16/04/2016 09:44 GMT+7

Buýt Sài Gòn hứa "lột xác" như thế nào?

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Từ năm 2013 đến nay, số lượng hành khách TP.HCM đi xe buýt giảm theo từng năm. Trước tình hình này, các cơ quan chức năng đang có một loạt giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt.

Xe buýt số 27 chạy tuyến công viên 23-9 - bến xe An Sương đã có quảng cáo trên thân xe  - Ảnh: Duyên Phan
Xe buýt số 27 chạy tuyến công viên 23-9 - bến xe An Sương đã có quảng cáo trên thân xe - Ảnh: Duyên Phan

Trong tương lai rất gần, xe buýt TP.HCM sẽ có diện mạo mới. Xe buýt sẽ trở nên “xanh” hơn, nhanh hơn, tiện lợi hơn…

Xe buýt “xanh”

Phát biểu tại cuộc hội thảo sử dụng nhiên liệu CNG (khí nén thiên nhiên) trong giao thông vận tải tổ chức ngày 6-4, ông Lê Hoàng Minh - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - nói từ năm 2009 TP đã nghiên cứu sử dụng xe buýt chạy bằng nhiên liệu CNG.

Năm 2011, lần đầu tiên Công ty TNHH một thành viên xe khách Sài Gòn đưa vào hoạt động 21 xe buýt CNG nhập khẩu từ Hàn Quốc. Sau một năm hoạt động, các cơ quan chức năng đánh giá xe buýt CNG xả lượng khí thải rất thấp, đặc biệt là tiết kiệm được 23% chi phí nhiên liệu so với xe chạy dầu diesel.

Sự kiện này mở ra một trang mới cho ngành vận tải công cộng TP.HCM. Đến nay, ở TP.HCM đã có 137 xe sử dụng CNG (trong tổng số 2.683 xe buýt đang hoạt động) chở khách trên bốn tuyến xe buýt có trợ giá là tuyến số 1, 33, 104 và 151.

Theo Trung tâm khoa học công nghệ và môi trường giao thông - Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, kết quả thí điểm 21 xe buýt CNG chạy tuyến số 1 (Bến Thành - chợ Bình Tây) cho thấy giảm tổng lượng phát thải các chất độc hại là 39,30 tấn/năm so với xe buýt chạy diesel.

Nếu toàn TP.HCM sử dụng xe buýt CNG thay cho xe buýt diesel thì giảm được 5.109,61 tấn/năm chất độc hại phát tán vào môi trường.

Ông Trần Quốc Toản - tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) - cho biết với quyết tâm xây dựng một TP xanh, sạch, đẹp, ngay từ năm 2013 lãnh đạo TP phê duyệt đề án sản xuất 300 xe buýt CNG cho giai đoạn 2014-2017.

Mục tiêu là thay thế dần các xe buýt không còn đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng hệ thống giao thông xanh.

Trước đó, ngày 1-3, Hợp tác xã vận tải xe buýt 19-5 đã đầu tư 63 tỉ đồng mua 23 xe buýt CNG có sức chở 80 người để đưa vào hoạt động tuyến số 33 (bến xe An Sương - Suối Tiên - Đại học Quốc gia).

Ông Nguyễn Văn Triệu, giám đốc Hợp tác xã vận tải xe buýt 19-5, nói việc đầu tư xe buýt CNG không dễ, các xã viên có nhiều băn khoăn do giá một chiếc xe buýt CNG lên đến 2,75 tỉ đồng, trong khi giá mua xe buýt chạy dầu chỉ khoảng 50% xe CNG.

Lãnh đạo một đơn vị vận tải xe buýt khác thì phàn nàn đề án 300 xe buýt CNG chỉ sản xuất loại xe buýt có sức chở 80 người, muốn mua xe buýt CNG loại có sức chở 40 người hoặc 55 người lại không được hưởng chính sách ưu đãi, điều đó không tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải đầu tư xe buýt CNG loại nhỏ, phù hợp chạy trên các tuyến đường TP.

Ông Lê Hoàng Minh cho biết Nhà nước hỗ trợ 70% vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư xe buýt CNG, cho phép giữ lại phần chênh lệch về giá giữa nhiên liệu CNG và diesel trong cơ cấu tiền trợ giá xe buýt.

Sở Giao thông vận tải cũng nhìn nhận những cơ chế chính sách hỗ trợ hiện nay vẫn chưa tạo được sự đột phá trong việc đầu tư chuyển đổi vận tải công cộng bằng xe buýt CNG.

Sở sẽ có ý kiến trình cấp thẩm quyền bổ sung các giải pháp để phát triển và phổ biến sử dụng nhiên liệu sạch CNG.

Cũng tại hội thảo, nhiều đơn vị băn khoăn việc quá ít trạm cung cấp nhiên liệu CNG. Trả lời về việc này, lãnh đạo Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South) nói tính đến tháng 3-2016, tại TP.HCM có 1 trạm “mẹ” và 4 trạm “con” cung cấp nhiên liệu CNG. Dự kiến những năm tiếp theo sẽ đầu tư các trạm cung cấp CNG phù hợp với tình hình thực tế.

Đến nay, TP.HCM đã có 137 xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên, hoạt động trên bốn tuyến có trợ giá                           - Ảnh: Quang Định
Đến nay, TP.HCM đã có 137 xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên, hoạt động trên bốn tuyến có trợ giá - Ảnh: Quang Định

Vé xe buýt thông minh

Ông Đậu An Phúc - giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM - cho biết dự kiến cuối năm nay sẽ đưa vé xe buýt thông minh vào áp dụng trong toàn bộ mạng lưới.

Tuy nhiên, việc áp dụng vé thông minh như thế nào còn phải chờ cơ quan thẩm quyền ban hành chính sách, cơ chế trợ giá cụ thể đối với người đi xe buýt.

Chẳng hạn người đi xe buýt bằng vé thông minh sẽ trả tiền thấp hơn so với người lên xe buýt trả tiền mặt, điều này sẽ khuyến khích mọi người sử dụng vé xe buýt thông minh.

Ông Lâm Thiếu Quân - đại biểu HĐND TP.HCM - cho rằng vấn đề chính là TP cần sớm ban hành chính sách, cơ chế trợ giá cho xe buýt để áp dụng cho vé thông minh.

Việc trợ giá cho hành khách qua vé xe buýt thông minh sẽ làm nhà xe thay đổi phong cách phục vụ hành khách, bởi khách đi xe buýt nhiều thì nhà xe sẽ nhận được trợ giá nhiều.

Hành khách mua vé thông minh sẽ phải trả tiền trước, như vậy các đơn vị có ngay nguồn vốn để đầu tư, duy tu xe buýt.

Ngoài ra, từ dữ liệu vé thông minh, đơn vị quản lý biết được lượng hành khách đi nhiều ở những tuyến nào, giờ nào để lập kế hoạch tăng cường xe đến những tuyến có khách đi đông hoặc giảm xe ở những giờ có ít khách...

Theo GS.TS Nguyễn Thị Cành - Trường đại học Kinh tế - luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, nếu vẫn trợ giá xe buýt bằng cách cấp thẳng cho doanh nghiệp vận tải thì sẽ không khuyến khích doanh nghiệp vận tải tiết kiệm chi phí, nhất là thiếu công bằng đối với doanh nghiệp vận tải xe buýt không được trợ giá xe buýt.

Cần phải đổi mới bằng cách trợ giá cho người sử dụng xe buýt thông qua vé xe buýt thông minh.

Đồ họa: Vĩ Cường
Đồ họa: Vĩ Cường

Năm 2018 có tuyến xe buýt nhanh (BRT)

UBND TP cho biết dự án xe buýt BRT đang được TP quy hoạch và xây dựng sáu tuyến. Trước mắt triển khai tuyến buýt nhanh số 1 trên đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM (UCCI), chủ đầu tư dự án - giải thích tuyến buýt BRT số 1 trên đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ là loại hình vận tải hành khách công cộng mới, có thời gian vận chuyển ngắn hơn, tiện nghi hơn, an toàn hơn.

Xe buýt BRT chạy nhanh hơn xe buýt bình thường ở chỗ có làn đường ưu tiên, khi xe đến giao lộ được đèn tín hiệu giao thông cho ưu tiên. Đây cũng là tuyến xe buýt thân thiện với môi trường, các xe đều sử dụng nhiên liệu CNG.

Dự án tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 chạy ở giữa đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ có tổng chiều dài 23km.

Trong đó có 28 trạm dừng, 17 cầu đi bộ (11 cầu xây mới, 6 cầu cải tạo) để tạo thuận lợi cho người dân từ hai bên đường tiếp cận với tuyến xe buýt. Hiện dự án đang trong quá trình thiết kế chi tiết và tuyển chọn nhà thầu.

Dự kiến công trình thi công vào tháng 1-2017, đưa vào vận hành cuối năm 2018. Tổng mức đầu tư dự án là 137,5 triệu USD.

PGS.TS Phạm Xuân Mai - Trường đại học Bách khoa TP.HCM - cho rằng suất đầu tư tuyến buýt BRT trên đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ chỉ bằng 10% so với suất đầu tư 125 triệu USD/km tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Thời gian thi công một tuyến metro ở VN bình quân là 10 năm, còn thời gian thi công tuyến BRT chỉ mất 12-18 tháng. Việc đầu tư tuyến BRT với công nghệ hiện đại, tiện nghi cao, tốc độ nhanh gấp 2 lần so với xe buýt thường sẽ thu hút người dân đi lại trên tuyến này.

Có thể nói, đây là hình mẫu cho hệ thống xe buýt thông thường, từ đó góp phần giảm ùn tắc giao thông, hạn chế xe cá nhân hiệu quả.

Theo UCCI, ngoài dự án tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 chạy ở giữa đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh), TP.HCM còn quy hoạch năm tuyến khác: tuyến số 2: đường Nguyễn Văn Linh từ bến xe Miền Tây mới tới cầu Phú Mỹ dài khoảng 24km; tuyến số 3: đường vành đai 2 TP từ ngã tư An Sương đến bến xe Miền Tây mới dài khoảng 19km; tuyến số 4: trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài đoạn từ Kha Vạn Cân đến công viên Chiến Thắng dài khoảng 14,5km; tuyến số 5: đường Thoại Ngọc Hầu - vành đai trong - nối dài ra đường Nguyễn Văn Linh, dài khoảng 8,7km; tuyến số 6: dọc theo đường Quang Trung, khoảng 8,5km. Các tuyến BRT khác sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng căn cứ vào nhu cầu đi lại.

Xây dựng thêm nhiều cơ sở hạ tầng cho xe buýt

Báo cáo với thường trực Thành ủy TP.HCM về tổng kết chương trình giảm ùn tắc giao thông trong giai đoạn 2011-2015, UBND TP.HCM cho biết những tồn tại và hạn chế để thu hút hành khách đi lại bằng xe buýt là: luồng tuyến chưa phủ kín, hoạt động chưa đúng giờ.

Bản báo cáo này cũng cho biết kết quả điều tra năm 2013 có đến 65,6% ý kiến than phiền xe buýt chạy nhanh quá hoặc chạy ẩu, 50,3% ý kiến cho rằng xe buýt không dừng hẳn hoặc không dừng sát lề để đón trả khách... Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc người dân quay lưng với xe buýt.

Tại hội thảo về đánh giá hiệu quả trợ giá xe buýt tổ chức ngày 8-4, ông Đậu An Phúc nói tính tới cuối năm 2015, mạng lưới tuyến xe buýt đã phát triển đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng nhưng luồng tuyến vẫn chưa hợp lý dẫn đến sự trùng lắp tuyến trên các trục đường chính.

Việc triển khai bố trí bến bãi theo quy hoạch còn chậm, diện tích đất dành cho hoạt động xe buýt tại các bến xe liên tỉnh rất ít, không đảm bảo nhu cầu đón trả khách.

Giải pháp ra sao? Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, trong giai đoạn 2016-2017 sẽ triển khai bốn giải pháp về cơ sở hạ tầng gồm: rà soát bố trí quỹ đất cho giao thông tĩnh (bến bãi); triển khai công tác đầu tư xây dựng để đưa vào hoạt động bến xe buýt Tân Phú, bến xe buýt Cần Giờ, đầu mối trung chuyển Nhà Bè; đầu tư xây dựng bến xe buýt hành lang xa lộ Hà Nội, bến xe buýt Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Hóc Môn, Tân Thuận Đông...

Đồng thời tổ chức lại mạng lưới tuyến theo hướng liên thông và phủ khắp, tiếp tục đề án quy hoạch phát triển vận tải công cộng TP đến năm 2025 để làm tiền đề phát triển mạng lưới xe buýt ổn định.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên