Biểu tình trước Đại sứ quán Pháp ở London (Anh) vào ngày 25-8 để phản ứng việc cấm mặc burkini - Ảnh: Reuters |
“Tôi từ chối áo tắm burkini trên các bãi biển cũng như các hồ bơi ở Pháp. Tôi ủng hộ hoàn toàn các thị trưởng cánh tả cũng như cánh hữu cấm đoán loại áo này để gìn giữ trật tự công cộng |
Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy |
Nước Pháp đang trong những ngày nóng. Dân đổ ra biển hưởng những ngày hè cuối cùng. Nhưng cùng lúc âm ỉ mấy ngày qua là chuyện cấm mặc đồ tắm kiểu Hồi giáo (burkini) ở ngoài bãi biển.
Hiện chỉ mới một số thị trấn, thành phố nhỏ quyết định như thế nhưng chiều hướng có vẻ gia tăng nhanh.
Tranh cãi dữ dội
Vấn đề trở thành lớn chuyện khi người ta bắt đầu tranh cãi việc ban hành lệnh cấm như thế có phải đã vi phạm nhân quyền, có hợp hiến hay không.
Một số tổ chức như Liên đoàn Quyền con người (LDH) và Ủy ban chống tình trạng bài xích Hồi giáo của Pháp (CCIF) đã đệ đơn lên Hội đồng quốc gia - thể chế có nhiệm vụ xem xét các quy định về hành chính của nước Pháp.
Ba thẩm phán của Hội đồng quốc gia đã xem xét các vấn đề đó từ ngày 25-8 và sang đến ngày 26-8 họ đã đưa ra kết luận cuối cùng vào buổi chiều.
Phán quyết ở cấp tối cao đang được chờ đợi bởi nó rất quan trọng trong thời điểm này. Ít nhất 30 địa phương tại Pháp đã có những lệnh liên quan cách ăn mặc kiểu Hồi giáo ở nơi công cộng. Xem ra vụ việc có thể là những cuộc cãi cọ liên hồi trước tòa bởi ai cũng bảo vệ cái lý của mình.
Như luật sư của hai tổ chức LDH và CCIF lập luận: “Bộ đồ tắm burkini chẳng có gì khác biệt với một tấm khăn choàng đầu. Nó chỉ là một tấm khăn trùm thêm trên đầu kết hợp với một bộ đồ tắm che kín người”.
Luật sư Patrice Spinosi đặt câu hỏi thêm: “Nếu ông thị trưởng ở Villeneuve-Loubet muốn cấm dấu hiệu tôn giáo ở bãi tắm thì tại sao không cấm luôn ở ngoài đường phố?”.
Xa hơn một chút, vấn đề cấm mặc áo tắm burkini cũng có thể bị xem là vi phạm tự do tín ngưỡng vốn cho phép người dân Pháp có quyền thể hiện niềm tin tôn giáo của mình.
Phía luật sư của chính quyền Villeneuve-Loubet cũng không hề yếu lý lẽ. Họ thậm chí không vận dụng đến các yếu tố như tôn trọng vệ sinh, yếu tố vô thần ở nơi công cộng, yếu tố thuần phong mỹ tục vốn được dẫn giải trong quyết định của chính quyền địa phương để cấm mặc burkini.
Các luật sư phía chính quyền hiện chỉ tập trung vào một luận điểm duy nhất: nguy cơ gây rối loạn trật tự công cộng.
Ví dụ có những người thấy chướng tai gai mắt với bộ đồ burkini và có thể dẫn đến gây gổ, đánh nhau. Nguyên tắc phòng tránh nguy cơ bất ổn thật ra được luật cho phép ban hành các quy định để ngăn chặn.
Luật sư François Pinatel bên nhóm của chính quyền lập luận: “Trước khi có quy định ban bố ngày 5-8, trên các bãi biển của Villeneuve-Loubet có nhiều người mặc burkini lắm. Nhưng nay thì tình hình yên ổn rồi”.
Các luật sư của chính quyền không chứng minh được vụ việc cụ thể nào liên quan đến chuyện bất an do áo tắm burkini gây ra ở Villeneuve-Loubet, nhưng lập luận rằng tinh thần chống đối Hồi giáo đã tăng lên ở địa phương sau các vụ tấn công khủng bố tại Paris và đặc biệt là ở Nice hôm 14-7.
Luật sư Pinatel biện hộ: “Các thị trưởng phải tìm cách làm giảm căng thẳng. Họ phải thực thi các biện pháp phòng ngừa để tránh tình hình diễn biến xấu đi”.
Sarkozy cứng rắn
Phía bên ủng hộ cấm áo tắm burkini cũng đang dần nhận được nhiều sự ủng hộ cả lặng lẽ lẫn công khai. Mạnh nhất chính là tuyên bố của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy - người vừa tuyên bố ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ tới.
Ngay trong buổi vận động đầu tiên của ông tại Châteaurenard hôm 25-8, vị cựu tổng thống cánh hữu đã đề cập đến vấn đề đang là điểm nóng với quan điểm rất cứng rắn như cách lâu nay của ông:
“Tôi yêu cầu có luật cấm mặc burkini trên toàn lãnh thổ của nước cộng hòa chúng ta. Chúng ta không thể để cho các thị trưởng phải một mình đối mặt với sự khiêu khích này”.
Trong những lần phát biểu công khai trước đây, vị cựu tổng thống Pháp cũng từng cho rằng việc mặc burkini là “hành vi chính trị” và ông cũng đã lên tiếng kêu gọi chính quyền phải ban luật cấm mọi biểu hiện tôn giáo mang tính phô trương ở trường học phổ thông, đại học, trong các cơ quan hành chính cũng như trong các công ty.
Chuyện tranh luận về cấm hay không cấm áo tắm burkini ở Pháp đang bị một số quốc gia phát triển khác nhìn nhận như sự vi phạm quyền tự do, bình đẳng nhưng xem ra điều đó chưa làm nhiều chính trị gia Pháp lung lay trong quyết định.
Tin giờ chót Phán quyết cuối cùng của Tòa tối cao: Lệnh cấm mặc burkini nơi công cộng bị đình chỉ. Hội đồng Nhà nước tuyên bố chính quyền địa phương chỉ có thể hạn chế quyền tự do cá nhân nếu việc mặc áo tắm kiểu Hồi giáo là một “nguy cơ đã được chứng minh” có thể ảnh hưởng đến trật tự công cộng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận