Điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - Ảnh: T.LŨY
Số ca nặng và tử vong vẫn chưa giảm nhiều
Tại TP Cần Thơ, trong những ngày này số ca mắc mới chỉ khoảng 30-40 ca, tổng số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện hiện còn 613 trường hợp. Tuy nhiên số ca bệnh nặng tử vong trong ngày vẫn chưa giảm, ngày 24-1 có 9 ca tử vong, có ngày số ca tử vong lên 2 con số.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Cao Hoàng Anh - phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - cho rằng số ca tử vong là do nhập viện thời gian kéo dài từ 3, 4 tuần, trước nhập viện bị bệnh nặng đã lâu, sau thời gian điều trị diễn tiến nặng và tử vong.
Còn các trường hợp mới nhập viện gần đây thì đa số bệnh nhẹ hơn. Số ca tử vong ghi nhận ở các bệnh viện điều trị tầng 2, 3 như Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện quận Thốt Nốt.
Riêng tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, số ca bệnh ở tầng 2 đã giảm rõ rệt nhưng số ca bệnh nặng vẫn còn cao. Hiện còn 56 ca bệnh nặng đang điều trị trong khu vực hồi sức tích cực.
Bác sĩ Trần Quốc Luận - giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết phần lớn bệnh nhân nặng và tử vong ở độ tuổi từ 55-75, hầu hết có bệnh nền, đặc biệt 4 bệnh có tỉ lệ nặng cao nhất là bệnh đái tháo đường, suy thận mãn, tăng huyết áp và hội chứng Custing.
"Riêng các trường hợp tử vong chúng tôi thống kê được, phần lớn tiêm vắc xin chưa đầy đủ, như chỉ tiêm 1 mũi, 2 mũi chưa đủ thời gian, hoặc 2 mũi Vero Cell nhưng chưa tiêm mũi tăng cường…", ông Luận thông tin.
Tại Đồng Tháp, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết đến nay tỉnh có 47.129 ca mắc COVID-19. Số bệnh nhân COVID-19 hiện đang điều trị là 8.082 ca, nhiều nhất là điều trị tại nhà.
Đặc biệt, số bệnh nhân nặng, rất nặng đang điều trị là 234. Trong ngày 24-1 có 7 bệnh nhân tử vong (giảm 3 ca so với ngày 23-1). Tổng số ca tử vong do dịch COVID-19 đến nay tại Đồng Tháp là 885 ca, chiếm tỉ lệ 1,87% tổng ca mắc.
Số liệu: LAN ANH - Đồ họa: NGỌC THÀNH
Ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Đồng Tháp đã giảm mạnh số người mắc và số ca tử vong. Cụ thể, tuần qua, Đồng Tháp có 86 trường hợp tử vong (giảm 17 trường hợp so với tuần trước).
Tất cả các ca tử vong đều có bệnh nền, trong đó bệnh nền chủ yếu là tăng huyết áp (83,72%), đái tháo đường (53,49%), tai biến mạch máu não (16,28%).
Tại Sóc Trăng, số ca bệnh mới cũng đã giảm sâu, hiện còn 434 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có đến 73 ca bệnh nặng đang điều trị ở bệnh viện tầng 3 (số giường kế hoạch là 70 giường). Số trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 trong ngày là 9 người.
Tại tỉnh Tiền Giang, mỗi ngày ghi nhận trên 100 ca COVID-19 mới, số tử vong ngày 24-1 là 7 bệnh nhân, chiếm tỉ lệ 4,89% so với số ca ghi nhận trong ngày. Tính đến nay, tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Tiền Giang là 1.167 người. Chính con số này khiến nhiều người lo lắng về tỉ lệ tử vong tại tỉnh Tiền Giang.
Theo ông Trần Thanh Thảo - giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang - tỉ lệ tử vong nói trên là tính tỉ lệ trên F0 thông qua kết quả PCR nên thấy cao chứ tính cả test nhanh thì đã giảm rất nhiều.
Cụ thể, tổng tử vong tính đến ngày 23-1 là 1.176 ca, chiếm 1,14% trên tổng số 103.029 F0 đã ghi nhận từ đầu mùa dịch. Như vậy tỉ lệ tử vong của tỉnh Tiền Giang đã giảm nhiều (1,14%, thấp hơn bình quân chung toàn quốc), trong khi trước đây khoảng 2,7% (cao hơn bình quân chung toàn quốc).
Nỗ lực giảm bệnh nặng, giảm tử vong
"Đồng Tháp đã giảm số ca nhiễm bệnh nặng nhập viện nhưng số bệnh nặng trước đó vẫn còn ở bệnh viện. Dù họ đã qua khỏi COVID-19 nhưng bệnh nền chưa qua nên số này còn nguy cơ tử vong rất cao. Đa số người tử vong có độ tuổi từ 60 trở lên.
Hiện nay còn khoảng 90 ca đang thở oxy, thở máy xâm lấn ở tầng 3. Chúng tôi có kế hoạch trực Tết là tăng cường bác sĩ, cung ứng hóa chất, vật tư, oxy, thuốc men cho tầng 3, đảm bảo dự trữ cho tình huống đột biến có thể xảy ra trong dịp Tết này", ông Đoàn Tấn Bửu nói.
Theo ông Bửu, hiện nay số ca nhiễm COVID-19 tại Đồng Tháp chỉ còn 2 con số, dao động từ 45 đến 50 ca/ngày. Vì vậy, ông đã chỉ đạo các bệnh viện rút bớt lực lượng tầng 2 để chuẩn bị cho sau Tết trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới.
Bác sĩ Cao Hoàng Anh - phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - cho hay tín hiệu khả quan là số ca mắc mới nhập viện phần lớn là bệnh nhẹ, do tỉ lệ phủ 2 mũi vắc xin đã đạt trên 96% (người trên 18 tuổi), ngành y tế vẫn đang tiếp tục rà soát tiêm mũi 3 (gồm mũi bổ sung và mũi tăng cường) cho tất cả người dân khi có đủ vắc xin.
Về hệ thống điều trị bệnh nhân ở tầng 3, máy móc trang thiết bị cũng tạm ổn, sở cũng chỉ đạo các bệnh viện nỗ lực hết sức cứu bệnh nhân, giảm tỉ lệ tử vong xuống. Đặc biệt trong dịp Tết sắp tới các bệnh viện vẫn phải đảm bảo ca kíp trực đảm bảo điều trị các bệnh nhân nặng đang còn ở bệnh viện thật tốt.
Tại Tiền Giang, ngành y tế địa phương đã đưa ra khuyến cáo cho người dân trong thời gian tới nhằm giảm tỉ lệ tử vong. "Người dân tự xét nghiệm thì bộ xét nghiệm phải trong danh mục được cấp phép. Phải có sự giám sát của cán bộ y tế hoặc quay video clip cả quá trình thực hiện và kết quả, chuyển cho ngành y tế khi kết quả dương tính.
Khi dương tính phải báo cho nhân viên y tế biết để được hướng dẫn, hỗ trợ điều trị và thực hiện cách ly tại nhà. Khuyến cáo mọi người dân nên tiêm đủ liều vắc xin cơ bản, nay thêm mũi tăng cường hoặc tiêm mũi nhắc khi có thông báo của ngành y tế", ông Trần Thanh Thảo nói.
So với thời điểm tháng 11 và 12-2021, số mắc mới COVID-19 tại khu vực miền Tây hiện giảm mạnh, nhiều tỉnh miền Tây ghi nhận số mắc hằng ngày 2 con số, đứng top cuối về số mắc hằng ngày của 63 tỉnh thành, nhưng số tử vong hằng ngày vẫn đang ở top đầu, giảm không nhiều so với thời kỳ cao điểm dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận