←
1,5 năm hoạt động, tuyến buýt điện D4 lỗ 28,6 tỉ đồng
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa báo cáo UBND TP về tình hình triển khai tuyến xe buýt điện trên địa bàn TP. Theo kế hoạch, 5 tuyến buýt điện ở TP.HCM sẽ triển khai thí điểm với thời gian 24 tháng kể từ khi các tuyến đi vào hoạt động. Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus (gọi tắt Công ty VinBus) là đơn vị vận hành các tuyến buýt này.
Tháng 3-2022, tuyến buýt điện D4 (Vinhomes Grand Park - bến xe buýt Sài Gòn) là tuyến xe buýt điện đầu tiên tại TP.HCM đi vào hoạt động. Buýt điện được người dân quan tâm bởi xe được trang bị các tiện ích hiện đại. Trong 9 tháng đầu năm nay, buýt điện D4 thực hiện 28.842 chuyến, chở 819.875 lượt khách.
Tuy nhiên, lượng khách bình quân mỗi chuyến buýt điện tăng nhưng doanh thu vẫn không đủ bù chi phí. Về lý do, theo báo cáo của Công ty VinBus, tỉ lệ trợ giá cho tuyến xe buýt điện D4 hiện nay là quá thấp (44,1%). Mức này chỉ bằng khoảng 2/3 so với tỉ lệ giá của tuyến xe buýt sử dụng diesel, CNG (khí nén thiên nhiên).
Việc này dẫn đến Công ty VinBus thua lỗ lớn. Cụ thể lỗ 16,1 tỉ đồng trong năm 2022, còn 8 tháng đầu năm 2023 lỗ 12,5 tỉ đồng. Vì vậy, VinBus đã đề nghị điều chỉnh tỉ lệ trợ giá cho các tuyến xe buýt điện từ 44,1% lên 64,8%. Mức trợ giá này sẽ bằng tỉ lệ trợ giá bình quân hệ thống các tuyến xe buýt năm 2023.
Nếu không được xem xét điều chỉnh và sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho buýt điện thì công ty không thể mở tiếp được các tuyến còn lại. Đồng thời Công ty VinBus xin dừng hoạt động của tuyến buýt điện D4 vào cuối năm 2023 do thua lỗ.
Tình hình 4 tuyến buýt điện còn lại ra sao?
Ngoài vấn đề trợ giá còn thấp, theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, có một số khó khăn khác khiến 4 tuyến buýt điện còn lại chưa được vận hành đúng kế hoạch ban đầu.
Cụ thể, Công ty VinBus đã tìm kiếm và đầu tư quỹ xây dựng depot với diện tích từ 1,5 đến 2ha với đầy đủ cơ sở vật chất như văn phòng, nhà xưởng bảo dưỡng sửa chữa, hệ thống hạ tầng trạm sạc, bãi đỗ... Công ty cũng triển khai các thủ tục để xây dựng depot tại TP Thủ Đức.
Tuy nhiên theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, quy trình thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án phải trải qua nhiều bước và chờ thẩm định phê duyệt từ nhiều sở ngành khác nhau nên kéo dài thời gian. Ngoài ra, việc thay đổi chủ trương, chính sách về lĩnh vực xây dựng cũng ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án.
Về tiến độ, Công ty VinBus cũng đã có báo cáo kế hoạch mở các tuyến còn lại khi được điều chỉnh tỉ lệ trợ giá và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá vận chuyển cho xe buýt điện. Cụ thể, 4 tuyến buýt dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 5 và tháng 6-2024.
Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, khuyến khích doanh nghiệp vận tải công cộng sử dụng phương tiện xanh, Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị UBND TP chấp thuận áp dụng tỉ lệ trợ giá 64,8% cho 5 tuyến buýt điện trong năm 2023.
Bởi tỉ lệ trợ giá của tuyến D4 hiện nay là thấp so với bình quân toàn hệ thống xe buýt của TP. Còn tại Hà Nội, Công ty VinBus báo cáo là 9 tuyến xe buýt điện được Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội đặt hàng với tỉ lệ trợ giá bình quân 80%.
Thăm dò ý kiến
Để tháo gỡ khó khăn cho các tuyến xe buýt điện ở TP.HCM có nguy cơ ngừng chạy, nhiều giải pháp được đề xuất. Bạn chọn phương án nào?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận