Ngày 10-6, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) phối hợp cùng Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM tổ chức chương trình "Nâng cao chất lượng mạng lưới cấp cứu đột quỵ ngoài bệnh viện năm 2023".
Tại chương trình, PGS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM - nêu số lượt bệnh nhân đột quy mỗi năm tại nước ta theo thống kê của Bộ Y tế là trên 200.000.
Tuy nhiên theo ông Thắng, đây không phải là con số thực tế cuối cùng vì riêng Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) đã cấp cứu, điều trị khoảng 20.000 bệnh nhân đột quỵ mỗi năm, trong khi cả nước có hơn 1.000 bệnh viện.
Còn trên thế giới, cứ 3 giây lại có một bệnh nhân đột quỵ mới. Đáng báo động, cứ 1 trong 4 người trưởng thành sẽ có nguy cơ mắc đột quỵ trong cuộc đời của mình - theo thống kê mới nhất của Hội Đột quỵ thế giới.
"Cách đây vài năm, tổ chức Hội Đột quỵ thế giới thống kê cứ 6 người thì có 1 người sẽ có nguy cơ đột quỵ trong suốt cuộc đời. Điều này cho thấy nguy cơ đột quỵ đang tịnh tiến theo hướng xấu hơn", ôngThắng nói.
Ông Thắng cho biết thêm khi đột quỵ xảy ra, bệnh nhân phải chạy đua với thời gian để cứu lấy từng tế bào não. Cứ mỗi phút trôi qua có gần 2 triệu tế bào não chết đi và không hồi phục.
Do đó vai trò cấp cứu trước viện ngày càng trở nên quan trọng và việc xây dựng quy trình cấp cứu trước viện tối ưu được xem là mục tiêu hiện đại, nhằm rút ngắn thời gian bệnh nhân đột quỵ đến được các cơ sở y tế gần nhất.
Bác sĩ CKII Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM - cho hay mạng lưới cấp cứu đột quỵ tại TP còn "non" và mỏng. Do đó, việc đầu tư cho cấp cứu ngoại viện là giải pháp khả thi và phù hợp, giúp bệnh nhân đến bệnh viện còn "trong thời gian vàng".
Thiếu tướng Trần Quốc Việt - giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - cho rằng cấp cứu ngoại viện còn yếu và thiếu trong hệ thống y tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
"Cấp cứu ngoại viện đã được đưa vào Luật Khám chữa bệnh vào đầu năm 2023 nhưng theo tôi, để làm tốt hơn thì cần sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Chính phủ về tổ chức biên chế, trang thiết bị, công tác đào tạo đột quỵ và chế độ đãi ngộ cho bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tham gia cấp cứu ngoại viện", ông Việt nêu ý kiến.
Thiếu tướng Trần Quốc Việt cho biết thêm được sự cho phép của Bộ Quốc phòng và Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Quân y 175 phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 trong cấp cứu đột quỵ ngoại viện trên địa bàn TP.
"Trong tương lai, Bệnh viện Quân y 175 cũng sẽ trở thành trung tâm cấp cứu ngoại viện của khu vực Đông Bắc TP.HCM với đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng. Đặc biệt bệnh viện là cơ sở y tế có sân bay trực thăng đầu tiên, có thể tiếp nhận được tất cả các bệnh nhân ở xa, sẵn sàng cho mọi tình huống và gánh vác công tác cấp cứu ngoại viện tại TP.HCM", ông Việt chia sẻ.
Đột quỵ ngày càng trẻ hóa
PGS Nguyễn Huy Thắng cảnh báo đột quỵ không còn là căn bệnh của người lớn tuổi. Theo thống kê, năm 2019 có 63% cơn đột quỵ xảy ra với những người trẻ.
Có đến 89% số ca tử vong và tàn tật liên quan đến đột quỵ xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình - thấp, trong đó có Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận