Cảnh sát giám sát các chuyên gia pháp y đào thi thể các nạn nhân gần một trại buôn người trong khu rừng ở Bukit Wang Burma, bắc Malaysia vào năm 2015 - Ảnh: REUTERS
Nhiều người lao động từ các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Campuchia và Bangladesh đã bị lừa đến Malaysia với những lời hứa hẹn công việc lương cao. Nhưng cuối cùng, họ phát hiện bị lừa, buộc phải làm việc không lương, nợ nần và bị bóc lột.
Những người này thuộc 212.000 "nô lệ hiện đại" ở Malaysia trong tổng số khoảng 4 triệu "nô lệ hiện đại" trên toàn thế giới, theo chỉ số Nô lệ toàn cầu (GSI).
“Có rất nhiều vụ án và đó là tội ác nghiêm trọng ở Malaysia nhưng thực tế chúng tôi không thể chứng minh các trường hợp này là buôn người, do đó số vụ được kết án rất ít.
FERNANDEZ - Tổ chức nhân quyền Tenaganita
Điều tra nhiều, xử không bao nhiêu
Chính phủ Malaysia cam kết sẽ thay đổi luật lao động và có hành động thích hợp để ngăn chặn nạn buôn người.
Tuy nhiên, theo báo cáo về nạn buôn người của Mỹ năm 2019, Malaysia chỉ kết án được 140 vụ buôn người trong giai đoạn từ năm 2014 - 2018, bất chấp đã tiến hành hơn 1.600 cuộc điều tra và khoanh vùng gần 3.000 nạn nhân.
Để có thể giải quyết hết các trường hợp này, tháng 3-2018 Malaysia đã mở một phiên tòa đặc biệt chuyên xét xử các vụ án buôn người để đẩy nhanh tiến trình pháp lý và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Số liệu chính thức được Reuters tiếp cận độc quyền từ văn phòng tiếp nhận đơn kiện của tòa án đặc biệt này cho thấy trong 15 tháng đầu tiên kể từ khi ra mắt, tòa án này chỉ xét xử 26 vụ với 8 vụ có kết án, số vụ còn lại không có buộc tội (trắng án).
Bộ trưởng phụ trách luật pháp Malaysia Liew Vui Keong và văn phòng trưởng công tố (giám sát quá trình tố tụng) đã không trả lời câu hỏi của Reuters về tính hiệu quả của tòa án đặc biệt hay kế hoạch của tòa trong tương lai.
Trong khi đó, nhân viên phụ trách báo chí của ông Liew, ông Samantha Chong, cho rằng công lý cần thời gian để thực thi.
"Ông có biết tòa án được thành lập khi nào không? Ông có muốn tôi nói cho ông biết một phiên tòa diễn ra trong bao lâu không?" - ông Chong gửi tin nhắn cho phóng viên Reuters.
Để so sánh, dựa trên thông tin từ trang web của tòa án Malaysia thì một tòa án xét xử tội phạm ấu dâm được mở từ giữa năm 2017 đã xét xử được 367 vụ án trong năm đầu tiên nhưng không có thông tin về số vụ đã kết án.
Kẽ hở luật pháp
Ban đầu, các nhà hoạt động rất ủng hộ tòa án đặc biệt của Malaysia. Trước giờ, những nạn nhân bị vắt kiệt sức trong các nhà máy, những người bán dâm hay những người giúp việc nhà là lao động nước ngoài tại Malaysia thường e ngại nhờ tòa án giải quyết do quá mất thời gian và thiếu sự hỗ trợ.
Tuy nhiên, luật sư nhân quyền Edmund Bon cho biết luật chống buôn người tại Malaysia có kẽ hở và rất ít vụ được kết án. Ông Bon đang vận động hành lang để thay đổi luật này.
Vì những thủ tục pháp lý rườm rà, ông Bon cho biết những trường hợp người lao động nước ngoài bị bắt làm thêm quá giờ hoặc bị buộc phải bỏ hộ chiếu thường không được tòa án đặc biệt trên thụ lý và giải quyết.
"Điều này phải được sửa đổi bởi vì buôn người có thể thông qua hình thức cưỡng ép. Có rất nhiều kẻ buôn người thoát tội chỉ vì những định nghĩa như trên" - ông Bon nói.
Malaysia có khoảng 2 triệu lao động nhập cư có đăng ký. Họ làm việc trong các lĩnh vực trồng trọt, trong các nhà máy hoặc công trường xây dựng.
Tuy nhiên rất nhiều lao động nước ngoài khác không có giấy phép làm việc, khiến họ rơi vào tay những kẻ buôn người vì trót vay tiền của những kẻ này để trang trải chi phí đến Malaysia với công việc "đầy hứa hẹn".
Indonesia và Campuchia từng cấm công dân sang Malaysia làm việc sau nhiều trường hợp lạm dụng người lao động nhập cư bị đưa lên mặt báo. Tuy nhiên hiện tại các lệnh cấm này đều đã được dỡ bỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận