Gần 900 học sinh của cả ba khối lớp đã cùng với thầy giáo lịch sử Võ Đức An, bí thư Đoàn trường, học bài học về sự kiện tháng 2-1979 ở biên giới phía Bắc. Các em đã được nghe lại về một buổi sáng mùa xuân những bản làng, thị xã ở dọc biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh bỗng nhiên đẫm máu dưới mũi dao, làn đạn của quân Trung Quốc. Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của quân dân Việt Nam đã diễn ra trong thế bất ngờ, trong hoàn cảnh các quân đoàn chủ lực còn đang phải đối phó với quân Pol Pot ở biên giới Tây Nam.
Phóng to |
Các bạn học sinh Trường chuyên Lê Quý Đôn (Ninh Thuận) xem thông tin về chương trình “Tháng 3 biên giới” - Ảnh: N.Đ.Thạch |
“Nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn kỷ niệm sự kiện 17-2 và gọi đó là “Cuộc chiến tự vệ phản kích” để xuyên tạc lịch sử và đầu độc ý thức của người dân Trung Quốc. Thực tế các trận chiến đều diễn ra sâu trong lãnh thổ Việt Nam, người dân biên giới đã phải chịu rất nhiều đau thương mất mát, và bản chất sự kiện 17-2 là cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của quân Trung Quốc” - các em được thầy dạy. Và các em được học thêm: “Như mọi người dân trên thế giới, chúng ta đều yêu hòa bình. Trải qua chiến tranh càng yêu hòa bình hơn. Quá khứ cần được khép lại nhưng không được quên. Hướng đến tương lai càng phải củng cố biên giới phên dậu cho vững chắc”.
Từ mấy ngày nay, thầy cô đã photo các bài báo về biên giới tháng 2, về chương trình “Tháng 3 biên giới” của báo Tuổi Trẻ để dán lên bản tin trường, phát đến các lớp. Các bạn đã được biết ở biên giới có những ngôi trường xơ xác gió lùa nắng soi, có những bạn học sinh phải chân đất lội qua mấy lần sườn núi để đến lớp, có những em bé chưa hề biết đến hương vị của viên kẹo, giọt sữa, biết có những người lính, người dân đã lặng lẽ ngã xuống trong mịt mùng rừng núi để bảo vệ sự toàn vẹn của Tổ quốc... Các thầy ở Trường Lê Quý Đôn giải thích với học trò: “Đóng góp cho biên giới hôm nay không chỉ là để tri ân những người đã ngã xuống, không chỉ là góp phần giúp các bạn ở biên giới đỡ phần nhọc nhằn vất vả, mà là một hành động bảo vệ biên cương của chúng ta dù chúng ta đang ở rất xa”.
Thầy Nguyễn Đức Thạch, người đã tiên phong đóng góp cho chương trình từ ngày đầu tiên, kể thầy đã đọc được sự xúc động trong mắt các học trò mình và đọc được những tiến bộ về nhận thức của các em qua những tin nhắn, những chia sẻ mà các em truyền cho nhau trên Facebook. “Cao hơn những đóng góp về vật chất là sự biết, sự hiểu của các em ngày hôm nay về một câu chuyện lịch sử chưa xa. Chúng tôi rất mừng, rất cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã tạo cho chúng tôi cơ hội này”, thầy nói vậy, và cho biết thêm một số đồng nghiệp ở các trường khác đã hứa sẽ chung tay phát động cho “Tháng 3 biên giới”.
Sáng 25-2, ở tòa soạn báo Tuổi Trẻ, một bạn sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM đến đóng góp 1 triệu đồng. Đóng tiền rồi, bạn nán lại xin gặp người phụ trách chương trình. Và bạn hỏi rất nhiều về những câu chuyện biên giới: địa hình nơi đó ra sao, các bạn học sinh, giáo viên gặp khó khăn thế nào, trường lớp phải như thế nào mới có thể đứng vững, các em có nhà lưu trú để trọ học không... Rồi bạn đề nghị: “Khi nào Tuổi Trẻ đến đó xây trường, cần tình nguyện viên thì nhớ gọi tôi nhé”. Mắt bạn gái ấy sáng lên khi chúng tôi trả lời rằng nếu cần tình nguyện viên, Tuổi Trẻ sẽ đăng ngay lên mặt báo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận