Ông Nguyễn Hữu Thành (60 tuổi, trú xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) cùng số cá biển chết dạt vào bờ ông lượm được - Ảnh: Nhật Linh |
Ngày 20-4, có mặt tại khu vực bãi biển Bình An (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc), chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều người dân đổ xô ra biển lượm cá chết dạt, trôi lềnh bềnh trên bờ biển.
Những loài cá biển chết trôi vào đây chủ yếu là cá móm, cá rò, cá đục, cá bò, cá bạc má… Người dân cho hay hiện tượng cá chết xảy ra cách đây khoảng 3 ngày và lượng cá chết trôi vào bờ nhiều nhất vào ban đêm khi thủy triều lên.
Nhanh tay nhặt một con cá móm bạc trắng rồi bỏ vào chiếc túi nilông chừng hơn 1kg cá chết, ông Nguyễn Hữu Thành (60 tuổi) cho biết nhặt cá về để cho heo, gà ăn chứ người không dám ăn. “Dân ở biển mà chẳng ai dám ăn cá vì không biết vì nguyên nhân gì khiến cá chết hàng loạt” - ông Thành nói.
Cá chết hàng loạt khiến ngư dân cũng lao đao theo. Ông Nguyễn Văn Bưởi (54 tuổi), ngư dân ở thôn Phú Hải (xã Lộc Thủy), cho biết hiện chỉ còn vài hộ ngư dân dám ra khơi đánh cá.
Nguyên nhân vì có bắt cá vào cũng không bán được khi người dân đang mang tâm lý sợ “bán cá chết trôi” cho họ.
“Trước khi có cá chết trôi vào bờ, thu nhập trung bình mỗi ngày từ việc đánh cá biển của tôi khoảng 300.000 - 500.000 đồng/ngày. Nhưng giờ thì chẳng dám ra biển nữa vì lỗ trắng, đành ở nhà thôi” - ông Bưởi nói.
Được biết, trước hiện tượng cá chết hàng loạt, một số ngư dân đánh bắt gần bờ đã không ra biển vì sợ có đánh được cá cũng không biết bán cho ai. Vì nhiều chợ ven biển đang có tình trạng “dị ứng”, không mua cá biển.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhiều địa phương như Lộc Vĩnh (Phú Lộc), Quảng Ngạn (Quảng Điền), Phong Hiền (Phong Điền), đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô)… có ghi nhận tình trạng cá biển, cá nuôi lồng chết hàng loạt. Trong đó có 11 hộ dân nuôi cá lồng bị thiệt hại gần 6.000 con.
Báo cáo cho biết qua phân tích, cả nước biển lẫn nước đầm Lăng Cô bị ô nhiễm, nồng độ PO4 (chỉ tiêu phú dưỡng) ở tầng đáy gấp đôi chỉ số cho phép, làm tăng độ pH trong nước, và nhiều khả năng là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.
Riêng ở trong đầm Lăng Cô, tảo biển phát triển mạnh cộng với khí độc ở đáy lồng khiến cá thiếu oxy cũng là nguyên nhân. Báo cáo loại bỏ khả năng cá chết vì bệnh, dịch.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết hiện sở các địa phương và các cơ quan liên quan hướng dẫn cho người dân nuôi cá lồng một số giải pháp để tránh tình trạng cá tiếp tục chết.
“Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên Bộ NN&PTNT vào cuộc để tiến hành kiểm tra, phân tích toàn diện vùng biển ở các địa phương có cá chết nhằm đưa ra kết luận chính xác nhất, có hướng xử lý kịp thời hơn” - ông Hùng cho biết.
* Hà Tĩnh: dân hoang mang trước việc cá chết hàng loạt
Chiều 20-4, Bộ NN&PTNT chủ trì làm việc với các cơ quan chức năng Hà Tĩnh về việc cá lồng bè, cá tự nhiên chết hàng loạt tại vùng biển thị xã Kỳ Anh chưa rõ nguyên nhân.
Trong lúc các làng bè chưa có cá chết rất hoang mang, còn những hộ có cá chết thì lưỡng lự có tiếp tục thả cá hay không vì cơ quan chức năng chưa làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt.
Theo lãnh đạo xã Kỳ Lợi, sát vùng biển Vũng Áng có Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và nhà máy sản xuất thép, nhà máy nhiệt điện của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (thuộc dự án Formosa Hà Tĩnh) đi vào hoạt động.
Sau khi cá bè chết hàng loạt thì người nuôi cá ở đây cho rằng nguyên nhân là do ô nhiễm bắt nguồn từ 3 nhà máy này.
Theo báo cáo của ngành thủy sản Hà Tĩnh, vụ cá chết này tổng thiệt hại của các hộ dân lên đến gần 5 tỉ đồng. Hiện chưa có bất cứ một hộ dân nào được hỗ trợ trước thiệt hại này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận