30/06/2016 08:21 GMT+7

Cả đơn vị cùng học ngoại ngữ

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Gần 19g, không khí yên ắng đã bao trùm tại tiểu đoàn 44, lữ đoàn thông tin 23 - Quân khu 7. Từ các khu nhà, mọi người vượt qua những khoảng sân tối, tay cầm bút, tập vở hướng về hội trường của đơn vị.

Các chiến sĩ ở lữ đoàn thông tin 23 trong giờ học tiếng Anh - Ảnh: MINH PHƯỢNG
Các chiến sĩ ở lữ đoàn thông tin 23 trong giờ học tiếng Anh - Ảnh: MINH PHƯỢNG

 

Với tác phong nhanh - gọn, tất cả cùng ổn định vị trí, sẵn sàng cho buổi học tiếng Anh. Học cho mình và để phục vụ công việc.

“Chú - cháu” cùng vào lớp

Người đứng lớp trong bộ quân phục là đại úy Vũ Xuân Lộc (29 tuổi, chính trị viên phó đại đội). Sự nghiêm nghị ban ngày đã nhường chỗ cho sự dí dỏm, gần gũi. Anh bắt đầu buổi học: “Khi muốn mua một ly cà phê, các bạn sẽ nói thế nào? Để tự tin gọi đồ uống khi đến quán cà phê, hôm nay chúng ta sẽ học chủ đề ở quán cà phê...”.

Học viên tuổi từ 18-50, không phân biệt chiến sĩ, sĩ quan hay lãnh đạo, tất cả cùng chăm chú nghe giảng. Trong công tác, mỗi người một nhiệm vụ và cấp bậc trên dưới rõ ràng, nhưng giờ đây “chú - cháu” như những người bạn, sôi nổi thảo luận, bắt cặp để luyện nói. Thi thoảng, những tiếng cười ồ lại vang lên trước những câu hỏi, ví dụ tình huống hóm hỉnh của “thầy giáo”.

“Đối với các bạn trẻ thì học dễ dàng hơn vì mọi người đã từng được học qua ở trường lớp. Riêng các anh, các chú, thế hệ các chú chỉ học tiếng Nga, tiếng Trung. Bây giờ, học tiếng Anh là một khởi đầu mới, rất vất vả nhưng các anh, các chú vẫn rất chịu khó” - anh Lộc cho biết.

Anh Lộc kể thêm ngoài anh ra còn có bốn người khác thay nhau đứng lớp. “Trong tiểu đoàn sẽ tự chọn ra những người biết và thành thạo giao tiếp tiếng Anh, lập thành tổ giáo viên. Tổ sẽ hội ý để soạn bài giảng và thay phiên nhau đứng lớp. Mỗi tuần lớp sẽ học một buổi. Các buổi còn lại, anh em chia tổ để tự học” - anh Lộc kể.

“Thầy giáo” ban ngày là những người rất bận rộn với công việc chuyên môn, nhưng vẫn dành thời gian soạn bài giảng, tìm hình ảnh, clip chiếu slide để anh em dễ học. Cùng đó, họ tự rèn cách phát âm, nói chuyện sao cho chuẩn nhất để chia sẻ lại với anh em.

Tự tin khi có ngoại ngữ

Trung sĩ Mai Tuấn Vũ (24 tuổi) kể: “Ngày xưa mình cũng được học tiếng Anh, có kiến thức nền nhưng lâu không sử dụng đến nên quên dần. Qua lớp học ở đơn vị mỗi tối, mình dần nhớ và nắm lại kiến thức. Trước đây mình ngại nói. Bây giờ nói sai cũng nói để được sửa. Riết thấy quen nên cũng tự tin hơn khi đứng trước tập thể”.

Theo Vũ, những tiết học tiếng Anh luôn khiến học viên sôi nổi vì bài giảng soạn theo chủ đề, người dạy đưa ra dẫn chứng sinh động. Vũ thích nhất ở phần học từ vựng, vì “học từ vựng về con voi là có hình con voi, học con gì có hình ảnh con nấy (hình chiếu trên slide), dễ nhớ lắm”.

Còn chiến sĩ Đoàn Văn Lý (21 tuổi) chia sẻ: “Ngoài những gì thầy dạy, buổi tối mình thường tự ôn lại từ vựng, tập đặt câu và thực hành nói với nhau. Nhờ đó, kỹ năng nghe, nói được cải thiện dần”.

Anh em trong đơn vị thuộc chuyên ngành thông tin, liên quan đến kỹ thuật, tiếp xúc với máy móc, khí tài nhiều. Biết tiếng Anh sẽ giúp anh em đọc được các thông số, tính năng kỹ thuật dễ dàng hơn trong sử dụng các loại máy móc. Do đó, trong các tiết học, từ vựng về chuyên ngành được chú ý lồng vào chương trình. Sau đó, anh em rất hào hứng đi tìm đọc những thông số, hướng dẫn bằng tiếng Anh dán trên máy móc trong đơn vị.

Theo anh Lộc, sau ba tháng, anh em thoát ra được sự ngại ngùng và mạnh dạn, tự tin hơn khi nói tiếng Anh, chủ động tìm hiểu và yêu thích tự học ngoại ngữ hơn. “Đặc biệt, đối với các anh, các chú lớn tuổi học tiếng Anh là hoàn toàn mới và khó, nhưng các chú cũng rất chịu khó” - anh Lộc chia sẻ.

Thượng tá Quách Anh Tuấn, phó chính ủy lữ đoàn thông tin 23 - Quân khu 7, cho biết: “Hiện tại, cả lữ đoàn có bốn lớp học tiếng Anh ở ba tiểu đoàn và cơ quan lữ đoàn bộ. Hằng tháng, sẽ có một buổi giao lưu giữa bốn lớp học, mọi người thi hát, thi đố vui, đọc thơ, chơi các trò chơi... bằng tiếng Anh”.

Đặc biệt, ngoài giáo viên đứng lớp là anh em trong đơn vị, thứ sáu hằng tuần các lớp học sẽ có giáo viên bên ngoài về dạy để chỉnh sửa, góp ý cho anh em. Điều thú vị là các cô giáo này đều là vợ của cán bộ, sĩ quan trong đơn vị.

Xuất phát từ đơn vị kỹ thuật, muốn khai thác được hết các tính năng, công dụng của khí tài thì phải hiểu được tiếng Anh. Một khi đã thành thạo, ngoại ngữ sẽ phục vụ rất nhiều cho công việc. Do đó, ban chỉ huy lữ đoàn cùng lên ý tưởng thành lập câu lạc bộ tiếng Anh.

Sau ba tháng tạo nên phong trào học ngoại ngữ sôi nổi trong đơn vị, điều thượng tá Tuấn băn khoăn nhất là: trình độ đầu vào của anh em khác nhau. Cùng đó, việc luân chuyển công tác, có những lứa chiến sĩ mới vào đơn vị, việc duy trì một lớp học ở mỗi tiểu đoàn sẽ rất khó khăn.

“Hướng đến phải phân ra các lớp khác nhau. Đơn vị cũng đang thử nghiệm, hợp đồng với giáo viên tiếng Anh bên ngoài về dạy cho anh em để bài bản, chuyên nghiệp hơn” - thượng tá Tuấn nói.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên