Nhiều cửa hàng, quán xá tại TP.HCM đóng cửa vì COVID-19 nhưng vẫn phải mong giảm thuế - Ảnh: NGỌC HIỂN
Đã có chủ trương, cần triển khai nhanh như một "phao cứu sinh" với thủ tục đơn giản vì đã khó lắm rồi.
Tiểu thương mong giảm thuế
Những ngày này đi dọc các lối đi của chợ Bình Tây (Q.6) dễ dàng cảm nhận được không khí ảm đạm vì phần lớn kiôt đã nghỉ, lượng khách hàng đến chợ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, bà Ứng Thị Liên - chủ sạp Liên tại chợ Bình Tây (Q.6) - cho biết dù kinh doanh ế ẩm nhưng từ đầu năm đến nay các sạp tại chợ Bình Tây vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào, riêng cá nhân bà vẫn đều đặn đóng mức thuế cho kiôt chưa tới 2m2 là trên 6 triệu đồng mỗi tháng, thêm tiền phí và điện nước là mỗi tháng bà phải đóng tổng cộng khoảng 9 triệu đồng.
Theo bà Liên, mức này là quá cao so với doanh thu hiện tại của kiôt chỉ vài trăm ngàn đồng mỗi ngày, bằng 1/10 so với bình thường.
Tiểu thương quá khó khăn, khách không dám lấy hàng, tàu xe không chạy nên cũng không bán hàng cho các tỉnh. Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm hỗ trợ để có tinh thần vượt qua giai đoạn này, có thể miễn giảm trực tiếp vào tiền thuế, phí", bà Liên đề nghị.
Trong khi đó, bà Thùy - chủ sạp Thu Thùy ở chợ An Đông (Q.5) - cho biết các tiểu thương tại chợ đã chấp hành quy định đóng cửa chợ gần 1 tháng qua để phòng chống COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay các mức hỗ trợ miễn giảm thuế phí vẫn chưa được thông tin cụ thể.
"Đợt dịch lần 4 này khó khăn nhất vì kéo dài hơn. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ sớm để "cấp cứu" cho người dân, người kinh doanh. Nếu không, tạm ngưng lâu dài thì mất hết mối làm ăn", bà Thùy kiến nghị.
Đại diện ban quản lý chợ An Đông, Bình Tây thừa nhận hiện nay doanh số bán hàng tại chợ giảm rất mạnh, hàng ngàn quầy sạp không thiết yếu tại chợ đã nghỉ theo quy định, thậm chí nhiều sạp dù được phép bán nhưng vẫn chủ động đề xuất nghỉ.
Đã khó còn bị phạt chậm nộp
Từ năm ngoái đến nay, các DN kinh doanh nhà hàng, tiệc cưới, trung tâm hội nghị... liên tục bị gián đoạn kinh doanh, trong đó nặng nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 khi nhiều dịch vụ dừng kinh doanh từ đầu tháng 5 cho đến nay.
Theo đại diện một hệ thống hội nghị - tiệc cưới lớn tại TP.HCM, dù ngưng hoạt động gần 2 tháng nay nhưng DN này lại bị cộng thêm tiền phạt chậm nộp thuế. Để hỗ trợ người lao động tạm ngưng việc, DN này vẫn trả lương song vẫn phải trích đóng thuế thu nhập cá nhân.
Do đó, vị này kiến nghị cần gia hạn thời gian trích nộp thuế thu nhập cá nhân, gia hạn thời gian đóng các loại bảo hiểm và duy trì thẻ bảo hiểm y tế cho lao động khi DN đã xin chậm nộp, tiếp tục giảm tiền điện nước cho các DN bị ảnh hưởng nặng nề.
Đồng thời, cần giãn thời gian đóng phí công đoàn và miễn đóng bảo hiểm y tế (1,5%) cho người lao động trong những tháng tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
Tất cả các ngành nghề từ spa, siêu thị mỹ phẩm, khách sạn... của Công ty TNHH xây dựng - thương mại Lê Thành đều đóng cửa, ngay cả trụ sở công ty cũng nằm trong vùng phong tỏa. Tổng giám đốc công ty Lê Hữu Nghĩa cho biết DN này vẫn nuôi 700 nhân viên.
Theo ông Nghĩa, nhiều DN đang "đứt gãy" nguồn tiền bởi doanh thu mất, trong khi các khoản chi vẫn duy trì. Trong đó, DN vẫn phải trả tiền ngân hàng, nếu không sẽ vào nhóm nợ xấu. Do đó, ông Nghĩa cho rằng cần hỗ trợ khẩn cấp để DN nối lại đứt gãy về tài chính như hạ lãi suất ngân hàng, đặc biệt là giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng.
Nhờ đó, DN có dòng tiền để trả lương nhân viên, tái đầu tư. Đặc biệt, ông Nghĩa cho rằng không nên "trói chân" DN bằng các điều kiện để được nhận hỗ trợ như phải giảm 50% người lao động. Nên đặt điều kiện ngược lại là làm sao phải giữ lao động, giữ được doanh thu mới được hỗ trợ.
"Cần miễn giảm từ 3 - 6 tháng bảo hiểm xã hội, đừng để DN phải "nhả" công nhân sẽ tạo thêm gánh nặng cho xã hội" - ông Nghĩa nói.
Chờ hướng dẫn của... Tổng cục Thuế!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số chi cục thuế, đặc biệt ở địa bàn bị phong tỏa, cách ly cho hay hiện theo quy định để được miễn giảm thuế hộ kinh doanh phải gửi đơn cho cơ quan thuế đề nghị ngưng nghỉ, giảm thuế. Nhưng trong điều kiện hiện nay hộ kinh doanh rất khó làm điều này do bị hạn chế đi lại.
Nên chăng Tổng cục Thuế nên có văn bản cho phép miễn giảm theo danh sách, tức ban quản lý chợ hoặc phường lập danh sách gửi sang cơ quan thuế thay cho việc làm và xét từng đơn riêng lẻ, từ đó giúp giảm bớt thủ tục cho cả hộ kinh doanh lẫn cơ quan thuế.
A.H.
Giảm doanh thu do dịch được giảm thuế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết từ đầu tháng 6 đã có văn bản gửi các chi cục thuế quận, huyện, khu vực thống kê số lượng hộ, cá nhân kinh doanh tạm ngừng, nghỉ kinh doanh do yêu cầu của TP để kiểm soát dịch bệnh...
Theo Cục Thuế TP.HCM, UBND TP đã có chỉ đạo: với các hộ kinh doanh mà doanh thu bị giảm sút do dịch thì UBND các quận, huyện xác nhận với cơ quan thuế để đánh giá, trên cơ sở đó sẽ giảm thuế.
Riêng với các hộ kinh doanh tại các địa bàn phải áp dụng chỉ thị 16, ngoài việc được miễn thuế trong thời gian đó, UBND TP cũng sẽ hỗ trợ.
Ông Phan Văn Dũng, chi cục trưởng Chi cục Thuế Q.1, cho biết đang nhận đơn xin ngưng nghỉ và giảm thuế của hộ kinh doanh và đang làm thủ tục để ra quyết định miễn giảm thuế. Số lượng hồ sơ rất nhiều, hằng tuần chi cục đều báo cáo số lượng về Cục Thuế TP.HCM.
Theo quy trình, với hộ xin ngưng nghỉ hoặc giảm thuế, cơ quan thuế phải khảo sát thực tế. Tuy nhiên, do dịch nên cơ quan thuế sẽ làm việc với ban quản lý chợ, thông qua hội đồng tư vấn thuế phường để ra quyết định giảm thuế.
Tuy nhiên, trước mắt các hộ kinh doanh vẫn phải nộp thuế theo mức cũ, khi có quyết định giảm thuế thì cơ quan thuế sẽ tính giảm cho họ vào tháng tiếp theo.
Lãnh đạo Chi cục Thuế Q.5 cho hay phần lớn hộ kinh doanh trên địa bàn quận đã đóng cửa nghỉ dịch. Chi cục đã ra quyết định miễn giảm thuế từ 15-5, số tiền miễn giảm khoảng 9 tỉ đồng.
A.Hồng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận