Mỗi lần ban quản lý tòa nhà bảo dưỡng thang máy hoặc sửa đường điện, đường nước đều có thông báo cụ thể ngày, giờ đến các hộ dân. Thế nhưng đâu đó vẫn có những lời trách móc, chửi thề, thậm chí văng tục vì "phải đi bộ hết hơi", "nóng thế này mà cúp điện chẳng khác gì tra tấn"... Nghĩa là tôi nhận thấy có một điểm nổi bật, đó là họ rất ít thông cảm cho nhau.
Có hôm khi đứng chờ thang máy ở tầng để xe, nghe hai vợ chồng trẻ nói với nhau. Chị vợ sốt ruột: "Sao nay thang máy lâu thế, nồi cá trên nhà có khi cháy mất". Chuyện tương tự không phải là ít, nhiều khi người dân chủ quan không tắt bếp gas khi chạy ra ngoài mua lọ nước mắm hay túi bột nêm vì nghĩ: "Nhanh thôi mà, chỉ mấy phút là về". Tôi cũng từng chứng kiến nhiều người "quên" tắt bếp gas, vội vàng đi đón cháu hoặc đi chợ khiến chiếc nồi cháy đen.
Dường như tâm lý chủ quan, "không sao đâu", "cháy ở đâu chứ đâu phải ở nhà mình" đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người. Mỗi khi có những buổi tập dượt, thực hành xử lý khi bình gas bị hở, cháy hoặc đám cháy nhỏ, mọi người chỉ đến cho có mặt, túm tụm lại trò chuyện, hoặc nhắn tin, đọc báo, bình luận như các chuyên gia. Chỉ có vài bạn trẻ dám thử xử lý theo lời chỉ dẫn của các chú công an.
Nhớ có lần một người bạn của tôi kể, chung cư nơi bạn sinh sống có một đám cháy nhỏ phát ra từ một căn hộ. Mọi người hô hoán nhau chạy xuống. Chỉ trong những giây phút ngắn ngủi, bạn tôi và hai người cùng tầng đã lấy ngay bình chữa cháy mini và sau đó đám cháy nhỏ đã được dập tắt. Bạn bảo: "Nếu khi đó mình cũng mặc kệ người ta, chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy giống mọi người thì không biết hậu quả thế nào".
Nhưng có lẽ, điều tôi nhìn thấy rõ nhất là các cư dân không "mua láng giềng gần". Nhớ một cuối tuần, ở một căn hộ tầng trên có tiếng vợ chồng trẻ cãi nhau, đập phá đồ đạc và sau đó đánh nhau. Tiếng người vợ khóc cầu cứu, tiếng trẻ con khóc theo...
Nhưng không một ai dám bước chân ra khỏi ranh giới sợ "tai bay vạ gió" để can ngăn. Một nhóm túm tụm lại để nghe và bình luận. Một phòng khác thì ló đầu ra nhìn, người lại tranh thủ dùng điện thoại quay lại và cười khúc khích với "chiến lợi phẩm" là đoạn phim kia sẽ được đưa lên Facebook để câu view.
Khi tôi vừa leo từ tầng 7 lên đến nơi thì một bác lớn tuổi kéo tay lại: "Thôi, dại gì mà can với chả ngăn, vợ chồng nhà này có mấy ngày không cãi nhau đâu? Can ngăn cả ngày à?".
Tôi hiểu với suy nghĩ mặc kệ, "đèn nhà ai nhà ấy rạng", văn hóa chung cư còn xa lắm.
Tôi nghĩ các cư dân chung cư sống cùng nhau sẽ rất khó nếu không tôn trọng, chia sẻ và thông cảm với nhau. Nếu chỉ vì một chuyện nhỏ như tiếng ồn phát ra từ tầng trên mà để cãi vã thì có đáng hay không?
Tầng tôi sinh sống (tầng 7), vẫn qua lại, hỏi thăm nhau, khi thì cho nhau quả bưởi quê, khi thì vài quả chuối tây, hôm thì cho lọ mắm. Những thứ quà quê tuy nhỏ nhưng rất quý. Có hôm hai vợ chồng tôi đi làm vắng, chỉ có bà giúp việc và con trai ở nhà. Cháu bị sốt nhưng bà giúp việc lúng túng, không biết xử lý thế nào, thật may có chị phòng bên cạnh "vào vai" bác sĩ. Sau khi đo nhiệt độ, chị đã cho cháu uống thuốc hạ sốt và gọi điện cho tôi.
Khi tôi cảm ơn, chị chỉ cười hiền: "Ở cùng chung cư như người một nhà, giúp nhau có tí chút, sao phải khách sáo. Ở đời, ai cũng có lúc cần sự giúp đỡ, nay chị giúp em, ngày mai em giúp người khác". Chỉ vậy thôi nhưng tôi cảm thấy vui vui.
Lại một lần khác thì con tôi bị sốt, khi ấy hết thuốc hạ sốt cho trẻ em lại lúc nửa đêm. Tôi đành gõ cửa làm phiền nhà chị phòng bên cạnh. Không tỏ thái độ khó chịu vì bị đánh thức khi đang ngủ, người hàng xóm nhiệt tình sang hỏi han, đem thuốc hạ sốt cho trẻ em được trữ ở nhà và cùng chườm ấm cho con tôi. Khi cháu hạ sốt, chị mới chịu về ngủ.
Có lẽ, ở đâu cũng vậy, bên cạnh những vị hàng xóm khó tính vẫn có nhiều người tốt và xem nhau như người nhà...
Diễn đàn Xây dựng văn hóa chung cư do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh chính thức mời bạn đọc gửi hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm.
Các ý kiến thiết thực sẽ được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày và TTO. Đặc biệt, ban tổ chức sẽ bình chọn và dành tặng 5 phần quà trị giá 5 triệu đồng/phần cho cá nhân, tập thể có ý kiến đặc sắc.
Ý kiến gửi về email: [email protected] (từ nay đến hết ngày 15-6).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận