05/01/2016 09:37 GMT+7

Cá chết trắng bè, dân khóc điếng

A LỘC
A LỘC

TT - Hàng trăm hộ dân nuôi cá bè dọc sông Cái ngồi trên lửa khi chứng kiến cá chết liên tục những ngày gần đây, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là đêm 3-1 và rạng sáng 4-1.

Người nuôi cá vớt cá chết mang đi tiêu hủy - Ảnh: A Lộc
Người nuôi cá vớt cá chết mang đi tiêu hủy - Ảnh: A Lộc
Sau một đêm, cá chết nổi trắng mặt nước - Ảnh: A Lộc
Sau một đêm, cá chết nổi trắng mặt nước - Ảnh: A Lộc

Hàng trăm hộ dân nuôi cá bè dọc sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai, đoạn qua xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) hiện đang như ngồi trên lửa khi chứng kiến cá chết liên tục những ngày gần đây, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là đêm 3-1 và rạng sáng 4-1. 

Anh Hoàng Văn Dũng - một hộ nuôi cá ở đầu làng bè - cho biết chỉ trong tối 3-1 khoảng 1 tấn cá, gồm cả cá kiểng và các loại cá nuôi thịt như chép nhật, trắm giòn, chép... của gia đình anh bị chết, thiệt hại tính từ hôm 25-12-2015 - thời điểm cá tại làng bè này bắt đầu lăn ra chết - lên tới hơn 300 triệu đồng.

“Tối qua nước xấu lắm, cá ngoài sông còn nhảy đùng đùng nói chi cá nuôi. Nhìn cá chết mà xót quá! Giờ chỉ mong chính quyền nhanh chóng vào cuộc ngăn chặn, chứ để vậy cá còn chết nữa” - anh Dũng nói. Không chỉ riêng nhà anh Dũng mà hơn 200 hộ tại làng bè dọc sông Cái đều có cá chết. Hộ thiệt hại nặng cả chục tấn, hộ nhẹ cũng vài trăm ký.

Ông Nguyễn Đình Thanh - người trông giữ bè nuôi cá của ông Vỵ - cho biết trong đêm 3-1 và rạng sáng 4-1 hàng chục bè cá tại đây chết nổi trắng mặt nước.

Theo tính toán sơ bộ ban đầu, có khoảng 3 tấn cá giống mới thả cùng khoảng 7 tấn cá thịt chết trong đêm. Với giá cá giống khoảng 160.000 đồng/kg, còn cá trắm giòn, cá chép giòn trên 100.000/kg, ước tính thiệt hại trong đêm qua hơn 1 tỉ đồng.

Theo ông Trần Văn Tình - một hộ có cá chết, không chỉ cá trong các bè mà cá ngoài sông cũng nổi đầu, trồi lên mặt nước và thậm chí chết. Trong khi thời điểm nước đứng cá vẫn bình thường, chỉ có lúc nước lên cá mới ngộp và chết.

“Không thể có chuyện nuôi dày hay do chế độ ăn uống được, mà do nước sông bị ô nhiễm, có thể do hóa chất từ các nhà máy xả ra sông” - ông Tình bức xúc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Chí Kiên - chuyên viên Phòng Kinh tế TP Biên Hòa (phụ trách thủy sản) - cho hay ngay trong sáng cùng ngày, đoàn liên ngành gồm các phòng ban liên quan cùng UBND và Hội Nông dân xã Hiệp Hòa đã đến hiện trường ghi nhận vụ việc, tiến hành lấy mẫu nước đem về xét nghiệm, tìm nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt, dự kiến kết quả được công bố vào ngày 5-1.

Cơ quan chức năng cũng hướng dẫn người dân thu gom, tập kết cá chết để đưa đi tiêu hủy, đảm bảo vệ sinh môi trường. Theo ông Châu Văn Hiệp - chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Hòa, kết quả kiểm tra cho thấy có 215 hộ với khoảng 270 bè có cá chết, nhưng số lượng cá chết và thiệt hại cụ thể vẫn chưa thống kê được.

Trước đó, vào các năm 2011 và 2014 cũng từng ghi nhận cá tại làng bè dọc sông Cái, đoạn qua các phường Tân Mai, Thống Nhất, An Bình, Tam Hiệp và xã Hiệp Hòa (nay đã di dời về xã Hiệp Hòa) bị chết hàng loạt do nước sông bị ô nhiễm.

Liên quan đến vụ việc, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai từng yêu cầu Nhà máy giấy Tân Mai phải đảm bảo việc khắc phục ô nhiễm theo cam kết vào năm 2011. Sau đó, Nhà máy giấy Tân Mai đã phải di dời toàn bộ dây chuyền sản xuất về nhà máy mới xây tại huyện Long Thành.

A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên