này được trưng bày tại bảo tàng.
Nhà thơ Võ Quê - chủ nhiệm câu lạc bộ - cho biết: Một đêm thính phòng diễn ra trong 70 phút nên khách tri âm có cơ hội thưởng thức những bài bản lớn như Nam Ai, Nam Bình, Nam Xuân, Quả Phụ... Ngoài ra, chỉ một vài nghệ sĩ, chủ yếu là nghệ sĩ lớn tuổi, mới đủ kinh nghiệm, trình độ để thể hiện những bài bản lớn này. Sân khấu thính phòng chính là đất diễn phù hợp để lớp nghệ sĩ cao tuổi tiếp tục sống với nghề, quan trọng hơn là truyền lại kinh nghiệm cho lớp sau. Thế nên, nói như nhà thơ Võ Quê, sân khấu thính phòng phải làm được hai điều: trước tiên là nơi để các nghệ sĩ có tuổi được tiếp tục cống hiến, truyền nghề, các nghệ sĩ trẻ trau dồi nghề nghiệp, từ đó yên tâm tin rằng những làn điệu ca Huế không bị thất truyền, mai một; sau nữa, người dân địa phương và khách du lịch có thêm một địa chỉ văn hóa giá trị.
Tuy nhiên, sân khấu này cũng cần tính đến những giải pháp kinh tế căn cơ. Nếu hoạt động với tiêu chí không bán vé như hiện nay, người nghe có thể “thướng” (thưởng cho những tiết mục mình yêu thích)... thì kinh phí chắc chắn không ổn định. Liệu chính quyền địa phương có thể xem đây là một hoạt động bảo tồn, quảng bá nghệ thuật để hỗ trợ? Hay tính đến chuyện bán vé, liên kết với các đơn vị du lịch để có thêm nguồn khách? Bởi thử tưởng tượng xem, khi thời tiết Huế khó chịu với mưa to, gió lạnh (như đêm 29-11 vừa qua), lúc chúng ta còn miễn cưỡng ra đường thì những nghệ sĩ ấy phải đội mưa đội gió đến với điểm diễn. Liệu tình yêu nghề của họ có mãi đủ sức cạnh tranh với cuộc sống bộn bề cơm áo gạo tiền hiện nay?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận