So với mọi năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất có mức thưởng khá.
Công nhân Công ty Pou Chen VN vui vẻ khi tan ca chiều 5-1, sau khi nghe thông báo thưởng tết - Ảnh: Xuân An |
Có đến 1.200 nhân viên bao gồm công nhân sản xuất và nhân viên văn phòng, nhưng mức thưởng tết năm nay của Công ty CP bóng đèn Ðiện Quang được chủ tịch HÐQT Hồ Quỳnh Hưng thông báo “tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Nơi tăng, nơi giảm
Đồng Nai: đảm bảo công nhân có thưởng tết Ông Tăng Quốc Lập - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai - cho biết việc thưởng tết tùy điều kiện của doanh nghiệp nhưng liên đoàn đã yêu cầu công đoàn cơ sở phải giám sát chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của công dân theo quy định của pháp luật. Trong khi đó ông Nguyễn Minh Quang - chủ tịch công đoàn Công ty Pouchen VN - cho biết dù gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì mức thưởng như năm trước, từ 1-2,2 tháng lương/người tùy thâm niên. Ngoài ra công ty cũng lo toàn bộ vé xe cho 1.500 công nhân về quê đón tết với số tiền khoảng 1,5 tỉ đồng, chưa kể quà tết cho công nhân trị giá 250.000 đồng/phần quà. |
Theo ông Hưng, dự kiến tổng chi phí thưởng của công ty dành cho dịp Tết Ất Mùi xấp xỉ 30 tỉ đồng, với mức thưởng bình quân ba tháng lương/người.
“Hiện lương bình quân của nhân viên công ty khoảng 8 triệu đồng/người. Mức thưởng trên hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực mà tập thể công ty đã làm việc trong năm qua để đưa doanh số tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế tăng 60-70% so với năm 2013” - ông Hưng nói.
Chưa thể tiết lộ mức thưởng cụ thể nhưng ông Nguyễn Chí Trung - giám đốc Công ty giày Gia Ðịnh - khẳng định “quỹ thưởng năm nay của công ty dự kiến tăng 5% so với năm ngoái, trong đó mức thưởng cơ bản là thưởng thêm tháng 13”.
Có đến 3.500 công nhân, ông Trung thừa nhận “bảo đảm được mức thưởng cho số lượng công nhân lên đến hàng ngàn người thật sự là áp lực rất lớn của doanh nghiệp, nhất là khi mức độ cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt”.
Theo ông Trung, ngoài tháng lương 13, công ty còn dành mức thưởng theo hiệu quả công việc, theo chế độ bình bầu tiêu chuẩn dành cho một số bộ phận nên ở từng vị trí và bộ phận khác nhau, các mức thưởng có thể khác nhau nhưng cơ bản ai cũng sẽ được thưởng.
Ngoài ra, khối sản xuất trực tiếp còn được công ty xem xét hỗ trợ thêm chi phí thuê xe về quê. “Chúng tôi vẫn đang chờ thông tin kết quả kinh doanh cuối cùng. Nếu mọi thứ khả quan, chắc chắn những khoản hỗ trợ dự kiến sẽ thành hiện thực” - ông Trung cam kết.
Trong khi đó ông Lý Thành Sinh - chủ tịch HÐTV Công ty TNHH Minh Long Hưng, doanh nghiệp chuyên sản xuất quần áo trẻ em - cho hay sẽ chi 200-250 triệu đồng để thưởng tết cho khoảng 50 nhân viên.
“Mức thưởng tết của chúng tôi năm nay giảm do doanh thu giảm 60% so với năm trước bởi sức mua quá yếu. Tôi khất lại anh em khoản thưởng đặc biệt, vốn được áp dụng hằng năm, dành cho cá nhân có nhiều đóng góp hoặc có thành tích tốt, sẽ đưa sau. Cũng vì năm nay khó khăn quá...” - ông Sinh nói.
Ông Trần Việt, trưởng ban thị trường Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), cho biết phần lớn doanh nghiệp trong tập đoàn này khi được khảo sát đều có mức thưởng tết tăng bình quân 15% so với năm ngoái.
Tại khu vực phía Bắc, mức thưởng phổ biến của các doanh nghiệp là 1-1,5 tháng lương/người, trong khi khu vực miền Trung và Nam hai tháng lương/người.
“Tùy quy mô của từng doanh nghiệp tại từng vùng miền, mức lương căn cứ thưởng cho người lao động sẽ khác nhau, bình quân dao động +/- từ 7-10 triệu đồng” - ông Việt cho hay.
Phải thưởng để giữ chân người lao động
Theo ông Nguyễn Ðức Thuấn - chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso), dù chưa có thông tin chính xác “nhưng phần lớn doanh nghiệp trong hiệp hội đều cam kết sẽ có lương tháng 13 cho người lao động. Trừ những doanh nghiệp quá cá biệt chứ tôi tin chắc doanh nghiệp nào cũng muốn có tiền để thưởng cho công nhân sau một năm lao động quá vất vả. Không có nhiều thì cũng phải có ít nếu vẫn muốn giữ chân người lao động” - ông Thuấn khẳng định.
Theo các doanh nghiệp, để giữ chân được người lao động trong bối cảnh “thất thoát” nguồn lực diễn ra rất phổ biến hiện nay, một chính sách đãi ngộ tương xứng, cộng thêm “cái tình, cái chăm lo của lãnh đạo, chủ doanh nghiệp đối với người lao động” cũng góp phần không nhỏ đến việc “đi, ở” của người làm công, nhân viên.
“Chúng tôi luôn có các chính sách lương thưởng công khai minh bạch, dành cho mọi cấp độ làm việc và áp dụng phương pháp KPI (chỉ số đánh giá năng lực) để đánh giá năng lực của từng người” - ông Hồ Quỳnh Hưng chia sẻ.
Theo ông Hưng, khi triển khai áp dụng KPI, mọi thành viên của công ty đều cảm thấy có động lực làm việc “bởi họ nhìn vào đó và tự biết kết quả cuối năm mình sẽ gặt hái được quả ngọt gì nếu biết cố gắng, chăm chỉ làm việc”.
Ðiều ông Hưng tâm đắc khi áp dụng KPI là mọi nhân viên được đánh giá năng lực, hiệu quả công việc một cách định lượng chứ không phải theo cảm tính.
Ông Lý Thành Sinh cho biết: “Dù phải khất lại khoản thưởng “đặc biệt” nhưng ai cũng vui vẻ thông cảm vì biết các món quà đó chủ yếu là cái tình, thể hiện sự quan tâm chăm sóc đến những điều họ cần trong cuộc sống, chứ không phải từ giá trị vật chất đơn thuần.
Và họ cũng hiểu lý do tôi khất vì năm nay công ty tập trung đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua sắm thêm máy móc thiết bị để chuẩn bị đón những cơ hội làm ăn mới.
Tuy nhiên, các chế độ thưởng khác như tặng phần quà cho mỗi công nhân trị giá khoảng 500.000 đồng/người, hoặc thuê xe về quê và hoàn trả chi phí cho người lao động lúc trở lại làm việc vẫn được công ty giữ nguyên như mọi năm để họ yên tâm về quê đón xuân cùng gia đình”.
Dù đã quyết định dành hai tháng lương cơ bản cho mức thưởng tết năm nay, tương ứng khoảng 7-8 triệu đồng/người, nhưng ông Lê Hồng Thắng, tổng giám đốc Công ty gỗ Ðức Thành, vẫn đang xin ý kiến cổ đông công ty có thể thêm lương tháng 15 cho công nhân.
“Tôi đang chờ báo cáo kết quả kinh doanh cuối cùng. Nếu mọi thứ suôn sẻ thì việc thêm một tháng thưởng cho người lao động cũng là xứng đáng” - ông Thắng nói. Trong khi đó ông Nguyễn Thanh Trung - tổng giám đốc Công ty CP tôn Ðông Á - cho hay công ty luôn có quỹ dự phòng dành riêng cho các khoản lương thưởng tết, “bất chấp tình hình kinh doanh có xấu hơn năm trước”.
Với mức thưởng bình quân 8-10 triệu đồng/người kèm phần quà trị giá 500.000 đồng cho 700 nhân viên trong dịp tết này, ông Trung ước tính quỹ thưởng dự chi lên đến 7-8 tỉ đồng.
“Khi lương đáp ứng được mức sống cơ bản của người lao động, cộng với môi trường làm việc bình đẳng, có mức đãi ngộ tương xứng với giá trị đóng góp của từng thành viên, tôi tin người lao động nào cũng muốn được gắn bó lâu dài với nơi ấy” - ông Trung nói.
Bình Dương: mức thưởng không giảm Ông Bùi Thanh Nhân - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương - cho biết qua nắm sơ bộ một số doanh nghiệp lớn cho thấy mức thưởng tết năm nay không giảm so với năm trước, hầu hết doanh nghiệp đều duy trì mức thưởng tết là một tháng lương cơ bản (bao gồm phụ cấp, tiền chuyên cần...). Ngoài ra, các doanh nghiệp và liên đoàn cũng lên kế hoạch tặng 1.400 vé xe cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn, một số doanh nghiệp có đông lao động cũng có kế hoạch chuẩn bị xe đưa rước miễn phí người lao động về quê ăn tết. Ông Nguyễn Minh Hoàng - chủ tịch công đoàn Công ty Shyang Hung Cheng (9.000 công nhân, chuyên lĩnh vực may mặc tại thị xã Thuận An) - cho biết công đoàn đang đề nghị công ty thưởng tết với mức 100% tháng lương cơ bản, thay vì 85%/tháng lương như dự kiến. Tương tự, Công ty TNHH điện tử Foster (10.000 công nhân, KCN VSIP 2) cũng dự kiến mức thưởng năm nay là một tháng lương như mọi năm. Đà Nẵng: thưởng tết cao nhất 300 triệu đồng Theo Phòng Lao động - tiền lương - bảo hiểm xã hội thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP Đà Nẵng, tính đến nay đã có 398 doanh nghiệp báo cáo kế hoạch thưởng Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, trong đó mức thưởng tết cao nhất lên tới 300 triệu đồng. Bình quân tiền thưởng Tết dương lịch 2015 tăng 51,8% và Tết Nguyên đán Ất Mùi tăng 25,5%. Cụ thể, đối với công ty CP có vốn nhà nước, mức thưởng Tết dương lịch cao nhất 10.800.000 đồng/người và thấp nhất 200.000 đồng/người, Tết Nguyên đán cao nhất là 300.000.000 đồng/người và thấp nhất 300.000 đồng/người. Với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức thưởng Tết dương lịch cao nhất hơn 25 triệu đồng/người và thấp nhất 100.000 đồng/người, Tết Nguyên đán cao nhất hơn 146 triệu đồng/người và thấp nhất 1 triệu đồng/người. Doanh nghiệp dân doanh thưởng cao nhất là Tết dương lịch hơn 90 triệu, Tết Nguyên đán 50 triệu đồng, thấp nhất 100.000 - 500.000 đồng. Trong khi đó, các công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu vốn có mức thưởng tết thấp nhất so với các loại hình doanh nghiệp khác, cao nhất hơn 7,5 triệu đồng đối với Tết dương lịch và 30 triệu đồng cho Tết Nguyên đán, mức thấp nhất 100.000 - 500.000 đồng. Cần Thơ: thưởng tết thấp nhất 360.000 đồng Sở Lao động - thương binh và xã hội TP Cần Thơ cho biết kết quả khảo sát 1.201 doanh nghiệp về kế hoạch thưởng Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2015 cho thấy mức thưởng đều thấp hơn năm trước, trong đó khối doanh nghiệp dân doanh giảm 26%, khối doanh nghiệp nhà nước giảm 2,8%, chỉ có khối doanh nghiệp FDI tăng 11,2%. Cụ thể, đối với Tết dương lịch mức thưởng cao nhất của khối doanh nghiệp FDI là 66 triệu đồng, của doanh nghiệp cổ phần 50 triệu đồng, của khối doanh nghiệp 100% Nhà nước 5 triệu đồng, của doanh nghiệp dân doanh 4 triệu đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp ở lĩnh vực khách sạn đứng đầu về thưởng Tết Nguyên đán với mức cao nhất 104 triệu đồng, kế đến doanh nghiệp thuốc lá với 66 triệu đồng. Mức thưởng Tết Nguyên đán 2015 thấp nhất thuộc về doanh nghiệp thủy sản với mức thưởng 360.000 đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận