Chải tóc cho mẹ - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Nhớ mùi dầu của má
Má tôi mất mới đó mà đã tròn mười năm. Má đi vội quá nên suốt mấy tháng liền, chúng tôi có cảm giác là má vẫn còn. Má chỉ đang vô thăm gia đình cô em kề hay xuống với thằng Út. Ở chơi ít bữa rồi về.
Nhà vỏn vẹn có ba người nên khi vắng dáng đi đứng của má, hụt hẫng nhiều mà trống trải cũng không phải là ít. Tính chồng tôi vốn ít nói hồi giờ. Còn má, tôi mới có người để kể lể, hỏi han, chăm lo và có khi, chỉ để nhìn má đi ra đi vào.
Nhà vắng má không có người lưng khòm, cụm rụm, vào ra. Khoảng hè trước nhà mỗi chiều trơ trốc mấy chiếc xe gắn máy hàng xóm để nhờ.
Đâu còn má ngồi chơi, hóng mát dưới bóng hai cây viết đan thành vòm. Bàn ăn sáu ghế, sau khi má đi xa tới bữa cơm chỉ hai chỗ ngồi đối diện. Cái ghế ở giữa không còn má, chồng tôi lấy thêm một cái nữa đặt kề cho có đôi.
Tôi nói: "Ba má giờ chắc đã sum họp rồi". Nghĩ là thế nói là thế, nhưng không ít lần trong mâm ăn cả chồng lẫn vợ lửng sửng, lặng người. Và, rất lạ! Bởi má đi xa cả một chặng thời gian dài là thế mà tôi vẫn thắc thỏm nhớ má.
Nỗi nhớ, ban ngày có công việc và những gặp gỡ, bận bịu làm mờ nhòa. Nhưng ban đêm thường hiện rõ, nhất là những khi mất ngủ. Trong những khuya khoắt như vậy, tôi nghe tiếng má kéo cánh cửa kính đóng lại, khóa chốt.
Tiếng khóa chốt từ một đôi tay gân cốt đã yếu không có vẻ gì là dứt khoát, tự tin. Cũng có hồi, tôi nghe tiếng má xé lịch, tiếng má nhịp chân, tiếng má cười với người hàng xóm, tiếng má la mấy đứa cháu...
Gần mười ngày nay, trời thi thoảng có mưa và thấy nhớ má nhiều hơn. Nhớ bóng hình của má trong khoảng hẹp ngôi nhà mình và mùi dầu từ đâu đó, túa về. Má chồng tôi vốn "ghiền" uống thuốc và mê xức dầu. Dầu má trữ hơi bị nhiều.
Dầu thường dùng thì có dầu gió xanh Con Ó rồi thêm dầu nóng, dầu xoa đau nhức xương khớp... Đủ các loại và đủ thứ công dụng. Chưa kể má nhớ hết tên mấy người đã cho. Chai dầu này là của ông cậu đi Singapore về biếu rồi lọ dầu của bà chị dâu tôi, hộp dầu của bà chị kêu bằng cô ngoài Chợ Gồm...
Má không xức thì thôi chứ khi xức luôn bôi rất nhiều. Bởi đó, nhà đẫm gắt mùi dầu của má. Mùi dầu sực nức phòng khách, gian bếp và trên gác. Chúng tôi và hai đứa em có lúc càm ràm: "Má vầy, hèn gì người lúc nào cũng rề rề". Được cái, má không có bịnh nặng. Lặt vặt nhức đầu sổ mũi, ê ẩm nướu răng, đau lưng, rêm xương cốt...
Má không thèm đau nặng và chừng đau, mê mết rồi đi ngay. Má không còn, khiến ngôi nhà mất hẳn mùi dầu quen thuộc, mỗi lần trời chuyển mùa và có mưa. Nhưng đâu mất được nỗi buồn nhớ nhất là khoảng này. Khi mới qua giỗ má...
Người phụ nữ tại Long An đã bị bắt vì nhiều lần đánh đập mẹ ruột khi cụ còn sống - Ảnh cắt từ clip
Nỗi buồn Vu lan
Mùa Vu lan hằng năm là dịp để con cái bày tỏ tấm lòng báo hiếu cha mẹ. Từ ý nghĩa đó, dịp Vu lan còn là cơ hội để mọi người trong gia đình gắn kết mối tình thân trong gia đình, tỏa hơi ấm ruột thịt.
Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện đẹp về sự hiếu thảo, sum vầy gia đình, mùa Vu lan năm nay lại xuất hiện thêm những câu chuyện đầy đau lòng khiến cho ý nghĩa của tình thân bỗng dưng nhạt nhòa theo từng tiếng thở dài của nhiều người.
Một video clip dài 7 phút được tung lên mạng khiến cư dân mạng và cả xã hội bất bình. Hình ảnh một cô con gái đã đánh đập bà mẹ 79 tuổi của mình vì bà mẹ già này "chẳng để lại gì" mà còn bắt con chăm sóc nhiều năm. Bà mẹ già ấy đã mất cùng nỗi buồn bất hiếu mà con gái dành cho bà.
Hay như một câu chuyện khác cũng mới được dư luận biết đến mùa Vu lan năm nay. Một người cậu tàn ác đã nhẫn tâm cưỡng hiếp cháu mình, bắt cháu mình đi ăn xin. Rồi mới nhất là thêm một câu chuyện nữa khi một người cha ở Bắc Ninh đã bạo hành con gái mình đến gãy tay, bầm tím mình mẩy.
Những tội nhân trong tất cả những câu chuyện gia đình đầy tan nát trên đã bị chính quyền bắt giữ để xử lý theo pháp luật. Nhưng bản án lương tâm nào sẽ thức tỉnh họ và nhiều người khác?
Nạn nhân trong những vụ bạo hành gia đình như trên không chỉ là riêng ai cả, mà có thể là bất cứ ai, từ con cái, vợ chồng và đặc biệt là cha, mẹ đều có thể hứng chịu những cơn thịnh nộ mất nghĩa tính từ một người ruột rà nào đó trong nhà. Và trước những đòn roi, lời lẽ nhục mạ giáng xuống như vậy, chữ hiếu cũng như tình cảm gia đình nói chung đều tơi tả...
Làm gì để những câu chuyện buồn như trên không còn xuất hiện nữa? Hơn tất cả, chính những con người có lương tri, biết kính trọng mẹ, cha và biết yêu mến tình thân ruột rà mới là giải pháp căn bản để lan tỏa những điều tốt đẹp, khuyến khích người khác lối sống, lối hành xử có đạo đức.
Những câu chuyện mất nhân lễ nghĩa mà bất cứ ai đó dành cho cha, mẹ và người thân của mình vì một lý do nào đó, đều không thể che mắt đất trời và cộng đồng được. Họ sẽ nhận lấy những bản án nghiêm khắc nhất từ pháp luật và lương tâm của mình.
Mai sau cha già mẹ yếu
Một lưỡi bồ cào đã cắm vào vai người cha tuổi 52 ở Thái Nguyên. Người con trai nỡ tâm rượt đuổi và đánh cha chỉ vì cơm chưa kịp lên mâm. Một người mẹ già nua, ốm yếu, bệnh tật đã bị con dâu và cháu nội chở đến bỏ mặc trong ngôi nhà không người ở sau khi mấy người con trai ruột từ chối nuôi dưỡng ở Cà Mau…
Dư luận phẫn nộ khôn cùng trước hành vi mất nhân tính của những "nghịch tử" đối với bậc sinh thành. Chỉ có điều đây không phải lần đầu tiên hình ảnh cha già mẹ yếu bị chính con cái ngược đãi, bạo hành bị trưng ra ánh sáng bằng khung hình nhói lòng.
Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau bị con cháu hắt hủi, ghẻ lạnh, khinh thường và mỗi ngày đều phải chứng kiến ánh nhìn khe khắt xem sự tồn tại của mình là một gánh nặng. Lời dằn hắt, sự cau có, cả câu buột miệng la ó, mắng xa xả… sẽ khiến cõi lòng mẹ cha quặn thắt nỗi đớn đau, dằn vặt khôn nguôi.
Có nỗi đau nào xót xa hơn cảnh cha già mẹ yếu trót lỡ quên quên nhớ nhớ, trây bẩn áo quần, càm ràm chuyện đâu đâu bị con cái cầm roi quật túi bụi.
Và cái bồ cào cắm vào vai cha hay người mẹ già nua bơ vơ trong căn nhà hoang lạnh… quả thật day dứt tâm can chúng ta. Lòng tự hỏi lòng sao hiếu đạo của con người ngày càng xuống dốc, sao nỡ nhẫn tâm xuống tay với cha già mẹ yếu…
"Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng". Chẳng thể kể hết công lao mẹ cha sinh thành dưỡng dục con nên sắc vóc, dáng hình hôm nay.
Sự sống của con là dòng sữa mẹ, là cha ủ ấp bằng tình yêu thương dạt dào, bằng nhọc nhằn giữa chợ đời và bằng cả bể trời hy sinh thầm lặng… Vậy mà, cớ sao "con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày"... Đời buồn đến thế sao!
Thời gian không bỏ quên mái tóc, tấm lưng, sự tinh anh của cha mẹ. Thời gian nhuốm màu tóc mẹ để ta nhận ra cha dần bước vào tuổi xế chiều cần sự chăm sóc của con cháu. Thời gian uốn còng lưng cha để ta biết đưa tay đỡ đần dìu người bước tới.
Thời gian cướp dần đi sự tinh anh của mẹ cha, nhắc chúng ta đến lúc học bài học nhẫn nại, vị tha, hy sinh để quay lại chăm bẵm như người đã chăm ta từ tấm bé.
Mẹ cha đâu cần con phải một dạ hai vâng, cơm bưng nước rót. Mẹ chỉ cần con biết lắng nghe mẹ tỉ tê kể chuyện không đầu không cuối. Cha chỉ mong con bớt xén chút ít niềm vui cá nhân để quan tâm nhiều hơn đến ánh mắt buồn dịu vợi hay khuôn miệng chợt tủm tỉm cười.
Gương hiếu hạnh giữa cuộc đời nhiều lắm, mà nghịch tử cũng lắm kẻ nhẫn tâm, lạnh lùng… Ai kia rồi cũng sẽ già đi theo thời gian.
Và đâu ai muốn mình rơi vào cảnh cô quạnh bị con cái hắt hủi, dằn vặt, bạc đãi phải không? Vậy thì ngay từ hôm nay, chính chúng ta phải là gương hiếu thảo để con trẻ trong nhà soi chiếu, học hỏi, noi theo như "sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy"!
THANH NGUYỄN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận