Buồn vui theo… thời tiết

MẬU TRƯỜNG - THÀNH NHƠN 21/01/2017 17:01 GMT+7

TTCT - Những ngày cuối năm, chỉ một trận mưa trái mùa với cường độ vừa phải cũng đủ làm người trồng hoa miền Tây lo lắng. Bởi với nghề trồng hoa, đây là thời điểm quyết định thành bại cả một năm đầu tư công sức, tiền bạc.

Gà được tạo hình từ cây tắc có giá bán dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng mỗi cặp-Mậu Trường
Gà được tạo hình từ cây tắc có giá bán dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng mỗi cặp-Mậu Trường


Còn khoảng một tuần nữa là chính thức đến Tết Đinh Dậu 2017, những giỏ cúc vàng tại làng hoa Cái Mơn (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) sẽ theo những chuyến xe, chuyến ghe tỏa ra các hướng phục vụ thị trường Tết. Thế nhưng trời như muốn thử thách hơn 4.000 hộ dân trồng hoa tại đây, nên liên tục làm mưa vào thời điểm hoa đang trổ bông.

Thử thách làng nghề

Dùng tay gạt nhẹ những giọt nước đọng trên cánh hoa cúc vạn thọ sắp đến ngày bán, anh Lê Văn Phương, nhà vườn tại huyện Chợ Lách, cho biết 10 năm trồng hoa, chưa năm nào thời tiết thất thường như năm nay.

“Lúc cần mưa thì không có giọt nào, đến độ sắp thu hoạch lại mưa liên tục khiến bông hoa ngậm nước, trở nên nặng nề, dễ gãy. Chưa kể trời cứ âm u như thế này hoa sẽ nở không đều do thiếu ánh nắng mặt trời” - anh Phương rầu rĩ nói.

Đáng lẽ cạnh vườn cúc vạn thọ của anh Phương sẽ là vườn cúc Hà Lan của ông Lê Văn Thành. Nhưng đợt triều cường cuối năm 2016 đã làm hư toàn bộ số hoa trên, nên ông Thành đã thay bằng cúc vạn thọ.

Theo ông Thành, cúc Hà Lan có chu kỳ phát triển khoảng 6 tháng nên hứng chịu nhiều sự biến đổi khí hậu trong năm. Loại hoa này tuy giá bán cao nhưng chỉ cần tác động xấu của khí hậu là mất trắng.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, trưởng Phòng nông nghiệp huyện Chợ Lách, cho biết những ngày qua không chỉ người trồng hoa mà bản thân ông cũng thấp thỏm với thời tiết thất thường: “Những đợt mưa như thế này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoa của Cái Mơn.

Mai vàng ra hoa sớm, cúc nở không đều... Giờ chỉ còn cách dùng phân bón lá và chất hỗn hợp để ráng giữ hoa được ngày nào hay ngày đó”.

Nông dân tại làng hoa Cái Mơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre chăm sóc vườn hoa của mình để phục vụ Tết-Mậu Trường
Nông dân tại làng hoa Cái Mơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre chăm sóc vườn hoa của mình để phục vụ Tết-Mậu Trường

 

Ông Liêm thông tin thêm năm nay làng hoa Cái Mơn sẽ tung ra thị trường khoảng 9 triệu sản phẩm, giảm gần 3 triệu sản phẩm so với năm trước do ảnh hưởng bởi hạn, mặn.

Nhưng bù lại năm nay giá hoa tăng khoảng 30% so với năm ngoái, nên nhà vườn có thể an tâm đầu tư vào chất lượng hoa thay vì chạy theo số lượng như những năm trước.

Những ngày này, dọc tuyến quốc lộ 57 những vườn cúc vạn thọ, cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, bông giấy... đua nhau khoe sắc.

Từng đoàn khách từ khắp nơi bắt đầu rục rịch đổ về đây chọn những giỏ hoa ưng ý chưng trong nhà mình dịp Tết. Bà Trương Thùy Mỹ - nhà vườn ở sát quốc lộ 57, huyện Chợ Lách - vừa bưng những chậu hoa cúc vạn thọ vừa nói: “Năm nay tui làm 4.000 chậu, ít hơn năm rồi chừng ngàn chậu nhưng tiền lời khá hơn do giá tăng”. Bà Mỹ nói hiện loại hoa này có giá 70.000-100.000 đồng/cặp, còn cúc Hà Lan trên dưới 100.000 đồng/cặp.

Riêng hoa mai thấp nhất cũng hơn 200.000 đồng/chậu, bông giấy khoảng 150.000 đồng, tắc kiểng hơn 150.000 đồng/chậu... Những năm trước, thời điểm này bà Mỹ và các nhà vườn phải lên tận TP.HCM thuê chỗ bán hoa, nhưng năm nay thương lái tìm về đặt mua tại chỗ nên nhà vườn đỡ tốn chi phí thuê chỗ bán, vận chuyển.

Từ ngày 15 tháng chạp, nhiều nhà vườn, đại lý hoa kiểng tết tại huyện Chợ Lách, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) đã không còn hàng để bán.

Ngắm vườn hoa đang ra bông vàng ươm của bà Mỹ, ông Trần Đình Mười, thương lái ở Bình Dương, chép miệng: “Hoa đẹp vậy mà bán 70.000 đồng/cặp thì rẻ quá.

Tôi có thể trả giá cao hơn”. Nhưng để giữ uy tín với mối, bà Mỹ nhất quyết giữ lại số hoa đã nhận tiền cọc của khách. Theo ông Mười, mọi năm vào lúc này ông đã mua được khoảng 10.000 chậu hoa các loại, nhưng nay dù đã tăng giá thêm mấy ngàn đồng mỗi chậu, ông vẫn chưa mua đủ số lượng hàng.

Du khách tham quan làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp                    -Thành Nhơn
Du khách tham quan làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp -Thành Nhơn


Kết hợp phát triển du lịch

Với diện tích hoa kiểng khoảng 480ha, hơn 2.000 hộ nông dân trồng hoa, làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) được Tổ chức kỷ lục Việt Nam bình chọn là một trong 10 làng hoa được yêu thích nhất Việt Nam năm 2014.

Những ngày giáp Tết, không khí tại làng hoa Sa Đéc nhộn nhịp “trên bến dưới thuyền”. Dọc tuyến bờ kè sông Sa Đéc ngay trục đường Lê Lợi, nhiều xe tải tấp nập ra vào chở hoa kiểng đi khắp nơi, mỗi chuyến chở hàng ngàn giỏ.

Từ tờ mờ sáng, hàng trăm xe ba gác lớn nhỏ chở hoa kiểng từ các hộ trồng hoa về đây tập kết. Những chậu hồng, cỏ nhung, cúc mâm xôi, dạ yến thảo... được nông dân gói cẩn thận.

Ông Trần Văn Thương, thương lái có hơn 6 năm bán hoa kiểng, cho biết do năm nay mấy làng hoa miền Trung thất bại nặng nên thương lái đổ dồn về làng hoa Sa Đéc tìm mua hoa kiểng.

“Nhưng hoa đẹp không nhiều, giá tương đối cao nên thương lái chúng tôi phải vất vả mới mua được hoa vừa ý” - ông Thương tiết lộ.

Vừa đặt chân đến với đường hoa Sa Nhiên - Cai Dao đã thấy nhiều đoàn người, xe từ các tỉnh đổ về, không khí náo nhiệt. Năm nay, TP Sa Đéc được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn tổ chức Tuần lễ du lịch Đồng Tháp 2017 nên ngay từ đầu tháng 1, du khách đã tấp nập đến làng hoa.

Trên tuyến đường hoa dài gần 2,3km, các nhóm khách tham quan, chụp ảnh hoặc tìm mua hoa kiểng cho gia đình... đông nghẹt. Nhiều hộ dân treo hoa lên giàn, tạo các tiểu cảnh đặc sắc nhằm thu hút khách tham quan.

Các quán xá bên đường cũng tận dụng mặt bằng làm bãi giữ xe máy, bày bán nước uống, trái cây cùng những dịch vụ phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng lãm đường hoa của khách: cho thuê xe đạp đôi, thuê áo dài, áo bà ba...

Đang chỉnh lại những giỏ hoa trước ngõ, bà Nguyễn Trang Đài - ngụ phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc - hào hứng nói năm nay do có tuần lễ du lịch nên khách đến với làng hoa sớm gần nửa tháng so với mọi năm.

Ước tính mỗi ngày cơ sở hoa kiểng của bà thu hút khoảng 1.000 lượt khách. “Khách tham quan làng hoa không tốn bất cứ khoản chi phí nào, có thể tham quan chụp ảnh thoải mái.

Nếu thích, du khách có thể mua hoa của nhà vườn để trang trí nhà cửa hoặc tặng cho người thân, bạn bè. Hàng trăm hộ dân dọc tuyến đường hoa này đều mở cửa miễn phí chào đón du khách, đó là điều khác biệt tại làng hoa Sa Đéc” - bà Đài chia sẻ.

Theo UBND TP Sa Đéc, trong khuôn khổ Tuần lễ du lịch Đồng Tháp 2017 (diễn ra từ ngày 7 đến 14-1-2017), toàn TP đón khoảng 250.000 lượt khách, trong đó có gần 2.000 khách nước ngoài.

Ông Võ Thanh Tùng, chủ tịch UBND TP Sa Đéc, cho biết TP đã thuê đơn vị tư vấn của Pháp điều chỉnh phát triển TP, với nét đặc trưng là TP hoa. Hiện công tác tư vấn thiết kế làng hoa đã đạt tiến độ khoảng 70%, dự định tháng 3-2017 sẽ trình UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt.

Theo đó, sẽ quản lý nghiêm ngặt việc xây dựng hạ tầng trong làng hoa nhằm giữ cảnh quan tự nhiên. “Nếu như Đà Lạt chuyên về hoa nhà kính, hoa cắt cành thì Sa Đéc sẽ phát triển hoa trồng trong chậu, hoa trên giàn nhằm thu hút khách du lịch, phát triển làng hoa gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng” - ông Tùng nói.■

Nhiều loại trái cây “độc, lạ”

Các nhà vườn hiện nay rất chú trọng tạo ra yếu tố “độc, lạ” cho trái cây chưng dịp Tết. Ông Huỳnh Thanh Khoa (Đồng Tháp) cho biết năm nay ông làm khoảng 5.000 trái xoài thư pháp để tung ra thị trường.

“Ngoài xoài in chữ, năm nay còn có xoài mang hình bản đồ Việt Nam cũng được thị trường đón nhận và khách hàng đã đặt khoảng 1.000 trái” - ông Khoa nói.

Còn “vua tạo hình” dưa hấu thỏi vàng Trần Thanh Liêm (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) dự định đưa khoảng 500 cặp dưa với giá 2,5 triệu đồng/cặp (loại 1,5kg/trái) và 3 triệu đồng/cặp (loại 2kg/trái) ra thị trường.

Ngoài ra, năm nay ông Liêm cũng cho ra mắt loại dưa có chữ thư pháp tròn, được tạo hình đẹp hơn những năm trước. Riêng CLB sản xuất trái cây tạo hình ấp Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang) dự định góp vào “giỏ trái cây “độc, lạ” miền Tây” khoảng 2.400 trái bưởi hồ lô.

Bên cạnh đó còn có khóm phụng (khóm có phần đầu trái màu đỏ thắm, xòe to như đuôi phụng, phần cuống có nhiều trái nhỏ bao quanh), dừa in chữ, dừa tạo hình hồ lô…

Cây cảnh hình con gà được tạo từ cây tắc đang được thị trường ưa chuộng. Ông Lê Hoàng Vinh - 50 tuổi, xã Hưng Khánh Trung B, nghệ nhân có tiếng tại làng hoa Chợ Lách - cho biết con gà từ cây tắc giá bán dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng mỗi cặp.

Theo thống kê của Phòng nông nghiệp huyện Chợ Lách, năm nay có khoảng 100 cặp gà được tạo từ kiểng phục vụ thị trường Tết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận