29/11/2019 22:07 GMT+7

Cả bầy cá sấu từ biển xông lên bờ rượt cắn người

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Số người chết vì cá sấu cắn ở Đông Timor giờ đã nhiều gấp 10 lần số người chết vì sốt rét. Các nhà khoa học nghi ngờ những con cá sấu sát nhân đã bơi từ bờ biển Úc cách đó chưa đầy 500km.

Cả bầy cá sấu từ biển xông lên bờ rượt cắn người - Ảnh 1.

Cá sấu nước mặn đóng vai trò thiêng liêng trong tâm tưởng người Đông Timor - Ảnh: AFP

Trung bình cứ mỗi tháng lại có một vụ cá sấu cắn chết người ở Đông Timor (hay còn được biết đến với tên gọi khác là Timor Leste).

"Tôi đang đi gần bờ biển thì bất ngờ ở đâu một bầy cá sấu xông lên bờ rượt tôi chạy vắt giò lên cổ. Một con cắn vào chân tôi nhưng tôi chạy thoát được, không thì bây giờ cũng nằm trong bụng cá sấu rồi", một người dân địa phương kể lại trong sự thất kinh.

Đông Timor chỉ có khoảng 1,2 triệu dân và sống phụ thuộc phần lớn vào biển cả. Những con cá sấu nước mặn với chiều dài lên tới 6m rất tinh ranh và thường nhắm vào các ngư dân đi trên thuyền chèo hoặc đi gần bờ biển.

Người Đông Timor rất tôn sùng cá sấu, gọi nó là abo nghĩa là "ông nội" và cho rằng những ai làm điều xấu mới bị cá sấu cắn.

Truyền thuyết về nguồn gốc của người Đông Timor cũng lấy cá sấu là trung tâm nên nhiều người không muốn đổ thừa cho những con cá sấu địa phương là sát nhân.

Các nhà khoa học thoạt đầu nghi ngờ con người đã xâm phạm lãnh địa của loài cá sấu. Tuy nhiên, họ lại nhận thấy số lượng cá sấu tăng đột biến nên thắc mắc số cá sấu này ở đâu ra.

"Đông Timor không phải ngoại lệ. Số vụ cá sấu nước mặn cắn người cũng tăng vọt ở quần đảo Solomon và Indonesia", nhà sinh vật học Sebastian Brackhane chuyên nghiên cứu về cá sấu Đông Timor đặt vấn đề với Hãng thông tấn AFP.

Ông Brackhane cũng có cùng giả thuyết với người dân địa phương rằng những con cá sấu giết người đến từ bờ biển Úc hoặc Papua New Guinea cách đó chưa đầy 500km, hay thậm chí là Malaysia và Indonesia.

Cả bầy cá sấu từ biển xông lên bờ rượt cắn người - Ảnh 2.

Chuyên gia Sam Banks lấy mẫu vật từ cá sấu - Ảnh chụp màn hình

Một nhóm các nhà khoa học quyết định đi tìm lời giải. Họ cố gắng thu thập mẫu ADN từ 18 con cá sấu và gởi sang Úc để đối chiếu với cơ sở dữ liệu cá sấu tại đây.

Công việc nghe có vẻ đơn giản nhưng rất nguy hiểm và phải mất hơn 2 tuần người ta mới hoàn tất việc lấy mẫu vật từ loài bò sát dài tới 6m, nặng hơn 1 tấn với những cú táp chết người trong tích tắc.

Kết quả trả về khiến nhiều người Đông Timor hụt hẫng vì những con cá sấu được lấy ADN không phải đến từ Úc.

"Chúng là cá sấu ở Đông Timor. Không có bằng chứng nào cho thấy chúng bơi từ Úc sang đây cả", ông Sam Banks, một chuyên gia bảo tồn thuộc Đại học Charles Darwin của Úc thừa nhận.

Tuy nhiên theo ông Banks, rất có thể kết quả sẽ khác nếu mở rộng diện tích tìm cá sấu. Ông này cũng cho rằng số vụ cá sấu cắn người có thể nhiều hơn trên thực tế vì nhiều người sợ xấu hổ đã giấu chuyện bị cắn.

"Luật ở đây là không được làm hại cá sấu, vì người địa phương tin rằng nếu anh dám làm như thế với tổ tiên của họ, anh sẽ gặp quả báo sớm.

Chúng tôi sẽ phải luôn ghi nhớ điều này trong đầu của mình, phải học cách cân bằng giữa bảo vệ sinh mạng con người và tôn trọng truyền thống văn hóa của họ", ông Banks chia sẻ.

Nơi cá sấu được làm đám tang như con người Nơi cá sấu được làm đám tang như con người

TTO - Cá sấu có thể là một trong những loài thú săn mồi nguy hiểm nhất thế giới, nhưng tại ngôi làng Bazoule ở châu Phi, người ta tắm giặt, bơi lội cùng loài vật này. Khi chúng chết đi, người dân làm lễ tang như người dân trong làng.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên