Cuộc đời & sự nghiệp Oxy liệu pháp
Thở oxy, tên chính phái là Oxy liệu pháp, vốn dùng trong bệnh viện, thi thoảng mới được biệt phái điều trị ngoại trú.
Khoan bàn hay dở. Trước, cần hiểu qua cuộc đời và sự nghiệp của liệu pháp oxy trong y khoa. Oxy là lẽ sống, thiếu oxy người ta như cá mắc cạn, thở ngặt, rồi chết. Thiếu oxy là tất yếu của suy hô hấp. Có cả loạt lý do khiến chính cái bộ hít vào thở ra lại phải được phụ thở: do chướng ngại (phù nề, bạch hầu, suyễn, viêm hô hấp...), kém thông khí (viêm phế quản/phổi, phù phổi, khí phế thủng...), khó dẫn oxy vào máu (suy tim, tim bẩm sinh...). Gút cho gọn, thì thiếu oxy do không lấy được O2, hoặc lấy được nhưng xài không đặng!
Phức tạp, đừng tưởng bở!
Oxy liệu pháp ra đời nhằm giải quyết túng bấn trên. Nhiều kiểu thở oxy: qua ống thông, mặt nạ, lều thở, nội khí quản... Nguồn oxy cải tử hoàn sinh phải có nồng độ (FiO2) từ 21% trở lên, kịch nóc 100%, tức đậm đà hơn lượng oxy gia bản trong không khí (20,9%). Vận hành một cuộc thở oxy, cần một đội mũ cao áo dài và chục con tính từ đo đếm khí máu (PaO2, PaCO2, SaO2...) đến kế hoạch thở bao nhiêu, thở bao lâu...
Đang yên đang lành...mắc chi thở oxy?
Đến đây tạm có câu trả lời cơ bản, hơi thẳng ruột ngựa rằng: “Đang yên đang lành, đang khỏe như vâm, đang thở hồng hộc, thì ...mắc mớ gì thở oxy?”. Oxy liệu pháp tại nhà được dùng điều trị suy hô hấp mạn hoặc cấp. Lục hết sách vở, không có y lệnh danh môn chính phái nào chỉ định thấy trong người ngầy ngật, không khí ngột ngạt, là làm vài nhát oxy cho khỏe! Cũng vậy, không hề có các kiểu kê toa bonus oxy cho vận động viên thể thao, dân leo núi, bà bầu, người gặp hỏa hoạn...
Suy ra, cái sự khỏe người có được nhờ vài chục phút thở hít O2 cầm tay, không hơn gì việc bắt xe ra ngoại thành hít thở không khí trong lành! Thứ căn cơ cần là “bình oxy” trong sạch vững mạnh của thành phố, của hành tinh, hoặc ít ra “Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen, đưa nhau lên tàu về quê em thấy vui hơn”. Trong khi thiên hạ “đục” cả, mình ta “trong” chỉ tày gang, sau đó ta phải quay lại bầu khí quyển đang suy hô hấp của mẹ trái đất, thì cũng công cốc thôi!
Tinh khiết hớ!
Tán thêm một chút về liệu pháp oxy bản thương mại. Người bệnh thở oxy để sống, thứ họ cần là nồng độ O2 (FiO2) thích hợp trong khí thở, chứ không phải oxy theo nghĩa “sạch”. Một lẫn lộn không nhẹ giữa hai khái niệm- khí thở tinh khiết và oxy tinh khiết. Một đằng chỉ dưỡng khí được thanh lọc, một đằng chỉ mức FiO2 khí thở cao, do yêu quá mà nói quá lên! Suy nghĩ bỏ tiền mua oxy xịn sò về dùng là cú hớ từ vòng gửi xe.
Chơi với lửa!
Thật ra, thứ khiến người có trách nhiệm toát mồ hôi hột hơn cả với trào lưu tậu oxy cầm tay, là cái vô tình “điếc không sợ súng”! Oxy liệu pháp dùng liều cao, hoàn toàn không phải loại trăm họ ngày ngày “xài chùa” đến lúc xuôi tay. Chúng là thuốc, có tác dụng phụ, có tai biến, có trần ai quá liều, có ngộ độc, xài lộn thuốc và cả chín suối gọi về...
Tai biến nổi da gà
Nói cho ngầu, thì tai biến oxy “đau hơn bò đá”, bởi người bị hại lại chính là hệ hô hấp. Không đau sao được, khi để trợ thở người ta lại bị...suy hô hấp! Cụ thể, các biến chứng gồm ngộ độc (quá nồng độ, quá thời gian thở), giảm thông khí, xẹp phổi (oxy hàm lượng cao làm xẹp phế nang), bệnh võng mạc (trẻ thiếu tháng), nhiễm trùng (dụng cụ, khí thở bị nhiễm)…
Dấn sâu chút nữa, việc xài O2 ngoại viện, còn khiến người dùng chuốc lắm phiền hà cò con. Đơn cử, oxy là khí khô, do vậy, chúng luôn được làm ẩm trước, tránh làm khô niêm mạc, đường hô hấp của bệnh nhân. Còn bình oxy cầm tay không rảnh làm việc này!
“Bom áp suất” mua là có
Xanh mặt hơn cả, O2 là khí cháy, bình oxy nén là quả bom áp suất! Vào viện thăm bệnh, người nhà, khách khứa xớ rớ gần vòi oxy đầu giường, mà “buôn” điện thoại hay cắm sạc, là có cơ bị “sạc” một trận hay bị mời khỏi phòng.
Quả nổ oxy phiên bản bình mini, nhỏ mà có võ, bởi chúng được áp trực diện vào mũi, mặt, mắt. Vãi linh hồn, nếu người ta vừa thở oxy vừa “à lô a lố”, bật bếp gas nấu bếp! Drama hơn, người đang tay bồng tay bế…bình oxy, mà nồi canh sôi trào dưới bếp, lửa đang cháy phừng phừng, thì dự chuyện gì xảy ra không khó đoán...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận