11/04/2025 13:39 GMT+7

Búp bê Daruma là gì mà ai đến Nhật Bản cũng mua về?

Daruma - những con búp bê tròn trĩnh, cao từ vài centimet đến vài mét - được xem là một trong những món đồ lưu niệm “quốc dân” của Nhật Bản.

Nhật Bản - Ảnh 1.

Búp bê Daruma có ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa Nhật Bản - Ảnh: REBECCA CAIRNS/CNN

Theo CNN, búp bê Daruma còn có ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa Nhật Bản. Đằng sau mỗi con búp bê là một nghi thức đầy quyết tâm và hy vọng.

Ngôi chùa Daruma ở Nhật Bản

Tại ngôi chùa 1.300 năm tuổi Katsuo-ji, nằm cách trung tâm Osaka khoảng một giờ đồng hồ trong công viên quốc gia Minoh, hàng ngàn con búp bê Daruma có mặt ở mọi ngóc ngách.

Theo lời chùa, Katsuo-ji bắt đầu được biết đến là "ngôi chùa Daruma" cách đây khoảng 100 năm, cũng là thời điểm nơi đây bắt đầu bán những con búp bê này.

Daruma được xem là một loại bùa may mắn ở Nhật Bản và là biểu tượng của sự quyết tâm, tham vọng, đồng thời cũng trở thành một trong những món quà lưu niệm được nhận diện và ưa chuộng nhất ở đất nước này.

"Có cả một quy trình khi bạn mua búp bê Daruma", Marco Fasano, một hướng dẫn viên du lịch người Ý sinh sống tại Nhật Bản giải thích.

"Bạn cần nghĩ đến điều mình muốn đạt được, viết điều ước lên búp bê, tô một con mắt, thanh tẩy búp bê bằng nhang thơm, rồi mang theo bên mình", anh nói.

Không giống như các bùa may mắn hay nghi lễ khác, búp bê Daruma không chỉ đơn thuần là cầu mong điều ước sẽ thành sự thật.

"Mỗi khi nhìn vào búp bê Daruma, bạn cần nhớ đến điều ước và tự hỏi 'hôm nay mình sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đó?'. Đây là một cách nhắc nhở bạn rằng mình cần nỗ lực để đạt được ước mơ".

Con mắt thứ hai chỉ được tô khi mục tiêu đã hoàn thành. Lúc này, búp bê Daruma có thể được mang trả về chùa. "Khi bạn đến chùa và thấy tất cả những người khác đã được toại nguyện, đó là bằng chứng rằng bạn cũng có thể thực hiện được điều ước của mình", Fasano nói.

Nhật Bản - Ảnh 2.

Hình dáng tròn trịa, có màu đỏ và mang biểu cảm cau có, búp bê Daruma đại diện cho Bồ Đề Đạt Ma - Ảnh: REBECCA CAIRNS/CNN

Biểu tượng của sự kiên trì

Hình dáng tròn trịa, có màu đỏ và mang biểu cảm cau có, búp bê Daruma đại diện cho Bồ Đề Đạt Ma (trong tiếng Nhật là "Daruma"), người sáng lập Thiền tông. 

Các tín đồ tin rằng vị sư này đã thiền định lâu đến mức mất đi tay chân, điều này được thể hiện qua hình dáng tròn của búp bê, với phần đáy được làm nặng để luôn bật dậy mỗi khi bị xô ngã.

"Búp bê trở thành biểu tượng của sự kiên trì", Fasano nói. "Theo Thiền tông, câu trả lời luôn nằm sẵn bên trong bạn".

Một truyền thuyết khác kể rằng vị sư đã cắt bỏ mí mắt để không ngủ gật khi thiền định - lý do giải thích cho đôi mắt mở to của búp bê.

Búp bê Daruma chứa đựng nhiều hình ảnh cát tường, từ màu đỏ may mắn đến cặp lông mày rậm và bộ râu dài, đại diện cho chim hạc và rùa - hai loài vật gắn với sự trường thọ và may mắn trong văn hóa Nhật Bản.

Chùa Katsuo-ji không phải là "ngôi chùa Daruma" duy nhất ở Nhật. Tại Kyoto gần đó, chùa Hōrin-ji, hay còn gọi là "Darumadera", sở hữu khoảng 8.000 búp bê Daruma. Nhiều búp bê trong số đó được đặt trong một gian nhà đặc biệt do các tín đồ góp tiền xây dựng.

Khoảng 80% búp bê Daruma tại Nhật Bản được sản xuất ở Takasaki, một thị trấn thuộc tỉnh Gunma, khu vực Kanto. Tại đây nghề thủ công truyền thống làm Daruma bằng giấy bồi có lịch sử khoảng 200 năm.

Búp bê Daruma là gì mà ai đến Nhật Bản cũng mua về? - Ảnh 3.Saigon Centre tổ chức Lễ hội Nhật Bản

Saigon Centre, dự án phức hợp hàng đầu của Keppel tại TP.HCM, tổ chức Lễ hội Nhật Bản thường niên từ ngày 6 đến 20-4, đánh dấu năm thứ tư liên tiếp.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên