Cung tiền tăng đột biến cuối năm
Cung tiền (M2) hay tổng phương tiện thanh toán gồm lượng tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng; trong đó bao gồm tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm…
Giữa năm 2023, cung tiền mới chỉ tăng hơn 3% so với cuối 2022. Đến gần cuối năm, diễn biến khác hẳn.
Số liệu Tổng cục Thống kê, tính đến 21-12-2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,03% so với cuối 2022. Cuối 2023, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 13,7%, tiền gửi cũng tăng 14%.
Ông Lê Hoài Ân, CFA-Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính, tính toán cung tiền có thể tăng từ 5,5% năm 2022 lên khoảng 13 - 14% cuối 2023.
Dữ liệu: SBV, GSO, WiGroup, * ước tính chuyên gia
Thông thường tín dụng tăng, tiền gửi tăng, tổng phương tiện thanh toán sẽ tăng tương ứng.
Dữ liệu: SBV, WiGroup
Ông Ân lưu ý tăng trưởng cung tiền năm 2023 chỉ tăng vọt quý 4, đặc biệt sát cuối năm. Cũng chỉ quý cuối năm tiền gửi tăng hơn 800.000 tỉ đồng, gần bằng 9 tháng đầu năm cộng lại, dù lãi suất thấp kỷ lục.
Tăng trưởng tín dụng cùng tiền gửi đều tăng đột biến cuối năm đã thúc đẩy cung tiền đột biến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn khi nhìn vào tăng trưởng cung tiền với tốc độ tăng GDP.
Theo đó, cung tiền đến giữa tháng 12-2023 vào khoảng 10%, phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 5% và lạm phát trên 3% cả năm 2023.
"Đến cuối 2023, tăng trưởng cung tiền vọt lên. Nhìn từ mức tăng GDP và lạm phát, việc gia tăng cung tiền đột ngột trong những ngày cuối năm chưa thực sự phản ánh vào chỉ số giá, một lượng tiền lớn có thể cũng chưa đi vào kinh tế thực", ông Ân phân tích.
Nhìn vào tốc độ vòng quay tiền (GDP/cung tiền), có thể thấy chỉ số này ở Việt Nam rất thấp. Trong khi ở Mỹ khoảng 1,6 đến 2 vòng/năm thì Việt Nam khoảng 0,6.
"Có thể do lượng tiền cho vay ra nền kinh tế mau chóng vòng trở lại hệ thống ngân hàng hoặc một lượng cung tiền không được sử dụng một cách hiệu quả và đang được tích lũy trong xã hội", ông Ân đặt câu hỏi và cho rằng nếu cố bơm tiền cũng khó tạo ra hoạt động kinh tế ngay lập tức.
Chất lượng tín dụng sẽ rõ hơn khi nào?
Cũng theo ông Ân, điều đáng lo nhất năm nay sẽ không phải lạm phát mà là dòng vốn tín dụng có đi vào hoạt động kinh tế thực trong bối cảnh sức cầu nền kinh tế còn yếu.
Về lý thuyết, tăng trưởng tín dụng cao khi sức hấp thụ kém sẽ có thể đẩy nguồn vốn tín dụng ngân hàng vào việc tái tài trợ các khoản nợ cũ. Thậm chí, trong ngắn hạn, không loại trừ khả năng dòng tiền rẻ từ hệ thống ngân hàng sẽ có thể được dẫn vào cổ phiếu, vàng... tạo ra những tác động về giá tài sản này ngắn hạn.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng chất lượng tín dụng bơm rất mạnh vào cuối năm qua sẽ được kiểm chứng trong quý đầu năm 2024.
"Tiền bơm ra liệu có chảy vào kinh tế thực không hay chạy lại hệ thống ngân hàng qua kênh tiết kiệm hoặc đầu cơ…", ông Huân nói.
Cũng theo ông Huân, nếu tín dụng tăng đột biến chủ yếu do "chạy" KPI, khách hàng không có nhu cầu vay vốn thì rất khó có sự "bật" về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Chưa kể, nếu cung tiền được bơm vào nền kinh tế mà không tạo ra giá trị thì sẽ gây ra áp lực cho lạm phát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận