Chiều 23-8, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại ven hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội) tình trạng cá chết, bốc mùi hôi thối tiếp tục tái diễn.
Ven hồ Tây dọc tuyến đường Trích Sài, Nguyễn Đình Thi, Lạc Long Quân... nhiều xác cá chết nồi lềnh phềnh trên mặt hồ, trôi dạt vào ven bờ. Xác cá chết đã bắt đầu phân hủy, thối rữa, bốc mùi rất khó chịu.
Theo quan sát, tại những khu vực xảy ra tình trạng cá chết, màu nước hồ Tây có màu xanh đậm, có các lớp màng, váng nổi lên trên mặt nước.
Thường xuyên chạy bộ dọc hồ Tây vào mỗi chiều, anh Nguyễn Minh Tâm (32 tuổi, ngụ Hà Nội) cho biết tình trạng cá chết ở khu vực hồ Tây đã xảy ra khoảng 3-4 ngày qua.
"Những ngày đầu chỉ lác đác một số ít cá nổi lên trên mặt hồ, nhưng hôm nay (23-8) cá chết và nổi trên hồ ngày càng nhiều hơn. Nhiều con cá chết trôi dạt vào ven hồ, xác cá bắt đầu phân hủy bốc mùi thối rất khó chịu" - anh Tâm mô tả.
Qua thông tin của Tuổi Trẻ Online về tình trạng cá chết tại hồ Tây xảy ra những ngày qua, một lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết sẽ cử lực lượng chức năng đi kiểm tra sự việc. Đồng thời, quận phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn đánh giá nguyên nhân cá chết, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.
Trước đó, vào tháng 10 và tháng 11-2022 cũng đã xảy ra tình trạng hàng tấn cá chết nổi trắng hồ Tây, khiến UBND TP Hà Nội phải chỉ đạo tìm hiểu nguyên nhân và hướng xử lý.
Sau đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội gửi UBND TP, đơn vị này đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội theo dõi, kiểm tra, thực hiện công tác duy trì vệ sinh, thu gom vận chuyển về bãi xử lý theo quy định.
Qua theo dõi về công tác duy trì, vận hành mực nước hồ Tây phục vụ thoát nước, hằng năm vào khoảng các tháng 9, 10, khi thời tiết giao mùa thường xảy ra hiện tượng cá chết lác đác trên các hồ nội thành.
Chất lượng quan trắc nước hồ Tây cho thấy thông số oxy hòa tan (DO) có thay đổi liên tục. Báo cáo kết quả quan trắc thụ động sau khi lấy mẫu phân tích chất lượng môi trường nước ở 7 vị trí khác nhau tại hồ Tây của Sở Tài nguyên và Môi trường, cho thấy nồng độ oxy hòa tan của 7/7 mẫu đều nằm trên ngưỡng giới hạn tối thiểu cho phép (≥ 4mg/l) khi có nồng độ dao động 6,95 - 7,64mg/l.
7/7 mẫu đều có 4/16 thông số BOD, COD, Amoni xấp xỉ hoặc vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn. Riêng vị trí cửa cống thông hồ Trúc Bạch có thêm thông số tổng Coliforms vượt quy chuẩn so sánh 2 lần (15.000/7.500).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, cá chết là do hiện tượng thiếu không khí, hàm lượng oxy giảm; ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại cho rằng do khối lượng cá trong hồ nhiều, chất lượng nước ô nhiễm, có khí độc (do bùn, tảo... gây ra), cá bị bệnh...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận