Phóng to |
Cháu Vũ Quỳnh Anh - Ảnh: Lao Động. |
Vũ Quỳnh Anh ra đời cách đây 5 ngày tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và được đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương chiều 28-9. Cháu đang được thở máy, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch. Do màng tim của bệnh nhi bị khô nên các bác sĩ phải dùng nước muối sinh lý nhỏ giọt xuống để giữ ẩm thường xuyên.
Bà Khu Thị Khánh Dung, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, hiện các chỉ số như tim mạch, huyết áp của cháu đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, các cơn tím tái vẫn thường xuyên xảy ra. Để có thể phẫu thuật đưa tim trở về lồng ngực, cháu bé phải ổn định hơn về tuần hoàn. Ngoài việc chăm sóc cho cháu, bệnh viện đang thực hiện nhiều xét nghiệm thăm dò cần thiết như xét nghiệm bề mặt tim, chụp phổi, ngực và bụng...
Theo bà Khánh Dung, rất khó tiên lượng về kết quả ca mổ vì hiện nay, các bác sĩ chưa biết là ngoài bất thường về vị trí của tim, cháu Quỳnh Anh còn có bất thường nào khác không. Các chuyên gia không loại trừ khả năng có tổn thương hay dị dạng các mạch máu lớn trong cơ thể. Rốn của cháu nằm rất cao, gần sát tim nên có thể vị trí của các động mạch, tĩnh mạch chủ bụng cũng không bình thường. Hiện nay, tất cả vẫn chỉ là phán đoán vì chưa thể siêu âm được (cần có loại đầu dò đặc biệt). Nếu có thêm các dị dạng kể trên, cháu bé sẽ dễ gặp nguy hiểm khi phẫu thuật; nguy cơ càng lớn nếu chúng không được phát hiện trước.
Có một khó khăn lớn nữa trong ca mổ: lồng ngực của Quỳnh Anh rất bé. Trong quá trình phát triển giai đoạn bào thai, trái tim của cháu đã nằm bên ngoài nên khoang ngực không dành chỗ cho nó. Để đưa tim trở về, vị trí này cần được nới rộng và đây là một việc không dễ dàng. Nếu được đưa vào một nơi quá chật hẹp, bệnh nhi rất dễ tử vong vì bị ép tim, ngưng tim. Chính vì những trở ngại trên mà ở bệnh viện Nhi Trung ương, chưa đứa trẻ có tim ngoài lồng ngực nào được phẫu thuật thành công. Trong 3 bệnh nhi được phát hiện trước đây, 2 trẻ tử vong sau mổ vì các dị dạng bất ngờ về mạch. Cháu bé còn lại không được gia đình đồng ý phẫu thuật và cũng qua đời sau một thời gian ngắn. Với trường hợp Quỳnh Anh, bà Khánh Dung cho rằng khả năng mổ thành công là 50/50.
Hiện nay, các bác sĩ chưa xác định được nguyên nhân gây dị tật của Vũ Quỳnh Anh. Theo tiến sĩ Khu Thị Khánh Dung, dị tật này có thể do những đột biến trong giai đoạn đầu của bào thai, khi tim và nhiều cơ quan khác đang thành hình. Mẹ bị nhiễm virus, cảm cúm, nhiễm độc chất từ thuốc uống, thức ăn hoặc môi trường có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Gia đình bệnh nhân cho biết, cả bố mẹ cháu bé đều không phát hiện bệnh di truyền nào. Khi mang thai ở tháng thứ hai, chị Hoàng Thị Hường, mẹ cháu có bị cúm nhưng do không biết có bầu nên đã uống kháng sinh liều cao.
Hiện tượng tim ngoài lồng ngực tuy ít gặp nhưng không phải là quá hiếm. Trong vòng 4 năm qua, tại TP HCM đã có ít nhất 2 trường hợp được phát hiện. Tháng 7-2004, bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM đã thành công trong ca mổ đưa tim vào khoang ngực của một cháu bé ở Đồng Nai. Cháu có dị tật khuyết xương ức, tim chỉ có một tâm thất và tâm nhĩ. Xa hơn, tháng 3/2002, cháu Lê Thị Hoài An (quận 9, TP HCM cũng được phẫu thuật tại bệnh viện Nhi Đồng 2 sau khi chào đời được gần 10 tiếng. Do không có xương ức, tim của cháu lọt ra khỏi lồng ngực, nằm ở phía trên đám ruột cũng bị thoát ra khỏi thành bụng. Cùng với việc đưa các cơ quan về đúng vị trí, kíp mổ đã lấy 2 mẩu xương từ sụn sườn để tạo xương ức, đồng thời chỉnh hình màng bao tim và cơ hoành cho cháu An.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận