Một điểm cách ly y tế tại TP Hà Nội - Ảnh: G.ĐOÀN
Ngày 13-12, Hà Nội lập "đỉnh" với 1.000 ca COVID-19 ghi nhận trong vòng 24 giờ.
Ca F0 nặng tăng theo tỉ lệ ca nhiễm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 14-12, một lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết hiện nay cơ sở điều trị COVID-19 của bệnh viện trên đang chịu áp lực lớn khi ca COVID-19 tăng nóng.
"Bệnh viện cũng đang quá tải, trong ngày hôm qua có thêm 30 F0 khỏi bệnh được ra viện, nay trong bệnh viện đang có gần 200 F0 đang điều trị. Tuy nhiên so với thời điểm trước đó thì cũng đỡ áp lực hơn một chút khi mà TP Hà Nội đã cho F0 được điều trị tại nhà.
Thế nhưng điều đáng nói là số ca mắc tăng thì số bệnh nhân nặng tăng lên theo tỉ lệ, hiện nay cứ 200 F0 thì có khoảng 10 bệnh nhận nặng phải vào viện điều trị, vì vậy tình hình cũng khá căng thẳng", vị lãnh đạo trên nói.
Trước tình trạng nhiều F0 nhẹ nhưng vẫn muốn đến các bệnh viện tuyến cuối để điều trị, vị đại diện Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói bệnh viện đang xây dựng quy trình chuẩn để sàng lọc, tiếp nhận bệnh nhân.
"Đối với những trường hợp F0 đến điều trị, qua quá trình khám sàng lọc, nếu tình trạng nhẹ, bệnh viện sẽ không tiếp nhận điều trị, liên hệ tới các nơi khác để bệnh nhân được điều trị tại cơ sở y tế phù hợp", vị đại diện trên nói thêm.
Biểu đồ dịch TP Hà Nội "leo thang" - Ảnh: Sở Y tế TP
BS.CKII Nguyễn Thu Hường - trưởng đơn nguyên phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn - cho biết theo quy định, TP và Sở Y tế giao cho Bệnh viện Thanh Nhàn là 300 giường, trong đó 250 giường ICU, 50 giường cho bệnh nhân mức độ trung bình.
"Với mức độ phân tầng như giai đoạn hiện tại, chỉ tiêu phân cho chúng tôi 100 giường bệnh nhưng đang điều trị 120 bệnh nhân. Với mức độ chỉ 20 giường nặng, chúng tôi đã gấp 150% so với công suất và quy định mà TP và Sở Y tế giao".
Được biết, tại Bệnh viện Thanh Nhàn đang có 20 - 30 bệnh nhân trở nặng, cá biệt có giai đoạn lên đến 40 bệnh nhân ở tầng 3 - tầng thở oxy cho đến khi bệnh nhân phải can thiệp bằng thở máy.
Đa phần những ca bệnh nặng trên là những người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm vắc xin nhưng chưa đủ liều hoặc tiêm 2 mũi thời gian chưa đủ sinh ra kháng thể.
Hơn 35% F0 đang điều trị tại nhà và trạm y tế lưu động
Đến hết ngày 13-12, Hà Nội đang điều trị cho 9.463 ca COVID-19, trong đó có 3.340 người đang cách ly, điều trị tại trạm y tế lưu động và tại nhà (chiếm hơn 35%). Số còn lại điều trị tại cơ sở thu dung điều trị COVID-19 và các bệnh viện Hà Nội, bệnh viện trung ương.
Cụ thể, trong số 9.463 F0 đang điều trị có 2.800 người điều trị tại trạm y tế lưu động và 540 người điều trị tại nhà.
Ngoài ra, có 82 F0 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2; 175 F0 điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và 1.984 F0 điều trị tại 29 bệnh viện trực thuộc ngành y tế Hà Nội.
Còn lại 3.882 F0 đang điều trị tại các cơ sở thu dung điều trị của TP.
Bà Trần Thị Nhị Hà - giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết việc quản lý, theo dõi F0 không triệu chứng tại nhà đang được triển khai trên 30 quận, huyện, thị xã của TP.
Theo khảo sát 2,1 triệu hộ gia đình tại thủ đô, có gần 900.000 hộ gia đình có đủ điều kiện để có thể theo dõi F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà.
"Việc quản lý người nhiễm COVID-19 nhẹ không triệu chứng tại nhà rất cần sự giám sát của chính quyền địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bên cạnh đó cần phải tuyên truyền mạnh mẽ, đề nghị người dân nâng cao ý thức khi được điều trị tại nhà", bà Hà nói.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã có hướng dẫn phân thành 3 tầng điều trị COVID-19 dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận