1. Theo bà Lưu Bích Liên - phó giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, đây là lần đầu tiên Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ VN (Hà Nội) tổ chức thi tốt nghiệp nghệ thuật biểu diễn xiếc và tạp kỹ tại TP.HCM (khóa 1, hệ 2 năm vừa học vừa làm).
Có 17 học viên xiếc và múa rối của nhà hát cùng 4 học viên đến từ Liên đoàn Xiếc VN, Nhà hát Nghệ thuật xiếc, tạp kỹ Hà Nội tham gia thi.
Rất ngộ nghĩnh là thí sinh đa số đều thực hiện suôn sẻ, ít trật vuột. Mà nếu có lỡ sai sót thì đều có thể xử lý ngon ơ và duyên dáng.
Nghĩa là không bị "sượng" trên sân khấu, không lúng túng non nớt như mới ra trường.
Lứa tuổi học viên cũng rất đa dạng, từ khoảng 30 tới hơn... 50 tuổi! Trong đó, có học viên còn được xem là gương mặt nổi bật trong làng xiếc hiện nay.
Như nghệ sĩ xiếc Thanh Hoa đã có 15, 16 năm hoạt động ở nhà hát. Hoa cùng Hiển Phước gặt hái được nhiều huy chương trong và ngoài nước.
Gần nhất Hiển Phước - Thanh Hoa đoạt huy chương vàng, huy chương bạc liên hoan xiếc quốc tế ở Nga, Kazakhstan... với tiết mục đu dây Khoảnh khắc tình yêu.
Nghệ sĩ xiếc Trúc Vi với sở trường uốn dẻo có hơn 20 năm theo xiếc với các huy chương bạc, huy chương vàng các liên hoan xiếc toàn quốc.
Nghệ sĩ Minh Tiến cùng lứa với Trúc Vi, Quốc Cơ, Quốc Nghiệp... Anh mạnh về tung hứng và cũng từng đoạt nhiều giải thưởng về xiếc trong và ngoài nước...
2. Có lẽ sẽ có thắc mắc không hiểu vì sao những nghệ sĩ trên đều chuyên nghiệp, theo nghề ròng rã mấy chục năm trời mà giờ vẫn phải "xách cặp" đi học, đi thi như bao học viên mới?
Ngành xiếc, múa rối, hát bội... đều là những bộ môn nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ phải dành nhiều thời gian, công sức, vất vả tập luyện mới có thể đứng được trên sân khấu.
Như xiếc không chỉ khổ luyện mà còn đối diện với những tai nạn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, mấy ai ở lĩnh vực này có được tên tuổi, được công chúng chú ý và có nhiều lợi ích về kinh tế như những lĩnh vực hào nhoáng khác trong showbiz.
Ở phía Nam, rất nhiều nghệ sĩ xiếc có dấu ấn hiện nay như Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, Thanh Hoa, Trúc Vi... theo nghề từ nhỏ, có người từ truyền thống gia đình, có người vì đam mê.
Khi họ vào Đoàn xiếc TP.HCM (tiền thân của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam hiện nay) cũng được các nghệ sĩ, thầy cô kỳ cựu trong nghề dạy dỗ từng chút một và trưởng thành, đạt được những thành tích cao.
Thế nhưng trong cơ chế thì nhiều người đối diện với việc chỉ được ký hợp đồng, không thể tuyển dụng vì đòi hỏi phải có bằng cấp chuyên môn. Ở phía Nam lại không có trường đào tạo về xiếc, múa rối, hát bội...
Ông Lê Diễn - giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam - từng rất đau đáu vì nhà hát lâm vào tình trạng thiếu người mà không thể tuyển dụng, đưa vào viên chức những nghệ sĩ gắn bó lâu năm lại rất giỏi nghề.
Vì lẽ này, nhà hát đã bày tỏ với Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ VN. Hai bên làm việc nhiều lần và chọn phương án đào tạo thuận lợi nhất cho nghệ sĩ, cho nhà hát.
Học viên sẽ không phải tốn công, tốn sức ra Hà Nội học mà được tạo cơ hội học tại đơn vị. Trường chọn những người được đánh giá đủ năng lực. Những môn chung thì giải quyết cho học viên học online.
Suốt 2 năm như thế và đợt thi tốt nghiệp này đối với xiếc, múa rối phương Nam là điều đặc biệt. Bà Bích Liên chia sẻ:
"Chúng tôi mừng lắm, với sự hỗ trợ hết mình của trường và Sở VH&TT TP.HCM, nhà hát đã có thể tạo điều kiện cho anh em nghệ sĩ hoàn thiện thêm về chuyên môn và có đủ bằng cấp để chính thức tuyển dụng. Việc này không chỉ bổ ích về nghề mà còn xử lý có tình với các nghệ sĩ đã cống hiến rất nhiều cho nhà hát chúng tôi".
Sau khóa học này, bà Liên cho biết những người thực hiện muốn có thêm những khóa khác. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho xiếc cũng có hạn nên bà mong thông tin về lớp học được lan tỏa để những diễn viên tự do muốn có cơ hội học nghề tìm đến nâng cao khả năng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận