Đề xuất mới tiến tới sớm công bố hết dịch
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19 những tuần vừa qua luôn ở mức thấp (dao động vài ca đến vài chục ca mỗi ngày), cùng với đó số ca mắc COVID-19 nhập viện điều trị cũng rất thấp, có ngày không có ca nào.
Ngày 24-9, Bộ Y tế cho biết đã có tờ trình số 1229 trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo quyết định của Thủ tướng, sửa đổi phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.
Tại dự thảo tờ trình sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất thời gian ủ bệnh trung bình giảm xuống còn 4 ngày và thời gian không phát hiện thêm ca mắc mới giảm còn 8 ngày nhằm có thể công bố hết dịch sớm hơn (quy định hiện nay là 14 ngày và 28 ngày).
Theo Bộ Y tế, việc sửa đổi này căn cứ trên cơ sở khoa học, diễn biến tình hình bệnh COVID-19 hiện nay và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ.
Cũng tại tờ trình, Bộ Y tế thông tin đối chiếu giữa quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và thực tiễn diễn biến dịch tại Việt Nam cho thấy COVID-19 không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Chờ Bộ Tư pháp làm rõ một số vấn đề
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay: ngay khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng về việc hoàn thiện hồ sơ công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế đã họp bàn, tiến hành các thủ tục hồ sơ liên quan.
Tuy nhiên, trong các hồ sơ cần thiết để công bố hết dịch có văn bản liên quan đến quy phạm pháp luật, không phải văn bản hành chính thông thường. Vì vậy thủ tục khá phức tạp, mặc dù đã rút gọn nhưng không thể tiến hành nhanh chóng.
Mới đây, Bộ Y tế đã chuyển hồ sơ thẩm định tới Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp phản hồi cần làm rõ một số vấn đề, Bộ Y tế đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ chuyên môn để hoàn thiện thủ tục.
Về việc Việt Nam sẽ công bố hết dịch COVID-19 trong thời gian tới, vị này cũng cho rằng tháng 5 vừa qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố qua giai đoạn khẩn cấp, chứ không phải là kết thúc đại dịch.
"Vì vậy, các quốc gia vẫn phải sẵn sàng mọi tình huống khi xuất hiện biến chủng mới có độc lực, tốc độ lan truyền nhanh chóng, thậm chí đại dịch bùng phát. Vì vậy, các quốc gia vẫn cần có sự cẩn trọng trong việc công bố hết dịch COVID-19.
Hiện nay COVID-19 vẫn đang là bệnh truyền nhiễm nhóm A, khi có tình huống bùng phát dịch có thể nhanh chóng huy động chống dịch.
Bên cạnh đó, đến nay các biện pháp phòng, chống dịch đã hạ xuống mức thấp nhất. Người dân gần như đã quay trở về cuộc sống bình thường, việc công bố hết dịch hay không đều không gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân", vị này nhận định.
Xét riêng góc độ bệnh COVID-19, một chuyên gia về truyền nhiễm tại TP.HCM chia sẻ từ khi tỉ lệ người dân tiêm vắc xin phòng COVID-19 "phủ sóng" tỉ lệ cao, thì dịch COVID-19 không còn đáng lo với phần lớn người dân, ngoại trừ những người có yếu tố nguy cơ.
Với đề xuất giảm thời gian ủ bệnh và thời gian không phát hiện thêm ca mắc mới 10 ngày theo thời gian quy định hiện tại, theo chuyên gia này là hoàn toàn hợp lý, tiến tới nước ta sớm thỏa điều kiện công bố hết dịch.
Chứng minh COVID-19 không còn phù hợp là bệnh truyền nhiễm nhóm A
Trong tờ trình nêu trên, Bộ Y tế thông tin:
- Từ đầu năm đến cuối tháng 8-2023, cả nước ghi nhận 97.628 ca mắc, trung bình hằng tháng ghi nhận khoảng 12.000 ca mắc; số mắc trung bình tháng giảm 12 lần so với năm 2021 (khoảng 144.000 ca/tháng) và giảm 68 lần so với 2022 (khoảng 816.000 ca/tháng).
Tỉ lệ tử vong do COVID-19 giảm từ 1,86% năm 2021 xuống 0,1% năm 2022 và hiện còn 0,02% trong năm 2023 (tính đến hết tháng 8-2023), tương đương hoặc thấp hơn tỉ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B ghi nhận phổ biến tại Việt Nam trong 5 năm gần đây như sốt xuất huyết, sốt rét, bạch hầu, ho gà.
- Đã xác định rõ tác nhân gây bệnh COVID-19 là vi rút SARS-CoV-2.
- COVID-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí của bệnh truyễn nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm: là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận