Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 22-5 có 1.222 ca mắc COVID-19 mới, có 100 ca nặng, một người tử vong do COVID-19 tại Hà Nội.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.603.960 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.963 ca nhiễm).
Trong ngày có 304 ca được công bố khỏi bệnh, tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi là 10.635.369 ca.
Về tình hình tiêm vắc xin phòng COVID-19, ngày 21-5 không có liều vắc xin COVID-19 nào được tiêm.
Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lý giải số liệu báo cáo do sở y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên hệ thống quản lý COVID-19, vì vậy số liệu báo cáo có thể chậm dẫn đến số liệu tiêm chủng là 0.
Một chuyên gia dịch tễ (Bộ Y tế) đánh giá số ca mắc COVID-19 vẫn có biến động tuy nhiên đang được kiểm soát tốt. Ca COVID-19 mới mặc dù có gia tăng hơn so với giai đoạn trước nhưng chủ yếu vẫn nằm trong nhóm đối tượng người cao tuổi, có bệnh nền.
Mới đây, Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành liên quan chuẩn bị hồ sơ theo quy định để chuyển dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch.
Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nếu Việt Nam xếp COVID-19 ở nhóm B cùng với các bệnh truyền nhiễm khác thì COVID-19 vẫn phải có tính đặc thù. WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia cần thận trọng và chuyển từ việc phòng chống dịch khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát dịch bền vững, lâu dài.
"Như vậy Việt Nam cần có chính sách, kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, làm sao chúng ta theo dõi được sát tình hình dịch bệnh để có đáp ứng phù hợp, không bất ngờ, vừa kiểm soát được dịch trong mọi tình huống nhưng không tốn kém, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân.
Đồng thời, đặc biệt lưu ý các hoạt động giám sát, dự phòng cá nhân, tiêm chủng, truyền thông, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương", ông Phu nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận