Phóng to |
Thầy Cải với cô giáo cũ Trần Thị Hằng - Ảnh do tác giả cung cấp |
Là lớp trưởng ba năm liên tục và cũng bằng ấy năm là một học sinh giỏi nhất lớp nhưng ngày tựu trường của năm lớp 4 tôi lại nằm chèo queo ở nhà khóc sưng mắt vì mẹ bệnh nặng, chị gái thất nghiệp, nhà quá nghèo... Có khi cả tuần tôi không có cơm ăn, chỉ ăn rau độn với khoai mì chấm muối nên không thể tiếp tục đến trường. Cảm giác cô đơn, buồn bã khi phải nghỉ học vì nghèo là nỗi ám ảnh với tôi, trong khi bạn bè nô nức tựu trường!
“Bạn đi học đi, cô giúp cho”
Ngọn đèn ấy còn mãi Mười năm tôi học bằng đèn dầu trong khi những gia đình xung quanh đã có đèn điện từ lâu. Thầy trợ lý thanh niên Nguyễn Văn Hiếu vào nhà biết được hoàn cảnh, về trường bàn với thầy hiệu trưởng giúp đỡ tôi. Không chỉ cho toàn bộ dây điện và các vật dụng, ngày 7-7-1996 thầy hiệu trưởng Lê Đình Hoe cùng năm thầy nữa trực tiếp vào tận nhà kéo điện, câu nối cầu dao để tôi có ánh đèn điện thay cho ngọn đèn dầu tù mù hơn chục năm trước đó! |
Đang trong nỗi buồn ảm đạm ấy của một đứa trẻ thì mấy bạn trong xóm chạy ào vào nhà bảo: “Cô Hằng kêu bạn đi học đi, cô giúp cho”, tôi vui mừng khôn tả! Sáng thứ hai đầu tiên năm học 1989-1990, với quần đùi, áo vá lưng, trên vai là chiếc cặp với vỏn vẹn vài viên phấn (là phần thưởng hạng nhất cuối lớp 3) tôi đến lớp 4B Trường tiểu học Trung Lập Hạ, không có sách vở, bút viết gì cả. Cô chủ nhiệm Trần Thị Hằng đón nhận tôi như đứa con bé bỏng. Cô dẫn tôi sang quầy bán dụng cụ học tập của cô Hoa ngay trong trường mua chịu tặng tôi đầy đủ tập, bút và các vật dụng học tập. Rồi sau đó cô mượn sách giáo khoa cho tôi học, đóng học phí cả năm học đó cho tôi...
Những năm ấy đời sống giáo viên khó khăn nhiều lắm. Bản thân cô Hằng một buổi đi dạy, buổi còn lại cô cũng đi làm thuê mà vẫn không đủ nuôi cả gia đình gồm người chồng thất nghiệp cùng một đứa con nhỏ. Vậy mà trong khó khăn vất vả ấy, cô lại mở rộng vòng tay bằng tình thương và trách nhiệm để sẻ chia, nâng bước tôi đến trường. Thú thật nếu không có cô Hằng, chắc việc học của tôi chấm dứt từ cuối năm lớp 3! Từ hôm ấy, tôi thấy hình ảnh người thầy cao đẹp quá, vĩ đại quá và tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng học để mai này trở thành thầy giáo, tiếp tục làm những việc như cô Hằng vậy!
Lên THCS, THPT rồi đại học, tôi gặp nhiều thầy cô giáo mẫu mực, tận tụy với học trò nghèo như thế. Không phải chỉ với tôi mà với tất cả những bạn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ đều như vậy! Mẹ bệnh triền miên, chị gái làm thuê không ổn định, bản thân tôi phải vừa đi học vừa đi làm thêm đủ mọi nghề (bán báo, bán rau, bán bánh dạo, xay đậu, cấy lúa, phụ hồ, chăn trâu, chăn vịt mướn...) để có tiền ăn học nhưng vẫn không đủ. Căn nhà của mẹ con tôi bị xiêu vẹo sắp sập đổ, chính thầy Hoe, thầy Hiếu chạy vạy khắp bạn bè vận động hỗ trợ xây lại để tôi có nơi ở ổn định và chăm sóc mẹ bệnh, mặc dù lúc ấy tôi đã là sinh viên, không còn học tại Trường THPT Quang Trung nữa! Hay câu chuyện chiếc xe đạp, những suất học bổng của những người thầy ở Đoàn Sở GD-ĐT và Hội Khuyến học chia sẻ giúp tôi có điều kiện đến trường!
Tôi nhớ mãi hình ảnh PGS.TS Trần Hữu Tá tuổi đã cao, bận rộn với cương vị chủ nhiệm khoa ngữ văn nhưng dành gần trọn buổi chiều đầu tiên năm học mới 1998-1999 để chia sẻ, động viên khi biết hoàn cảnh khó khăn của tôi. Rồi việc PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị (trưởng khoa ngữ văn khi ấy) trích từ tiền thưởng nghiên cứu khoa học của thầy tặng tôi mua thuốc trị bệnh cho mẹ trong cơn ngặt nghèo đến giờ tôi ghi nhớ mãi!...
Chia sẻ ân tình
Chính gương thầy đã soi rọi vào tôi. Ngay sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM, dù có nhiều lời mời ở lại nội thành công tác, song tôi cảm ơn và gác lại để trở về Củ Chi, xin về ngôi trường cũ THPT Quang Trung mà tôi đã gắn bó ba năm THPT để công tác. Tôi hiểu ở đâu cũng đóng góp cho ngành giáo dục, nhưng chắc chắn ở Củ Chi quê tôi, dù không ai mong muốn, vẫn còn nhiều em có hoàn cảnh khó khăn như tôi ngày trước cần được quan tâm chia sẻ. Tôi phải trở về để cùng đồng nghiệp, thầy cô của mình làm tiếp những công việc của cô Hằng, thầy Hoe, thầy Hiếu... ngày trước đã làm cho tôi!
12 năm đứng trên bục giảng, tôi cặm cụi làm việc như con chim nhặt thóc, như con kiến tha mồi, như kẻ chịu ơn nay được đền đáp bởi một bổn phận tự nguyện. Ngay khi về trường, năm 2002 tôi tham mưu với thầy hiệu trưởng thành lập hội khuyến học để có thêm điều kiện vận động nguồn lực chăm lo giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó. Từ đó đến nay, chừng ấy năm không dài nhưng cũng đủ khẳng định sức sống và sự lan tỏa của một mô hình xuất phát từ trái tim những người thầy biết quan tâm đến học sinh nghèo vượt khó.
12 năm gắn bó với nghề, dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, song tôi cảm nhận trọn vẹn tình yêu nghề, tình cảm thầy trò với những kỷ niệm không thể nào quên. Cũng có nhiều cơ hội để tôi chuyển ngành, làm nhiệm vụ khác song tôi vẫn không thay đổi quyết định đam mê nghề giáo mà mình đã lựa chọn ban đầu. Những lúc khó khăn, tôi nghĩ đến sự bền bỉ của những người thầy trong giai đoạn khó khăn nhất mà vẫn bám trường, gắn bó với nghề để mang con chữ và gieo niềm tin cho chúng tôi. Tôi nhớ đến hình ảnh chú Nguyễn Văn Lắm (phụ huynh hai em Nguyễn Duy Lam - Nguyễn Duy Linh) cụt hai chân, chống nạng gỗ đến thăm khi tôi nằm viện và nói trong xúc động: “Thầy mau khỏe để về trường làm việc nghen thầy, hàng trăm HS nghèo đang cần và chờ thầy!”. Những tình cảm ấy thôi thúc tôi phải nỗ lực nhiều hơn để cùng đồng nghiệp sẻ chia tốt hơn nữa với học trò, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn!
Đến đây, tôi chợt nhớ đến lời của Usinxki rằng: “Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia nắng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được”. Tôi cảm nhận rõ điều đó và đang truyền cho các học trò của mình!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận