05/06/2013 09:20 GMT+7

Cả Hà Nội chỉ có 50 bộ quần áo chữa cháy

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TT - Đó là phân trần của thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi - giám đốc Sở Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn Hà Nội - tại buổi thông tin với báo chí chiều 4-6 về vụ cháy kinh hoàng tại cây xăng 2B Trần Hưng Đạo xảy ra một ngày trước đó.

jQcZUiRZ.jpgPhóng to
Xăng bất ngờ lan xuống mặt đất đầy bọt và bén lên chân chiến sĩ PCCC trong vụ cháy ngày 3-6 tại Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH.
41anQ6tz.jpgPhóng to
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi - Ảnh: Lâm Hoài

* Đã xác định được nguyên nhân vụ cháy tại 2B Trần Hưng Đạo chưa, thưa ông?

- Nguyên nhân chính thức chưa kết luận được. Tuy nhiên qua trực tiếp tìm hiểu nhân viên trạm xăng và nhân viên quán cơm - hai nhân chứng vụ cháy, có thể xác định nguyên nhân ban đầu là do tắc trách của nhân viên bơm xăng dầu từ xe bồn xuống bể chứa.

Khi nhân viên bơm đã chủ quan không túc trực, xăng bị rò rỉ rồi chảy theo đường rãnh qua cửa hàng sửa xe tới quán cơm. Khi tới quán cơm gặp bếp than tổ ong, xăng bắt lửa rồi phát cháy theo hướng ngược lại gây cháy xe bồn và lan ra cả khu vực bể chứa của cây xăng.

* Có nhiều chiến sĩ cảnh sát PCCC đã bị thương khi tham gia dập lửa, thực tế cho thấy nhiều chiến sĩ không được trang bị trang phục bảo hộ?

- Việc này tôi thừa nhận là đúng. Vừa rồi tôi có dịp tham quan mô hình PCCC tại Nhật Bản, Mỹ, Singapore... thấy mình lạc hậu và kém hơn họ nhiều. Nói thật là vừa rồi lực lượng PCCC Hà Nội cũng xin được một ít xe chữa cháy... thải loại của Nhật Bản về để dùng và còn rất tốt.

Về quần áo chữa cháy, xin tiết lộ là cả kho của lực lượng PCCC Hà Nội chỉ có tổng cộng 50 bộ, chia cho 15 phòng trên toàn TP, thiếu thốn vô cùng. Vụ cháy tòa tháp đôi của Tập đoàn Điện lực VN đợt trước, chúng tôi phải vét sạch kho trang thiết bị, thậm chí phải “cầu cứu” Bộ tư lệnh thủ đô chi viện.

Giá thành bộ quần áo chữa cháy quá đắt, một bộ quần áo chuyên dụng có giá tới 300 triệu đồng. Tất cả phương tiện khác như xe thang, thiết bị dò tìm, ủng bảo hộ... mình cũng phải nhập khẩu toàn bộ với chi phí rất đắt. Một lít bọt chữa cháy theo công nghệ 1/7 giá vài chục đôla, một xe thang trị giá hơn 30 tỉ đồng.

Ngân sách cấp cho Sở PCCC Hà Nội có hai nguồn, một là từ Bộ Công an, hai là từ TP Hà Nội. Bộ chủ yếu cấp về lương, chi phí sinh hoạt, còn mua sắm trang thiết bị không đáng bao nhiêu. Còn xin UBND TP thì cũng có mức độ. Thời gian qua sở cũng đã trang bị tới 50 tỉ đồng để mua ủng, mặt nạ, bình thở... nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ khi tác chiến.

Cũng cần nói thêm là chúng tôi rất khâm phục các chiến sĩ tham gia dập lửa, rất nhiều trong đó là chiến sĩ nghĩa vụ mới nhập ngũ, chỉ 18-20 tuổi nhưng tinh thần rất lăn xả, dũng cảm lao vào dập lửa.

* Có ý kiến băn khoăn việc huy động hơn 1.000 người tham gia chữa cháy nhưng phải mất gần sáu giờ mới dập tắt được đám cháy, phải chăng năng lực chữa cháy chưa cao hay công tác tổ chức chưa tốt?

- Nếu một vụ cháy bình thường như cháy nhà, kho thì việc chữa cháy sẽ dễ hơn nhiều lần. Còn ở đây một xe bồn chở tới 22.000 lít xăng, mọi việc không còn đơn giản. Ngoài việc dập lửa, chúng tôi còn phải tính toán nhiều vấn đề như không để đám cháy lan ra, không gây nổ hầm chứa xăng tại cây xăng. Thời gian kéo dài là do chiến thuật chữa cháy, kéo dài và làm mát.

* Vừa qua Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị có đề cập vấn đề mua trực thăng chữa cháy, ông có thể cho biết cụ thể hơn?

- Trong lộ trình của đề án phát triển lực lượng PCCC đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 có đề cập mua trực thăng phục vụ lực lượng PCCC, tuy nhiên thời điểm nào thì chưa chính xác được. Trực thăng cũng chủ yếu phục vụ cứu hộ, cứu nạn là chính, còn chữa cháy chỉ là loại trực thăng chuyên dụng tham gia chữa cháy rừng mà thôi. Đó là chưa kể chi phí đắt đỏ như thuê hoặc đào tạo phi công, kinh phí bảo dưỡng, bảo hiểm... là cả một vấn đề cần phải tính toán.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên