20/12/2021 11:37 GMT+7

Ca ghép gan thành công tự chủ đầu tiên tại khu vực phía Nam

THÙY DƯƠNG - THU HIẾN
THÙY DƯƠNG - THU HIẾN

TTO - Sáng 20-12, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết đã tự thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên cho một bệnh nhi 7 tuổi từ lá gan của cha ruột. Đây là lần đầu tiên các y bác sĩ phía Nam hoàn toàn chủ động, tự thực hiện ghép gan mà không cần hỗ trợ.

Ca ghép gan thành công tự chủ đầu tiên tại khu vực phía Nam - Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thông tin về ca ghép gan tự chủ đầu tiên tại phía Nam - Ảnh: THÙY DƯƠNG

Cụ thể, ca ghép gan thành công thứ 15 này được thực hiện cho bé gái H.G.H. (7 tuổi, Nhà Bè) bị teo đường mật bẩm sinh, suy gan giai đoạn cuối và có chỉ định ghép gan, được cha ruột cho gan để ghép.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết đây là ca ghép gan thực hiện trong hoàn cảnh đặc biệt, rất khó khăn so với các ca ghép tạng những năm trước vì bối cảnh dịch COVID-19. Ca ghép kéo dài trong khoảng 12 giờ, bắt đầu từ 9h sáng đến 9h tối ngày 1-12.

Bệnh viện Đại học Y dược đã phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 2 để lấy gan từ người cha ruột. Đây là ca ghép gan bệnh viện đã chủ động ghép mà không cần hỗ trợ từ các chuyên gia như 14 ca trước đây. Tổng chi phí cho ca ghép gan này khoảng 400-500 triệu đồng.

Sau 2 tuần ghép gan, bé đã đi lại bình thường, ngày thứ 3 đã có thể tự ăn. Hiện bệnh viện có khoảng 200 trẻ em đang cần được ghép gan.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thông tin thêm về trường hợp ghép gan - Video: THÙY DƯƠNG

Bác sĩ Thạch cho biết thêm, Bệnh viện Nhi đồng 2 là trung tâm ghép tạng duy nhất ở trẻ em khu vực phía Nam, ca ghép thận đầu tiên năm 2004, ca ghép gan đầu tiên vào năm 2005. Những năm qua, bệnh viện đã thực hiện 20 ca ghép thận, 15 ca ghép gan. 

Số ca ghép tạng còn ít là do khó khăn ở người cho tạng, nguồn tạng từ người cho còn sống và chung huyết thống hạn chế. Nguồn tạng từ người cho chết não nhiều, khả quan nhưng nhận tạng ở trẻ em có nhiều khó khăn về hòa hợp mô tạng, kỹ thuật... Việc ghép tạng cũng đòi hỏi nhiều kinh phí. 

Trong 2 năm qua, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến nhiều trẻ chờ ghép ra đi, khiến bệnh viện bức bối, bác sĩ căng thẳng.

"Chúng tôi tìm kiếm nhiều đối tác khác nhưng liên hệ khó khăn trong mùa dịch và đã quyết định hợp tác với Bệnh viện Đại học Y dược, thực hiện 3 ca ghép tạng, 2 ca thành công. Chúng tôi đã hoàn toàn tự chủ trong vấn đề ghép, Bệnh viện Đại học Y dược hỗ trợ vấn đề pháp lý, lấy gan ở người cho.

Trong tương lai, chúng tôi hướng tới lấy gan ở người lớn, lấy gan và tách gan ở người cho chết não. Bệnh viện đã gửi qua Bỉ một bác sĩ học chuyên về ghép gan, mong muốn chương trình ghép tạng sẽ trở nên thường quy, đội ngũ y bác sĩ đã làm chủ hoàn toàn kỹ thuật này", bác sĩ Thạch nói.

Trước đó, năm 2004, bé Nguyễn Thị Diệp ở Hải Hậu, Nam Định, khi ấy 9 tuổi và đang học lớp 3 đã trở thành người đầu tiên được ghép gan tại Việt Nam, trong một ca ghép lịch sử thực hiện tại Viện Bỏng quốc gia. Êkip y bác sĩ tham gia ca ghép đến từ Học viện Quân y, Bệnh viện 103, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai và các chuyên gia Nhật Bản... Người hiến gan cho Diệp là bố đẻ của em.

Tính từ ca ghép gan đầu tiên đó, sau 16 năm, đến nay đã có 244 ca ghép gan được thực hiện, các bệnh viện 103, 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy... đều đã ghép được gan và nhiều mô tạng khác.

Trên thế giới, đã có người ghép gan sống được trên 30 năm. Tại Việt Nam, Diệp là bệnh nhân được ghép gan đầu tiên và đến nay đã trải qua 16 năm sống với lá gan mới.


Lần đầu tiên Việt Nam ghép gan cứu sống bệnh nhi ung thư gan giai đoạn cuối Lần đầu tiên Việt Nam ghép gan cứu sống bệnh nhi ung thư gan giai đoạn cuối

TTO - Lần đầu tiên, một ca ghép gan cho bệnh nhi được thực hiện tại Việt Nam, cứu sống bé gái 18 tháng tuổi.

THÙY DƯƠNG - THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên